Đuổi con gái về ‘làm ma nhà chồng’


Bị chồng đánh lê lết, Hà chạy về nhà mẹ đẻ, nhưng bố cô kiên quyết bắt


quay lại nhà chồng: ‘Mày có chết cũng phải làm ma nhà nó’.



Hà sống ở một huyện nghèo của Quảng Trị, lấy chồng năm 19 tuổi. Từ 8 tháng sau ngày cưới cho đến khi uống thuốc sâu tự tử, cô luôn phải chịu những trận đòn và lời nhiếc mắng cay nghiệt của nhà chồng.


“Đây không còn là nhà mày nữa”


Mang thai mới hơn 8 tháng, Hà đã sinh. Đứa bé nặng xấp xỉ 3 kg, trông chẳng giống trẻ đẻ non chút nào, màu da lại đen nhẻm, trong khi bố mẹ đều trắng trẻo. Mấy bà cô bên chồng xì xào, bố mẹ chồng tím mặt lại, lôi con trai vào hỏi chuyện.


Thế là Hà còn chưa hết đau, đang gượng dậy ôm con cho bú đã thấy chồng xồng xộc vào “bật” cho vài cái tát: “Mày cho thằng nào ăn ốc mà bắt tao đổ vỏ hả? Nói mau, bố thằng bé là ai?”. Hà sợ quá không dám khóc, rối rít thanh minh: “Anh nói thế tội con. Em với anh là lần đầu, hôm đấy chính anh cũng thấy dấu vết còn gì”.


“Ai biết được có phải mày làm giả hay không? Hả? Hả? Hả?”, mỗi tiếng “hả” là một cái tát giáng xuống sản phụ, mặc cho cô nài nỉ: “Anh ơi trẻ mới đẻ ra đã biết giống hay khác làm sao?”.


Dù mới sinh, Hà đã nằm lơ lắc một mình, chẳng ai chăm sóc. Cô phải nhắn mẹ đẻ lên chăm. Thấy con gái khóc lóc thề sống thề chết là không có ai khác ngoài chồng, bố mẹ cô xin với thông gia cho xét nghiệm huyết thống, nếu là “lộn giống” thì dứt khoát đón mẹ con Hà về và đền bù danh dự. Kết quả đã giải oan cho Hà, nhưng không hiểu sao ông chồng vô lý vẫn nghi ngờ và ghét vợ. Đứa bé được cả nhà chồng chăm sóc chu đáo, nhưng mẹ nó thì bị ghét bỏ.


Hà ăn đòn suốt ngày, vì những “tội” mà anh chồng tận mắt thấy cũng có mà do nghe mẹ, nghe em gái mách lại cũng có. Nguyên tắc của anh là đã có tội thì phải im lặng mà chịu đòn, mở mồm cãi cố thì càng đánh. Nhưng nhiều khi oan quá, cô cố gắng giải thích, nhưng cứ một câu nói là một cái tát hay cú đạp giáng xuống.


Một bữa, Hà mang thóc đi xay, gặp anh bạn học cũ hỏi chồng đánh hay sao mà mặt mày thâm tím vậy. Anh ta hỏi đùa, ai ngờ Hà tủi thân quá rơi nước mắt, sụi sùi, khiến anh chàng phát hoảng nói mấy câu an ủi. Không may có người họ hàng nhà chồng Hà nhìn thấy, chạy ngay về mách. Thế là chỉ ít phút sau cả chồng lẫn mẹ chồng kéo đến túm tóc Hà xềnh xệch lôi về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết vì tình tự với giai, kể xấu nhà chồng ngay giữa đường giữa chợ.


Đau đớn và oan ức, Hà chạy về nhà mẹ đẻ kể lể nỗi khổ của mình. Bố cô bảo vợ lấy dầu xoa bóp cho con gái, sai bắt gà nấu cháo cho cô ăn, rồi giục cô nằm nghỉ. Hà vừa ngủ dậy thì bố đã gọi ra nói chuyện: “Bố mẹ thương con lắm, nhưng nhà mình là nhà nề nếp, làm gì cũng phải đúng lễ nghĩa. Con đã đi lấy chồng rồi thì sướng khổ gì cũng phải chịu, nếu bỏ về thì đó là loại đàn bà vô giáo dục. Giờ về đi. Nếu còn lần sau như thế nữa, bố sẽ không cho đặt chân vào nhà đâu”.


Khóc xin không được, Hà lầm lũi trở lại nhà chồng, lại bị một trận đòn nghiệt ngã nữa vì tội bỏ đi. Và cũng vì tội đó, cô ngày càng bị đối xử tàn tệ hơn. Thế nên chỉ hai tháng sau, đang đêm, Hà vùng chạy về nhà mẹ đẻ đập cửa thảm thiết. Mẹ cô đau xót, nhưng bố cô dứt khoát đuổi: “Đây không còn là nhà mày nữa. Đừng bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày, để người ta cười tao không biết dạy con”. “Con chết mất bố ơi”, Hà van xin. “Mày chết cũng phải làm ma nhà nó”, ông bố dứt khoát.


Hà lại về nhà chồng. Đêm hôm đó cô uống thuốc sâu tự tử. Hà không chết, nhưng di chứng rất nặng.


Đẩy con gái vào cơn tuyệt vọng



Thời hiện đại, trong khi nhiều bậc phụ huynh có con gái đã gả chồng hễ thấy con có mâu thuẫn gì khi làm dâu đều bênh con chằm chặp, gây gổ với thông gia, thì lại vẫn có những người giữ nếp cũ, cho rằng con đã xuất giá thì mình không có quyền can thiệp nữa. Thấy con gái bị nhà chồng hành hạ khổ sở, họ xót xa đứt ruột, nhưng cho rằng thân gái như hạt mưa sa, trong nhờ đục chịu đều do số phận, rằng phận làm dâu chịu đôi chút thiệt thòi là thường, nếu cứ khổ là bỏ về nhà mẹ đẻ thì còn phép tắc gì nữa…


Thực tế, nhiều ông bố bà mẹ đã giúp cho gia đình con ổn định, vững vàng hơn khi tỏ ra nghiêm khắc với cô con gái rượu vốn quen được chiều, hơi một tí là dỗi chồng xách va ly bỏ về nhà đẻ. Thế nhưng, không phải cô con gái nào bỏ nhà chồng trở về cũng chỉ do giận dỗi. Không hiểu rằng có những khi, bi kịch mà con gặp phải lớn quá sức chịu đựng của nó, nhiều ông bố bà mẹ "vì muốn tốt cho con" đã quay lưng khi con cần giúp đỡ, đẩy con đến bước đường cùng, như trường hợp của Thủy, người Hà Tĩnh.


Thủy cũng bị chồng bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần triền miên trong mấy năm làm vợ. Nhưng anh chồng này rất khéo nên các trò bạo hành của anh ta xảy ra một cách ‘êm đềm, lặng lẽ’ trong nhà. Những ngón đòn của anh ta cũng được tính toán để không lộ dấu vết trước bàn dân thiên hạ. Với bên ngoài, cả anh ta lẫn bố mẹ đều luôn tỏ ra yêu thương và bao dung với Thủy. Điều đó càng làm cô cảm thấy không thể chịu đựng nổi.


Mấy lần Thủy về nhà khóc với bố mẹ, cô đều nhận được những lời giáo huấn nghiêm khắc về bổn phận làm vợ, làm dâu và cái sai trái của cô khi tự ý bỏ về. Rồi ông bà dắt con gái sang trả cho thông gia kèm theo lời xin lỗi. Cứ như thế, nhà chồng càng hành hạ Thủy chẳng cần phải kiêng dè. Cũng sau một trận đòn thừa sống thiếu chết, Thủy chạy về bố mẹ và bắt trở lại nhà chồng. Nhưng Thủy biết cô không thể về đó được nữa. Cô thất thểu xa bến xe, vào nam.


Thủy mất tích từ đó. Bố mẹ cô nghe tin con không về nhà chồng thì hoảng sợ, liền cố sức tìm kiếm, nhưng vô hiệu. Ít năm sau, có người cùng làng nói đã gặp cô làm “gái” trong một quán cà phê đèn mờ ngoại thành TP HCM.


Cũng bị bố mẹ “cấm cửa’ như Thủy nhưng Quỳnh (Nam Định) may mắn là cô gái có bản lĩnh. Quỳnh nói hết nước hết cái rằng dù chết cô cũng không trở lại nhà chồng, nếu bố mẹ không thương thì cho tá túc ít hôm trước khi thuê được nhà ở riêng. Nhưng bố cô nói không bao giờ chấp nhận cho con gái bỏ chồng, nên cô phải quay về xin lỗi và chịu đựng. Cô ra đi, đến Thanh Hóa làm thuê cho một người quen, nghe tin chồng ở nhà qua lại với người khác có con cũng không về.


7 năm sau, Quỳnh thôi làm thuê mà mở một gánh bún bán quà sáng, rồi có cuộc tình “rổ rá cạp lại” với người đàn ông khác nên mới về quê làm thủ tục ly hôn. Cô thuê nhà nghỉ ở chứ không về nhà bố mẹ, dù ông bà đã hối hận về chuyện ngày trước. “Khi tôi cần được cứu giúp nhất, khi tôi trơ trọi trên đời không biết nương tựa vào ai thì bố mẹ đẻ lại quay lưng. Lẽ ra tôi có thể đã chết, hoặc đã bị nhấn xuống bùn”, cô nói.


Quỳnh lấy chồng mà không có mặt nhà gái. Bố mẹ cô đã mấy lần đến tìm con gái, nhưng cô không gặp. Có lẽ họ cần thêm thời gian mới nhận được sự tha thứ của con, bởi bất hạnh của con gái là cái giá phải trả cho quan niệm cứng nhắc của họ.


Theo Xzone


http://baodatviet.vn/Home/doisong/Duoi-con-gai-ve-lam-ma-nha-chong/201210/239277.datviet