Source: http://afamily.channelvn.net/20090926084826304tm0ca97/Do-sanh-su-va-nguy-co-nhiem-chi


Các nhà khoa học cảnh báo, không nên sử dụng sản phẩm sành sứ có nhiều màu sặc


sỡ.


Các nhà khoa học cho hay, đồ sành sứ nhiễm kim loại nặng (trong đó có chì) do các cơ sở sản xuất sử dụng loại men có chứa các thành phần trên, thường gọi là men chứa chì, loại men bị cấm sử dụng tại các nước phát triển.


Sản phẩm gia dụng làm từ sành sứ là sản phẩm không thể thiếu của mỗi gia đình. Ngoài những sản phẩm nổi tiếng sản xuất trong nước như Minh Long, Bát Tràng…, còn có hàng của Nhật, của Trung Quốc và gần đây là Hàn Quốc.


Chị Nguyễn Ánh Tuyết, tiểu thương chợ Tân Định, Quận 3, TP HCM cho biết, hàng nhập từ các nước châu Âu, Nhật, Hàn Quốc có mẫu mã đẹp, hoa văn trang nhã nhưng giá khá đắt. Còn hàng của Trung Quốc màu sắc bắt mắt, hoa văn sặc sỡ, giá cả phải chăng, rẻ hơn hàng Việt Nam, chất lượng cũng kém hơn so với một số nhãn hàng trong nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất thích loại hàng này.


Nhiều người dùng không biết thành phần men dùng trong đồ sành, sứ có độc hại hay không.


Thế nhưng, các nhà khoa học cảnh báo không nên sử dụng các sản phẩm sành sứ có nhiều màu sặc sỡ.


Tiến sĩ Đỗ Quang Minh, khoa Vật liệu trường ĐH Bách khoa TP HCM khuyên không nên dùng sản phẩm sành sứ có men chì để đựng thực phẩm. Mỗi loại men đòi hỏi trình độ kỹ thuật khác nhau trong quá trình sản xuất. Với những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, kỹ thuật kém buộc họ phải sử dụng loại men có chì.


Về mặt kỹ thuật thì men có chì dễ nóng chảy, chảy đều, màu sắc bóng đẹp, dễ thực hiện. Nếu dùng men không chì nhiệt độ nung chảy của men phải hơn 1.200 độ C, trong khi men có chì chỉ cần 800 độ C là đã tan chảy hết. Nhiệt độ nung chảy giảm xuống thấp đồng nghĩa với việc tiết kiệm được tiền mua nhiên liệu đốt lò. Còn men không chì an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, những cơ sở nhỏ không thể sử dụng loại men này do nó rất khó nóng chảy.


Tiến sĩ Minh cho biết thêm, các nước phát triển đã thay thế men chì bằng các loại men P2O5 , B2O3 để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Các sản phẩm gốm sứ xuất khẩu đi nước ngoài đều được kiểm tra rất kỹ về hàm lượng kim loại nặng nhưng hàng dùng trong nước thì không.


Ở Phần Lan, quy định lượng kim loại cho phép thoát ra từ bề mặt men 0,6mg/cm2, ở Ý là 0,5mg/cm2. Một số mặt hàng thủy tinh cao cấp cũng phải sử dụng chì trong sản xuất, trên nhãn hàng có ghi rất rõ 24%PbO. Nhưng nó được nung qua nhiệt độ trên 1.600 độ C nên an toàn cho người sử dụng.


Đặc biệt, để an toàn cho người sử dụng, hầu hết sản phẩm sứ (bát, đĩa) xuất khẩu đều không trang trí men hoa văn trên bề mặt tiếp xúc thức ăn và nước uống. Trong khi đó, người tiêu dùng trong nước lại rất ưa thích các loại chén, dĩa, tô có nhiều màu sắc, hoa văn in bên trong bề mặt đựng thức ăn.


Giải thích cho điều này, nhiều nhà khoa học cho rằng do người sử dụng không hề hay biết, thậm chí ngay cả một số người sản xuất cũng không biết được nó độc hại như thế nào. Điều nguy hiểm, các vật dụng có chứa chì có thể gây ra bệnh máu trắng, ung thư cho người sử dụng.


Người tiêu dùng không thể tự phân biệt được sản phẩm dùng men có chì hay không có chì. Chỉ có thể dựa vào uy tín của đơn vị sản xuất để đảm bảo cho sản phẩm mình mua là an toàn. Nếu dùng đồ sứ có nhiễm chì làm vật đựng thức ăn, nước uống thì khi bị nóng, lượng chì trong men sẽ tan ra hòa chung với thực phẩm. Vì thế, tốt nhất nên sử dụng đồ sứ màu trắng để đựng thức ăn.