Đừng để quyền im lặng rơi vào “im lặng”!
Cập nhật: 08:50 |
04/11/2014






Quyền im lặng không còn xa lạ đối với các nhà luật học nước ta và thậm chí người dân cũng rất quen thuộc khái niệm này chủ yếu thông qua giải trí xem phim nước ngoài.


LTS: Sau khi Tuần Việt Nam đăng tải các bài viết góp ý cho dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự, chúng tôi đã nhận được bài viết của GV Võ Phước Long (Khoa Luật) phân tích vác vấn đề về quyền im lặng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.Quyền im lặng không còn xa lạ đối với các nhà luật học nước ta và thậm chí người dân cũng rất quen thuộc đối với quyền này chủ yếu thông qua giải trí xem phim nước ngoài.


Đa số người dân không quan tâm quyền im lặng bắt đầu từ đâu? Có phải là quyền con người hay không? Nó có ý nghĩa như thế nào? Việt Nam có áp dụng được không?... Nhưng họ cảm nhận được bổn phận, vai trò của cán bộ công quyền phải làm gì khi cáo buộc một người bị tình nghi là phạm tội. Nói cách khác người biết về quyền im lặng thì thấy hay, người được nhắc nhở về quyền im lặng sẽ hài lòng trước hành xử chuẩn mực của cán bộ công quyền khi một người bị rơi vào cáo buộc phạm tội. Ở đâu áp dụng quyền im lặng, ở đó quyền con người được bảo đảm.









Ông Nguyễn Thanh Chấn (giữa) và vụ án oan 10 năm. Ảnh: Dân trí


Trong những ngày qua, quyền im lặng lại được xới lên bởi những quan điểm đối lập nhau khi dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự đang trong quá trình hoàn thiện. Nhóm phản đối lập luận “quyền im lặng là tốt đấy nhưng đã thực sự phù hợp với điều kiện hiện nay chưa thì cần phải hết sức cân nhắc”. Nếu quy định quyền im lặng thì nghi can im lặng tới khi nào? Im lặng tới khi có trợ giúp pháp lý, tới khi có luật sư tới thì khai hay im lặng suốt cả quá trình tố tụng? Nếu im lặng suốt thì nghi can khai khi nào, cơ quan tố tụng làm sao lấy được cung? Quyền im lặng phần nào đã được quy định trong BLTTHS Việt Nam “nhưng không quy định trực tiếp”.


Ý kiến phản đối thì đưa ra lý lẽ, rằng: “Quyền im lặng khác với quyền bào chữa. Quyền im lặng không phải quyền con người”.


Nên cân nhắc để quyền im lăng đừng tiếp tục rơi vào “im lặng” bởi khi áp dụng nếu nghi can không khai báo mà im lặng sẽ khó khăn cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng chống tội phạm, Toà án trong hoạt động xét xử. Hơn nữa đội ngũ luật sư ở nước ta chưa đủ về số lượng để thực thi quyền im lặng cho nghi can.


Nhóm còn lại tiêu biểu là các LS, nhà nghiên cứu ủng hộ luật hoá quyền im lặng một cách trực tiếp trong Bộ luật tố tụng với lập luận: áp dụng quyền im lặng của nghi can là để thực thi quyền được bào chữa của họ được quy định trong Hiến pháp, nâng cao vị thế, vai trò của LS trong các vụ án hình sự, nâng cao nghiệp vụ điều tra, truy tố, xét xử, chống được sự lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.


Có chuyên gia còn thấy được sự “cô đơn” của quyền im lặng trong Bộ luật tố tụng hình sự khi “Quyền im lặng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu quyền bào chữa không được đảm bảo, tranh tụng chỉ là hình thức, nếu tư duy trấn áp tội phạm bằng mọi giá được ưu tiên và nguyên tắc “vàng” của tố tụng là suy đoán vô tội vẫn chỉ thấp thoáng trong bộ luật này” .


Vì sao quyền im lặng lại được pháp luật của nhiều nước áp dụng? Bởi lẽ, khi kẻ bị tình nghị bị lôi cuốn vào vòng quay tố tụng, với một bên là cơ quan nhà nước mà đại diện là cán bộ nhà nước có quyền lực, trí tuệ, kinh nghiệm, có nghiệp vụ và nhiệm vụ sẽ rất dễ rơi vào xâm phạm quyền con người của kẻ tình nghi.


Nhận ra điều đó, triết lý tố tụng của họ “con người bị xử lý như thế nào còn quan trong hơn anh ta phạm tội gì”.


Vì vậy, cốt lõi cơ bản của quyền im lặng thể hiện tối đa quyền con người, bảo vệ công dân trong mối quan hệ với nhà nước và chống sự lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Nó là quyền phải được nhà nước đảm bảo cho công dân.


Trong xã hội pháp quyền, cho dù kẻ tình nghi hay người phạm tội thì họ vẫn luôn là “Con Người”, họ không phải làm chứng để chống lại chính mình. Tiếc thay, đâu đó vẫn còn việc bức cung, nhục hình hay bằng mọi giá để kết thúc vụ án và không quên đi kèm tình tiết bị can ngoan cố không khai báo để tăng nặng trách nhiệm hình sự. Như vậy câu trả lời đã rõ, giá trị đích thực của quyền im lặng là tinh hoa của nhân loại, là vì con người mà không còn là sản phẩm của quốc gia này hay chưa phù hợp với quốc gia khác.


Trở về quá khứ, chính Bác Hồ đã nhận thấy giá trị tinh hoa của nhân loại về quyền con người và du nhập vào Việt Nam trong bối cảnh nước nhà vừa độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".


Đó là giá trị đích thực đề cao con người. Không lẽ sau 60 năm hoà mình vào dòng chảy của thế giới mà quyền im lặng vẫn còn “im lặng”?



Võ Phước Long - Khoa Luật (ĐH Kinh tế)


http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/205269/dung-de-quyen-im-lang-roi-vao--im-lang--.html