Sẽ có 9 bậc xếp hạng tín nhiệm (XHTN) doanh nghiệp niêm yết. Cao nhất là AAA (loại tối ưu dành cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao, khả năng tự chủ tài chính tốt, triển vọng phát triển lâu dài, tiềm lực tài chính mạnh, khả năng trả nợ tốt), và thấp nhất là C (loại yếu kém, thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính, rủi ro cao).


Được sự bảo trợ của Văn phòng Chủ tịch nước, CTCP xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV) sắp tới sẽ phối hợp cùng các nhà nghiên cứu kinh tế lần thứ 2 công bố "Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2011" với kết quả xếp hạng tín nhiệm 596 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán HSX và HNX.


http://vef.vn/2011-07-16-gan-600-doanh-nghiep-viet-co-nguy-co-pha-san


TS. Nguyễn Trọng Hoà, Phó trưởng bộ môn Phân tích Chính sách Tài chính - Học viện Tài chính, Trưởng nhóm Phân tích Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) đã cho biết, năm 2010, trên cơ sở các chỉ tiêu tài chính của DN niêm yết đã được kiểm toán và các chỉ tiêu phi tài chính, dựa trên phương pháp tổng hợp, CRV đã chọn ra một số chỉ tiêu cơ bản để đánh giá. Có 9 bậc xếp hạng tín nhiệm (XHTN) doanh nghiệp niêm yết. Cao nhất là AAA (loại tối ưu dành cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả cao, khả năng tự chủ tài chính tốt, triển vọng phát triển lâu dài, tiềm lực tài chính mạnh, khả năng trả nợ tốt), và thấp nhất là C (loại yếu kém, thua lỗ kéo dài, không tự chủ về tài chính, rủi ro cao).


Trong năm 2011, CRV sẽ công bố thêm xác suất để một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.


Để xếp hạng tín nhiệm một DN niêm yết, CRV sử dụng phương pháp tổng hợp để xếp hạng. Ví dụ khi đánh giá về tình hình tài chính, CRV sử dụng 54 chỉ tiêu được tính toán từ báo cáo tài chính đã qua kiểm toán và dựa trên một số phương pháp khác nhau để lọc số liệu, trên cơ sở đó lựa chọn những chỉ tiêu có ý nghĩa nhất trong việc phân loại theo thuật toán được CRV nghiên cứu từ đó tìm ra được hàm phân biệt. Căn cứ vào hàm phân biệt thì mỗi doanh nghiệp sẽ có một điểm số tương ứng và sẽ được phân vào nhóm có mức độ rủi ro tương ứng.


Đây là phương pháp được sử dụng khả phổ biến ở các nước phát triển. Đối với các chỉ tiêu phi tài chính thì tùy theo các tiêu thức khác nhau chúng tôi sử dụng phương pháp phù hợp với tiêu thức đó. Trên cơ sở kết quả đánh giá tổng hợp thứ hạng của các doanh nghiệp sẽ được đưa ra bởi hội đồng thẩm định tín nhiệm của công ty gồm nhiều nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực này.


Trong Báo cáo năm 2010, cũng có một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán chưa đồng tình với xếp hạng của CRV. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn thấy được tầm quan trọng của xếp hạng tín nhiệm.


TS Nguyễn Trọng Hoà, cho biết, với quy mô nhỏ và thanh khoản thấp như thị trường chứng khoán Việt Nam, thì rủi ro đối với nhà đầu tư là rất lớn. Thời gian qua không chỉ có các nhà đầu tư cá nhân chịu thiệt hại, ngay cả các quỹ đầu tư hay tổ chức tài chính nước ngoài cũng bị thâm hụt khá nhiều. Bên cạnh đó, sự không lành mạnh trên TTCK như tổ chức "đội lái", làm giá chứng khoán, đưa thông tin sai lệch sẽ khiến nhà đầu tư dễ quyết định sai lầm. Với việc công bố bảng XHTN này, sẽ là một trong các dấu hiệu nhận diện được những cổ phiếu có biến động giá bất thường thông qua việc so sánh kết quả XHTN với mức giá hiện tại. Không chỉ hữu ích cho các nhà đầu tư, việc công khai tình trạng "sức khỏe" của doanh nghiệp niêm yết cũng giúp các ngân hàng trong việc ra quyết định cấp tín dụng, xác định hạn mức tín dụng... DN được xếp hạng sẽ biết rõ tình trạng "sức khỏe" thực tế của mình, triển vọng phát triển trong tương lai cũng như những rủi ro có thể gặp phải".


TS. Hoà, nêu một ví dụ khá cụ thể, trong năm 2010, cổ phiếu SD8 của CTCP Sông Đà 8 và SHC của CTCP hàng hải Sài Gòn được xếp hạng là "B". Theo đánh giá, những doanh xếp hạng này là những "Doanh nghiệp hoạt động chưa có hiệu quả, khả năng tự chủ tài chính thấp, có nguy cơ hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ. Rủi ro tương đối cao".


Đến ngày 29/3/2011, cổ phiếu SHC của CTCP hàng hải Sài Gòn bị đưa vào diện kiểm soát; tương tự với cổ phiếu SD8, ngày 8/7/2011 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng thông báo chính thức đưa cổ phiếu của công ty công ty CP Sông Đà 8 vào diện kiểm soát.


Bên cạnh đó, một số DN bị đưa vào diện cảnh báo do có kết quả kinh doanh thua lỗ và thông qua xếp hạng tín dụng của CRV cũng hầu hết đều được xếp vào nhóm có mức rủi ro khá cao như ANV(BB), BAS(B), MHC(CCC), CAD(B), VKP(BB), VPK(BB), TYA(B), VSG(B),..


Theo VnMedia