http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/minh-oi/dung-goi-chong-la-no-/a75428.html


Ngày nghỉ hôm qua, vợ chồng mình đi siêu thị. Trong lúc chồng loay hoay xem vài món đồ thì vợ vô tình gặp cô đồng nghiệp. Đứng cách xa mấy mét, chồng nghe cô bạn hỏi: “Ông xã mày đâu?”. Vợ chỉ tay về phía chồng, nhanh nhảu: “Nó kìa!”. Chồng nghe mà… đỏ mặt. Nhưng dường như cái cách vợ gọi chồng không khiến cô đồng nghiệp ngạc nhiên, vì đã quen rồi chăng?


Khó khăn lắm vợ chồng mình mới đến được với nhau. Rào cản là do vợ lớn hơn chồng ba tuổi. Phụ nữ bằng tuổi, mặt bằng chung là đã thấy “già” hơn đàn ông, cả về suy nghĩ lẫn hình thức, huống hồ... Thuyết phục “người ngoài” dẫu khó, song chồng cũng làm được. Nhưng thuyết phục “người trong” - là vợ, sao lại khó như phải hái sao trên trời.


Vợ vốn là bạn thân của… chị gái chồng, nên ngày mình yêu nhau, vợ một hai bắt chồng gọi bằng… chị. May mà theo thời gian, khả năng năn nỉ của chồng đã khiến vợ mềm lòng, chuyển “chị” sang xưng tên. Chấm hết! Đừng mơ hay nghĩ đến chuyện vợ gọi chồng là “anh”. Vợ giả lả: “Gọi “anh” sao… tui ngượng miệng quá, không quen!”. Rồi từ ngày nhóc Bi, kết quả tình yêu hai đứa mình chào đời, vợ khéo léo chuyển sang gọi chồng bằng “ba cu Bi”.


Thế nhưng, điều đó vẫn không khiến chồng phiền lòng bằng cái cách vợ nhắc đến chồng trong những cuộc chuyện trò với người khác. Ở đó, chồng trở thành nhân vật thứ ba… khuất mặt, nên nếu không “ổng” thì là… “nó”. Nhớ có lần chồng qua công ty đón vợ ăn trưa, đang bận nói chuyện với đồng nghiệp nên vợ cắt ngang: “Thôi tao đi chứ để đợi lâu, nó bực!”. Chồng nghe mà chóng mặt. Thổ lộ nỗi niềm đó với vợ, vợ hất mặt: “Tui vẫn chưa “tao - mày” với ông là may lắm đó!”. Chồng dở cười dở khóc.


Vợ ơi! Vợ có biết, khi dùng một đại từ để gọi người khác là cho thấy sự tôn trọng, tình cảm mình dành cho người đó, đồng thời qua đó cũng thể hiện phép lịch sự, trình độ giao tế của mình không? Khi biết chồng trở thành “nó” trong câu chuyện của vợ, chồng cảm giác như bị vợ… xem thường, như trở thành thằng đàn ông nào đó xa lạ và… thấp kém chứ không phải là một người chồng, người cha, người đàn ông của gia đình trong mắt vợ. Sao không thay “nó” thành “anh ấy”, nghe tình cảm và đầy thương yêu? Ngụy biện rằng ngượng, không quen và hai đứa mình là cặp vợ chồng… trẻ măng nên sớm chiều khó thay đổi mà vợ quên mất, thói quen cũng như con đường mòn, được tạo nên từ những bước chân “mở lối” đầu tiên. Giờ mà không thay đổi, chẳng lẽ đợi đến bạc đầu chồng mới được gọi “anh”?