(Dân trí) - Không ít gia đình kỳ công chọn ngày giờ đẹp rồi nằng nặc đòi bác sĩ mổ, đưa trẻ ra ngoài dù chưa đủ ngày sinh. Lại có sản phụ vì sợ đau đẻ cũng một mực xin mổ cho dù hoàn toàn đủ sức sinh tự nhiên.


Tranh nhau xin mổ đẻ


Sáng 3/9, Khu vực phòng khám thai BV Phụ sản T.Ư chen chúc người ngồi kẻ đứng. Trong số hàng nghìn “bà bầu” đến khám thai, có rất nhiều người đến để đăng ký sinh mổ. Chị Lý Hà, ở Hoài Đức Hà Nội dù mới mang thai đến tháng thứ 6 cũng đã cất công đến đăng ký mổ đẻ, kẻo đến ngày sinh lại không kịp.


Ngồi cạnh chị là một thai phụ đã mang thai đến tháng thứ 8. Chị này đang lo lắng không biết có được đáp ứng nhu cầu không bởi số người có nhu cầu đẻ mổ như chị rất nhiều.


Trong lúc chờ đợi, các các sản phụ rỉ tai trò chuyện về “mốt” mổ đẻ hiện nay. Này nhé, về mặt tâm linh thì cứ thoải mái “nghiên cứu” lúc nào là giờ “hoàng đạo”, rồi ngày lành, tháng tốt sao cho đứa trẻ sinh ra hợp với cả bố, mẹ lại gặp nhiều may mắn. Mổ đẻ còn giúp các bà mẹ thoát cảnh đau đẻ kéo dài đến lịm người, con sẽ thông minh hơn, quan trọng hơn cả là đẻ xong mà “chỗ ấy” của sản phụ nguyên vẹn!


Có lẽ cũng vì những thứ lợi nhìn thấy lại được truyền miệng rộng rãi nên cứ 10 sản phụ vào bệnh viện để thì có tới 7 - 8 người xin mổ đẻ.


Tại khoa Mổ đẻ, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 35 ca được can thiệp để sinh. Ngay trong ngày Quốc khánh 2/9 cũng có đến 25 ca được đẻ mổ.


TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư cho biết, hơn 30% số ca đẻ ở BV Phụ sản là đẻ mổ, thậm chí có những thời điểm lên đến gần 50% và vẫn đang tiếp tục có xu hướng tăng nhanh. Có rất nhiều trường hợp có thể đẻ tự nhiên được nhưng vẫn một mực yêu cầu được mổ. Các bác sĩ bị ảnh hưởng bởi sức ép của bệnh nhân nên vẫn phải tiến hành mổ đẻ cho họ. Đáng lo ngại hơn là tình trạng yêu cầu BS mổ đẻ để chọn giờ đẹp.


Theo các BS khoa Đẻ, trên thực tế thì số sản phụ vào đây có nhu cầu và yêu cầu BV cho đẻ mổ lớn hơn rất nhiều. Với những sản phụ đủ điều kiện sinh nở bình thường, các bác sĩ đều khuyên họ cố gắng để con sinh ra theo cách tự nhiên bởi như vậy sẽ có lợi cho cả mẹ và con.



Mổ đẻ khổ đủ đường


Theo TS Tiến, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ thích đẻ mổ. Họ nghĩ rằng kỹ thuật và điều kiện thuốc men tốt như hiện nay thì không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, trên thực tế ra đây là những quan niệm sai lầm.


Đúng là kỹ thuật mổ lấy thai ngày nay đã khá phổ biến và vô cùng có ý nghĩa đối với những ca sinh có nhiều nguy cơ như thai ngược, mẹ và con quá yếu, mẹ không có cơn đau đẻ...


Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi của việc mổ đẻ, cả mẹ và trẻ sinh ra đều sẽ gặp phải những khó khăn như: sau khi đẻ mổ, sản phụ sẽ bị đau đớn ở vết mổ trong một thời gian dài (trong khi đó sản phụ mổ thường không phải chịu sự đau đớn này). Những sản phụ mổ đẻ thường phải dùng thuốc kháng sinh nên nguy cơ mất sữa là rất lớn.


Kéo theo tai hại của việc mất sữa là trẻ mới sinh ra không được bú mẹ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, lại phải nằm viện dài ngày hơn nên nguy cơ nhiễm khuẩn BV lớn hơn. Do bị đưa ra ngoài một cách bị động, trẻ sơ sinh không trải qua những cơn co bóp ở cửa mình mẹ trước khi ra ngoài nên dịch trong phổi đứa trẻ không được ép ra, khiến trẻ rất dễ bị suy hô hấp trong những ngày sau sinh.


Điều không tránh khỏi nữa là những ca đã đẻ mổ lần đầu thì 90% sẽ phải mổ lấy thai ở những lần sau.


Thực ra, đã có những ca mổ đẻ không thành công, tử vong cả mẹ lẫn con. Đấy là chưa kể việc áp dụng kỹ thuật gây tê tủy sống đối với các phụ sản đẻ mổ nhiều khi cũng gây ra những tai biến nguy hiểm (dù rất nhỏ) như đau đầu sau mổ, phải trở lại BV để điều trị.


“Một đứa trẻ sinh ra theo cách tự nhiên đúng vào ngày giờ đẹp thì mới quý, chứ bố mẹ hay ông bà chọn ngày, giờ đẹp để mổ đưa đứa trẻ ra ngoài chỉ là việc làm khiên cưỡng, không có giá trị tự nhiên, thậm chí gây hại cho trẻ. Tôi đã từng biết những đứa trẻ được chọn ngày giờ cực đẹp để mổ lấy ra, nhưng vẫn bị ốm, bệnh liên miên”, BS Tiến nói.


Trường hợp của chị Lê Minh Thu, ở Thanh Xuân - Hà Nội là một ví dụ điển hình. Chị Thu cho hay, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị được một số người khuyên chọn đẻ mổ vì vừa không đau đớn, không mất sức lại được phép chọn bác sĩ, chọn giờ đẻ. Khi nhập viện, chị và gia đình đã nhất quyết yêu cầu các bác sĩ cho được đẻ mổ. Do thai hoàn toàn khỏe mạnh nên các bác sĩ đã phân tích cho chị hiểu và khuyên chị nên đẻ tự nhiên để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho đứa trẻ...


Và kể từ khi đau đẻ, chỉ sau 1 tiếng với sự hướng dẫn và giúp đỡ của bác sĩ, chị đã “mẹ tròn con vuông”. Giờ với sức khoẻ hồi phục nhanh chóng, hai bầu sữa căng đầy và được bế cô con gái xinh xắn, khoẻ mạnh do chính mình “mang nặng đẻ đau”, chị Hà mới thấm thía cái lợi của việc sinh nở tự nhiên.



P.Thanh - T. Hưng


http://dantri.com.vn/suckhoe/Dung-theo-mot-mo-de/2008/9/249273.vip