Đối mặt làn sóng hàng Thái Lan



Thứ năm, 14/08/2014, 01:21 (GMT+7)





Sau nhiều tháng đàm phán, với rất nhiều lời đồn đoán khác nhau, ngày 7-8 vừa qua, Tập đoàn Metro (Đức) chính thức gửi thông cáo đến các cơ quan truyền thông về việc ký thỏa thuận chuyển nhượng lĩnh vực kinh doanh sỉ tại Việt Nam với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan. Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam, bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, với giá trị 655 triệu EUR. Đây được xem là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay.


Trước đó, tháng 6-2013, BJC đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng Family Mart tại Việt Nam (sau khi đối tác Nhật Bản rút hoàn toàn khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái) và đổi tên thành B’mart.


Bên cạnh BJC, Tập đoàn Central (nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan) đã khai trương Trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội vào tháng 3-2014 và sẽ mở trung tâm thứ hai tại khu thương mại Crescent Mall (khu đô thị Phú Mỹ Hưng - TPHCM) vào tháng 11-2014. Đến nay, Thái Lan có trên 333 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 6,468 tỷ USD, xếp thứ 10 trong tổng số 101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, xếp thứ hai trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.


Lĩnh vực mà DN Thái quan tâm nhiều nhất là vật liệu xây dựng, xây dựng, thực phẩm và bán lẻ. Trong số đó, hiện có rất nhiều tập đoàn vào Việt Nam từ rất sớm, đã và đang chi phối thị phần khá lớn tại Việt Nam ở nhiều ngành hàng, lĩnh vực như Charoen Pokphand (C.P), Amata Corp, Siam Cement Group (SCG)…


Trước sự đầu tư và ngày càng lớn mạnh của nhiều DN Thái Lan, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc Thái Lan chọn Việt Nam để đầu tư sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho Việt Nam. Mặt khác, các DN Việt Nam sẽ học hỏi nhiều hơn từ DN Thái về cách thức xâm nhập thị trường, việc cung ứng nguyên liệu, sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối. Điển hình như trường hợp C.P. Việt Nam hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là thức ăn chăn nuôi, trang trại và thực phẩm. Không chỉ sản xuất, C.P Việt Nam còn có chuỗi cửa hàng thực phẩm C.P. Fresh Mart và chuỗi thức ăn nhanh Five Star Chicken từ thịt gà để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.


Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều cho rằng, DN Việt Nam đừng có mơ học hỏi gì từ các DN FDI, trong đó có Thái Lan! Một chuyên gia thị trường hàng đầu của Việt Nam cảnh báo, các tập đoàn của Đức hay Pháp đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu nhắm tới việc khai thác thị phần bán lẻ, bán buôn của Việt Nam nên việc đưa hàng của họ sang Việt Nam là rất ít. Nhưng với Thái Lan thì mục đích vào Việt Nam khác hoàn toàn.



Trường hợp của B’mart là một minh chứng, ngay sau khi thay tên, đổi chủ, chuỗi cửa hàng này đã làm một cuộc thay thế hàng hoá ngoạn mục, với 60% - 70% lượng hàng hóa bán tại đây có xuất xứ từ Thái Lan, đành rằng chủ đầu tư lý giải, họ không có ý đưa hàng Việt ra khỏi quầy kệ, mà mục tiêu chủ yếu là phục vụ tối đa nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân Việt Nam! Điều này cũng đồng nghĩa, nói đến B’mart người tiêu dùng hiển nhiên định hình đó chính là chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng Thái trên đất Việt!


Báo cáo của một số cơ quan chức năng tại TPHCM cũng cho thấy, hàng hóa Thái hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn. Hiện tượng nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Thái được mở ra hàng loạt, cho thấy mức độ tiêu thụ hàng Thái là rất lớn. Biểu hiện rõ nhất là tại TPHCM, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em cao cấp của Trung Quốc hoặc Hồng Công, Hàn Quốc... đã và đang nhường đất cho hàng Thái!


Hội nhập đi đôi với mở cửa thị trường. Mua bán và sáp nhập DN cũng là điều bình thường của nền kinh tế phẳng. Tuy vậy, điều khiến nhiều người quan tâm, đó là các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, thị trường gần kề với Việt Nam đã ráo riết tập dượt và chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm qua, thông qua nhiều hình thức thâm nhập thị trường Việt Nam khác nhau, với một “đội quân” hùng hậu làm xúc tiến rất chuyên nghiệp.



Hiện tượng hàng Thái vào Việt Nam ví như “nước chảy chỗ trũng” diễn ra từ nhiều năm qua, trong khi đó, các DN Việt Nam đến thời điểm này còn rất lúng túng, rất ít DN biết tận dụng và khai thác từ việc ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh lượng hàng xuất vào các nước ASEAN.



Vậy hàng Việt sẽ đứng ở đâu ngay tại nội địa cũng như trong khu vực? Phải làm gì và đâu là chính sách khôn ngoan để hạn chế rủi ro thấp nhất cho các DN Việt Nam khi các rào cản thuế quan đã được gỡ bỏ vào năm 2015? Những vấn đề này xin chuyển đến các cơ quan chức năng. Còn với các DN trong nước, cả sản xuất lẫn phân phối chắc phải tự cứu mình mới có thể tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới.


Nếu chúng ta không độc lập trong sản xuất và phân phối hàng hóa thì không chỉ các DN bị “nuốt chửng” mà người tiêu dùng sẽ bị chi phối về giá, bởi lẻ mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đây là quy luật khắc nghiệt của hội nhập kinh tế.



THÚY HẢI



http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2014/8/358054/