Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Không nên né tránh dư luận


Thứ năm, 02/05/2013, 06:18 (GMT+7)


Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) là yêu cầu cấp bách của xã hội. Bộ GD-ĐT ban đầu nhắm tới mục tiêu thực hiện đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015. Tuy nhiên trái với tâm trạng sốt ruột của người dân, tiến độ chuẩn bị chậm chạp của ngành giáo dục có vẻ chưa thể đáp ứng mong muốn thúc bách này. Dư luận vẫn đang mong chờ Bộ GD-ĐT sẽ công bố hình hài của đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông thay vì lặng lẽ chuẩn bị. Đó cũng là quan điểm của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với PV Báo SGGP.


- Phóng viên: Thưa ông, được biết ủy ban vừa có cuộc giám sát về nội dung đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Kết quả giám sát đó như thế nào?


>> Ông ĐÀO TRỌNG THI: Hiện nay chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo giám sát của việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Báo cáo này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8, nhiều khả năng sẽ phải chuẩn bị nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này để trình vào cuộc họp cuối năm của Quốc hội.


Hiện nay Chính phủ đã chuẩn bị sau năm 2015 sẽù đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, mà muốn đổi mới phải có một nghị quyết mới của Quốc hội thay cho Nghị quyết 40 năm 2000 về đổi mới chương trình, SGK. Tôi được biết ngành giáo dục rất muốn sau 2015 bắt đầu thử nghiệm chương trình. SGK mới, đương nhiên chương trình thử nghiệm đó cũng phải phù hợp với nghị quyết của Quốc hội. Đơn cử, nếu muốn thay đổi phương thức phân ban, hay một chương trình nhiều bộ SGK ... đều trái với Nghị quyết 40 của Quốc hội, Luật Giáo dục vì thế phải có nghị quyết mới của Quốc hội cho phép điều đó.


Các em học sinh chọn mua sách giáo khoa. Ảnh: MAI HẢI


- Cuối năm 2013 Quốc hội mới có nghị quyết, trong khi ngành giáo dục dự định sau 2015 đã thực hiện đổi mới, như vậy có quá vội vàng?


Vấn đề là chúng ta phải xem bản thân ngành giáo dục đã chuẩn bị thế nào. Bản thân đợt giám sát lần này của chúng tôi cũng nhằm kiểm tra tiến độ chuẩn bị đổi mới chương trình, SGK của ngành giáo dục đến đâu, sau đó thì thời điểm nào, là 2015 hay 2018 thực hiện đổi mới sẽ được tính toán. Quan điểm của chúng tôi là chỉ làm những gì đã chuẩn bị kỹ, tránh chuyện vội vàng, chuẩn bị chưa đầy đủ, toàn diện.


Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đổi mới chương trình, SGK thì bản thân đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị để thực hiện chương trình đó, mà chuẩn bị được đội ngũ giáo viên không hề đơn giản. Thứ nhất anh phải đào tạo lại những giáo viên hiện có; đào tạo giáo viên mới để đáp ứng được yêu cầu của đổi mới. Đó là điều không hề đơn giản, nhất là khi dự định thực hiện dạy học theo hướng tích hợp. Thứ hai, cơ sở vật chất cũng phải được chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu đổi mới, đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. Nếu đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không được chuẩn bị một cách tương xứng thì việc đổi mới chắc chắn thất bại. Chương trình, SGK có hay đến đâu mà không có người thực hiện, không đủ điều kiện thực hiện được thì khó mà thành công.


Kinh nghiệm vừa qua cũng cho rằng, việc thực hiện chương trình, SGK mới đã không thành công do công tác chuẩn bị kém: chương trình, SGK có vấn đề, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, đổi mới mà học chay, dạy chay thì không hiệu quả. Vì vậy lần này, chúng tôi sẽ đi vào phân tích kỹ càng những thiếu sót của việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK từ năm 2000 đến nay, trên cơ sở đó mới khẳng định ủng hộ hay không ủng hộ việc đổi mới chương trình, SGK mới vào thời điểm nào cho thích hợp.


- Qua giám sát, với đà chuẩn bị hiện nay của ngành giáo dục, ông cho là thực hiện vào thời điểm nào mới có hiệu quả?


Nhu cầu thì rất bức bách, nhưng đúng là việc chuẩn bị có vấn đề. Đội ngũ giáo viên cũng như việc đào tạo giáo viên ở hệ thống các trường sư phạm chưa được vào cuộc. Cơ sở vật chất ở các địa phương còn rất bất cập. Quan trọng hơn, ngành giáo dục cho đến thời điểm này cũng chưa có định hình cụ thể về đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015. Tôi nghĩ là họ có làm nhưng sợ công bố lên sẽ bị dư luận bình luận, phản đối. Tôi cho rằng, đổi mới giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, không phải sự nghiệp riêng của ngành giáo dục, vì thế cần công bố để người dân hiểu, góp ý và đồng thuận.


Vì vậy, tôi cho rằng muốn hay không Bộ GD-ĐT cũng phải công bố đề án đổi mới chương trình, SGK sau năm 2015 để tạo đồng thuận trong nhân dân. Còn khi bị phản ứng, cách anh giải trình thế nào, lập luận thế nào để thuyết phục người dân chứ không thể lảng tránh. Tôi biết Bộ GD-ĐT không phải là không chuẩn bị, nhưng họ chỉ chuẩn bị trong lực lượng chuyên gia, trong một bộ phận nhỏ, nhưng rất ngại công bố chính thức, vì ngại công bố lên sẽ bị dư luận phản đối. Thực tế cũng cho thấy, có nhiều nội dung ngành giáo dục công bố lên, bị dư luận phản đối bộ lại “rụt” vào.


Từ thực tế làm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học tôi cũng biết, rất nhiều ý tưởng của ngành giáo dục khi bị dư luận phản ứng thay vì tiếp tục củng cố lập luận, lý lẽ của mình để thuyết phục là họ rút lại luôn, không làm nữa. Những vấn đề giáo dục sẽ không bao giờ thoát cảnh không phải chịu phản ứng của dư luận, nếu cứ lảng tránh sẽ không thể làm tiếp. Vấn đề là phải đủ bản lĩnh, tranh luận lại để bảo vệ ý kiến của mình. Tôi tin, những ý kiến hợp lý của Bộ GD-ĐT sẽ được đa số nhân dân ủng hộ.


- Cá nhân ông có đồng tình năm 2015 chưa thể thử nghiệm chương trình, SGK mới?


Với sự chuẩn bị mà được ngành giáo dục chính thức công bố, thừa nhận thì tôi hết sức băn khoăn về thời điểm này. Theo tôi biết, ngành giáo dục vừa qua đã kiến nghị với Thủ tướng kế hoạch là năm 2020 chính thức ban hành chương trình, SGK mới. Nhưng để ban hành được chính thức vào năm 2020 thì theo tôi, đến năm 2015 thử nghiệm cũng đã là chậm. Vì chúng ta có 12 lớp, nếu thử nghiệm phải từ lớp 1 đến lớp 12, nếu ban hành thì ít nhất cũng phải thử nghiệm được 50%. Nếu như muốn ban hành chính thức vào năm 2020 phải thử nghiệm ngay từ năm 2015 mới kịp. Nhưng hiện nay, vì ngành giáo dục không công bố nên chúng ta cũng không biết năm 2015 có kịp thử nghiệm hay không.


Lâm Nguyên


> SGGP Online- Đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Không nên né tránh dư luận