Thứ Bảy, 18/10/2008, 07:51 (GMT+7)




EVN xin 1.002 tỉ đồng để khen thưởng...!




TT - Thiếu tiền đầu tư, giá điện đang bán dưới giá thành, đó là những lý do khiến Tập đoàn Điện lực VN (EVN) quyết tâm xin tăng giá điện. Thế nhưng theo một công văn mới đây của Bộ Tài chính gửi Bộ Công thương về việc xử lý chênh lệch giá điện năm 2007 thì EVN không hề lỗ. Thậm chí EVN còn xin trích 1.002 tỉ đồng chênh lệch nhờ tăng giá điện để… khen thưởng và phúc lợi.



Lỗ hay... lãi lớn?



Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định 276/2006/QĐ-TTg, chênh lệch thu được từ tăng giá điện phải được sử dụng cho đầu tư phát triển điện. Thông báo số 46/TB-VPCP truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu EVN phải báo cáo Bộ Tài chính mức chênh lệch giá điện nên EVN đã có công văn số 3294/CV-EVN-TCKT gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương.



Theo văn bản này, sau khi thực hiện tăng giá điện năm 2007, do từng hóa đơn không tách phần chênh lệch giá cũ giá mới nên mức chênh lệch EVN đã tính luôn vào lợi nhuận của mình. Mức lợi nhuận năm 2007 theo báo cáo của EVN là 2.763 tỉ đồng.



Giải thích giá điện phải tăng vào ngày 1-1-2007, Bộ Công nghiệp và EVN khi đó đã khẳng định việc tăng giá là rất cấp thiết vì giá bán bình quân tại thời điểm năm 2006 là 787 đồng/kWh, dưới giá thành nên cứ 1kWh điện mua ngoài bán tới khách hàng, EVN lỗ 285,3 đồng. EVN đã dự kiến lỗ năm 2007 lên tới 4.024 tỉ đồng.



Cũng theo báo cáo của EVN, trong năm 2007, tập đoàn này đã lãi trước thuế 3.842 tỉ đồng (số làm tròn). Ngoài khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 28% phải đóng, EVN đã chi khác 21,3 tỉ đồng, trích quỹ thưởng ban điều hành 2,55 tỉ đồng và chi nhiều quỹ khác. Nếu chuyển toàn bộ chênh lệch giá điện để đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng, lợi nhuận trước thuế của EVN chỉ còn khoảng 1.100 tỉ đồng.



Theo EVN, điều này là không phù hợp với quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì chuyển tiền vào đầu tư, EVN cho rằng: “Việc ưu tiên tăng vốn đầu tư là cần thiết, song cũng cần xem xét quyền lợi của 84.000 cán bộ công nhân viên ngành điện”. Do đó, EVN kiến nghị xử lý tổng lợi nhuận thực hiện năm 2007 theo hướng cho trích quỹ khen thưởng phúc lợi 1.002 tỉ đồng, còn lại 1.490 tỉ đồng sẽ bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển.


Đáng lưu ý là với đề xuất này của EVN, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đang có ý kiến khác biệt nhau. Bộ Tài chính tại công văn 10815 do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký không đồng ý cho EVN được trích quỹ khen thưởng cả 1.002 tỉ đồng như đề xuất mà hạ xuống còn 668 tỉ đồng, còn lại lập quỹ dự phòng tài chính và bổ sung quỹ đầu tư phát triển theo đúng quyết định của Thủ tướng.



Tuy nhiên, Bộ Công thương phúc đáp phương án của Bộ Tài chính bằng công văn 9557 do Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh ký, đề nghị phải làm đúng theo các quy định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Công thương không công nhận cách tính lợi nhuận của EVN. Theo bộ này, “việc xác định mức chênh lệch giá điện như báo cáo của EVN là chưa phù hợp”. Vì vậy, Bộ Công thương yêu cầu EVN phải xác định, làm rõ cơ sở cho ra khoản chênh lệch giá điện này.


Giá trị thật chênh lệch bao nhiêu?



Bà Nguyễn Thái Lan (chung cư Trần Khắc Chân, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) xem chỉ số, mức điện năng tiêu thụ hằng tháng. Cô cho biết nếu giá điện tăng sẽ phải tiết kiệm và hạn chế sử dụng một số thiết bị điện trong nhà.



Theo một chuyên gia am hiểu ngành điện, việc xác định giá trị chênh lệch giá điện năm 2007 là 2.763 tỉ đồng như EVN báo cáo đúng là chưa phù hợp. Nguyên do việc tăng giá điện có quy định rất rõ thời điểm ngày, tháng, năm và hóa đơn tiền điện cũng được tính theo thời điểm ngày, tháng, năm nên EVN không thể nói rằng không xác định được chênh lệch. Việc xác định có thể phức tạp nhưng không phải không làm được, vấn đề là có muốn làm hay không.



Cũng theo chuyên gia này, “nếu không tách được chênh lệch thì mức 2.763 tỉ đồng mà EVN đưa ra có độ tin cậy đến đâu không ai có thể đánh giá và thẩm định được!”.



Về cách phân chia lợi nhuận của EVN, ông Trần Văn - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội - cho rằng việc đề nghị của EVN đứng về mặt đòi quyền lợi cục bộ thì có thể nhưng đứng với tư cách một tập đoàn lớn, được ngân sách đầu tư nhiều thời gian qua và nhìn lợi ích chung của đất nước thì thật…không hiểu nổi!



Điều đáng nói, trong khi EVN luôn kêu thiếu vốn, yêu cầu người tiêu dùng phải tiết kiệm, rồi còn trả lại 13 dự án đã được giao, Chính phủ cũng đang phải tìm mọi cách để huy động vốn cho EVN thì khi có lợi nhuận EVN lại đòi trích tới 1.002 tỉ đồng để khen thưởng trước khi đem đầu tư. Nhất là thu nhập của cán bộ, công nhân ngành điện, do là ngành độc quyền nên hiện không phải là thấp trong xã hội.



Hịên chưa biết EVN có được trích 1.002 tỉ đồng để khen thưởng từ nguồn chênh lệch tăng giá không nhưng rõ ràng thật khó lý giải cho việc đòi tăng giá điện sắp tới của EVN.



CẦM VĂN KÌNH



EVN đề xuất giá điện năm 2009:



Điện cho sản xuất
sẽ tăng 15,5%


Theo đề án giá điện do EVN trình Bộ Công thương ngày 6-10, đơn vị này đã kiến nghị giá điện bình quân năm 2009 sẽ tăng lên thành 1.017 đồng/kWh. Tiếp đến năm 2010 là 1.088 đồng/kWh, 2011 vẫn là 1.088 đồng/kWh, năm 2012 là 1.146 đồng/kWh. Giải thích giá điện năm 2011 không tăng, EVN cho biết do năm đó có một số nguồn thủy điện lớn vào hệ thống như thủy điện Sơn La, Nậm Chiến, Cửa Đạt, Đồng Nai 4…


Từ giá bình quân, dự kiến giá cho sản xuất sẽ tăng 15,5%, giá cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dự kiến tăng bình quân 16%. Giá bán cho đối tượng kinh doanh dịch vụ sẽ bao gồm ba cấp điện áp và theo giờ cao điểm, thấp điểm, dự kiến cũng tăng 16% so với hiện hành.


Với giá bán lẻ điện cho sinh hoạt, phương án 1 vẫn bán theo sáu nấc bậc thang như hiện nay, dự kiến tăng bình quân các nấc thang là 16%, riêng nấc thang đầu tiên với 100kWh đầu tăng 36%.



Phương án 2, theo EVN, sẽ chia đôi nấc thang đầu tiên mỗi nấc 50kWh (thành bảy nấc tất cả). Nấc thang 1 sẽ tăng 27%, nấc 2 tăng 63%, sáu nấc thang còn lại tăng 12% so với hiện hành.


Quy trình điều chỉnh giá điện, cứ sáu tháng một lần, EVN sẽ đề xuất, nếu biến động tăng thì sẽ tăng giá và ngược lại. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định và quyết định mức điều chỉnh. Sau khi trình một tháng, nếu Bộ Công thương không có ý kiến, EVN được tự điều chỉnh trên cơ sở biểu giá bán điện Thủ tướng phê duyệt thi hành từ 1-1-2009 và mức điều chỉnh do Bộ Công thương quy định.



EVN cũng đề xuất đến năm 2011 sẽ thực hiện giá điện theo vùng, các công ty điện lực tự định giá trong khung Bộ Công thương ban hành.


Chính sách hỗ trợ, theo đề án của EVN, người nghèo, đối tượng chính sách nếu mỗi hộ dùng 50kWh/tháng sẽ vẫn được hưởng mức giá như hiện nay (giảm một nấc bậc thang). Nếu trên 50kWh sẽ không được hỗ trợ nhưng cộng ba tháng lại chia đều, nếu dưới 50kWh sẽ được hỗ trợ cả ba tháng. Hộ nào không mua trực tiếp mà mua qua các tổ chức mua điện bán lẻ lại (không có hóa đơn) sẽ không được hỗ trợ.


C.V.K.


___________________


Theo tính toán tại giai đoạn 2004-2008, EVN cơ cấu yếu tố đầu vào giá điện gồm nhiên liệu chiếm 22,37%, CPI 37,42%, tỉ giá 10,68%, giá mua 29,53%. Trong bốn yếu tố trên, EVN công nhận yếu tố nhiên liệu luôn có xu hướng giảm trong cơ cấu thành giá, năm 2004 chiếm 25%, năm 2008 chỉ còn 17,5%.



http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=283765&ChannelID=3