Cảnh mua bán trái cây ở chợ đầu mối Tam Bình không khác gì ở vùng biên giới phía Bắc. Sự chuẩn bị kỹ của phía Trung Quốc đã giúp trái cây của họ dễ dàng toả đi khắp miền Nam Việt Nam. Khoảng 21h, khu vực xuống hàng trái cây Trung Quốc ở phía trước chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức nhộn nhịp. Hai dãy xe container đấu đuôi nhau, chỉ trừ ở giữa một khoảng trống rộng chừng 6m hối hả “xả” những thùng trái cây lạnh xuống đất hoặc trực tiếp lên xe đẩy.


Tam Bình hay Pò Chài?



Những vựa trái cây (hay còn gọi là đại lý cấp 1) ở các quận huyện TP HCM hay tỉnh, thành đánh xe tải nhỏ tới, thương thảo giá cả, chủng loại trái cây với chủ hàng trước. Khi mở container, họ chỉ cần xem qua hàng, rồi cứ thế lần lượt những thùng trái cây Trung Quốc được chất lên xe tải nhỏ chở về vựa, sáng hôm sau phân phối lại cho tiểu thương bán lẻ tới người tiêu dùng. Ông Nhớ, một cai thầu quản lý cánh bốc xếp, đội quân lên tới 120 người nói, những ngày cao điểm (như ngày rằm) phải chia nhau làm hai ca, bốc xếp tới 2, 3h mới hết hàng.


Nghĩa, một tài xế chuyên chở trái cây thuê đi về giữa Trung Quốc và Việt Nam nói, cảnh mua bán trái cây ở chợ đầu mối Tam Bình không khác gì ở vùng biên giới phía Bắc. Theo Nghĩa, trái cây Trung Quốc đưa về chợ đầu mối chủ yếu lấy ở cửa khẩu Pò Chài (chợ Pò Chài, Bằng Tường). Chủ hàng ở Việt Nam khi cần mua loại trái cây nào thì điện thoại lên chợ biên mậu đặt hàng và thuê xe của Nghĩa chở về. Thường thì Nghĩa chở trái cây của Việt Nam như dưa hấu, thanh long sang Trung Quốc và lại được thuê chở những loại như mận, táo, nho, lê, đào… của Trung Quốc về chợ đầu mối cho chủ hàng. Mỗi một chuyến hàng chở đi và về như vậy, mất khoảng 10 ngày.




Trái cây Trung Quốc đang "tuồn" về TP HCM. Ảnh minh họa.


Nghĩa kể, hàng từ Việt Nam qua, phía bên Trung Quốc kiểm dịch gắt gao lắm. Chẳng hạn như dưa hấu, chủ hàng Trung Quốc chẻ đôi quả dưa ra, nhìn màu sắc không ưng ý là trả lại; hay như họ thường ấn tay lên cuống quả thanh long, thấy hơi mềm cũng không nhận. Trong khi chở trái cây từ Trung Quốc về Việt Nam thì thương lái bên Trung Quốc đã lo hết hồ sơ (gồm bộ hợp đồng; hai hoá đơn một đỏ, một hồng; giấy kiểm hoá). “Chở hàng về Việt Nam cứ thế mà đi, không hề có ai chặn hỏi, kiểm tra, kiểm dịch gì cả”, Nghĩa nói.


Mỗi thùng trái cây Trung Quốc đều có nhãn mác bằng tiếng Hoa. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó giám đốc công ty kinh doanh chợ đầu mối nông sản Tam Bình, Thủ Đức, cho biết, từng xe hàng đưa vào chợ có thêm hóa đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch, tem trên thùng của Trung Quốc, còn không thấy bất cứ giấy tờ nào của Việt Nam cấp. Thời gian gần đây, theo bà Hà, ngoài lượng rau củ nhập từ Trung Quốc về chợ tăng khá mạnh, từ 120 tấn lên 150 - 170 tấn mỗi đêm, còn có thêm trái cây, trung bình khoảng trên dưới 300 tấn.


Mạo danh Mỹ, Nhật, Australia… đi khắp miền Nam



Trái cây Trung Quốc, đưa về các vựa bán đến tay tiểu thương, tất nhiên vẫn còn nguyên đai nguyên kiện, nhãn mác xuất xứ đầy đủ. Thế nhưng, người bán lẻ đã biết cách “mạo danh” thành những thương hiệu khác như Australia, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Một tiểu thương ở chợ Thủ Đức tiết lộ, mùa này trái cây Trung Quốc chiếm tới 50 - 60% trên sạp, nhưng chẳng ai biết đó là của Trung Quốc. Táo, lê Trung Quốc sẽ được “nhại” thành táo Nhật, táo Mỹ, lê Hàn Quốc, lê Đài Loan; nho tròn, màu tím nhạt, giá 60.000 - 70.000 đồng một kg sẽ bán với cái tên khá kêu là nho Australia (trong khi nho nhập từ Australia, Mỹ quả dài, màu tím đậm giá 85.000 đồng một kg trở lên).


Loại mận tím mà các tiệm trái cây thường giới thiệu là mận Australia và bán với giá 25.000 - 30.000 đồng một kg thật ra là mận Trung Quốc, giá ở chợ đầu mối chỉ có 12.000 đồng.


Bà Hà cho biết, rau quả Trung Quốc về chợ đầu mối không những bán tại TP HCM mà còn đưa đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên.


Theo số liệu từ tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả bảy tháng đầu năm nay là 134 triệu USD, tăng 30,8% so cùng kỳ 2008. Trong đó, riêng mặt hàng trái cây từ Trung Quốc đạt kim ngạch 74 triệu USD.


Theo ông Nguyễn Hữu Huân, cục phó cục Bảo vệ thực vật, từ trước đến nay, hàng nhập về chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do trung tâm II cấp là cho thông quan. Nghĩa là việc giám sát nguy hại đến sức khoẻ (những tiêu chuẩn ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như dư lượng thuốc, các chất kích thích, bảo quản cấm) không được thực hiện.



http://quehuongoi.vn/kinh-te/2/6900/di-cho-trai-cay-Trung-Quoc-o-TP-HCM.htm