http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/dem-nhac-khanh-ly-va-kieu-thu-tac-quyen-kieu-tuy-mat-91933.html



Đêm nhạc Khánh Ly và kiểu thu tác quyền... “tùy mặt”


Đăng Bởi Một Thế Giới - 15:38 04-08-2014




Kịch bản màn "xông lên sân khấu đòi tiền" tác quyền như tuyên bố của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN rốt cuộc đã không xảy ra trong chương trình ca nhạc “Khánh Ly in Hà Nội” (2.8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình).



VCPMC và đại diện BTC chương trình đã tìm được tiếng nói chung trong cuộc gặp mặt khẩn cấp ngay trước giờ biểu diễn. Một cái kết có vẻ có hậu đã được nhìn thấy nhưng vụ lùm xùm này một lần nữa khơi lại mâu thuẫn chưa có hồi kết giữa VCPMC với các nhà sản xuất và các nhạc sĩ.



Đại diện của VCPMC chưa tiết lộ con số cuối cùng mà BTC Khánh Ly in Hà Nội phải nộp sau khi 2 bên đạt được thỏa thuận trong cuộc họp khẩn trước giờ diễn. Tuy nhiên, theo một nguồn tin từ BTC, Khánh Ly in Hà Nội sẽ phải nộp khoảng 170 triệu đồng (chưa bao gồm thuế) cho khoảng 20 bài hát sử dụng trong chương trình.


Như vậy, nhà sản xuất Khánh Ly in Hà Nội sẽ phải chi trả trung bình 8,5 triệu đồng để được quyền sử dụng một ca khúc đã có tuổi đời vài chục năm cho một đêm diễn.











Xưa nay, Nhà hát chúng tôi thường trả trực tiếp cho gia đình các nhạc sĩ với mức giá 1 triệu/bài hát/buổi biểu diễn cho ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và 1,5 triệu/bài hát/buổi biểu diễn cho ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn cách tính tác quyền theo kiểu phần trăm mà VCPMC đưa ra là quá vô lý. Mức giá ban đầu họ đòi cho show Khánh Ly tối này là 268 triệu cho 20 bài hát, tức là lên tới mười mấy triệu một bài. Tôi thấy như vậy là quá cao và quá vô lý. (NSND Trần Bình)



Khoan bình luận mức giá này có hợp lí so với tình hình thực tế của thị trường biểu diễn hay không, đã có thể thấy ngay sự dao động không hề nhỏ so với mức giá mà VCPMC yêu cầu BTC phải trả trước đó là 268 triệu đồng, theo thông tin từ NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN, đơn vị đồng tổ chức chương trình.


Con số 170 triệu đồng là kết quả của công thức: 5% x 40% số vé x 2,4 triệu đồng (giá vé trung bình). Trong khi đó, công thức tính thù lao theo doanh thu buổi diễn dành cho chương trình được tổ chức trong rạp, nhà hát được VCPMC công bố trên website chính thức là 5% x 75% số ghế x bình quân giá vé.


Có thể thấy ngay sự chênh lệch khá lớn giữa công thức mà VCPMC cam kết với các tác giả ủy quyền và công thức mà Trung tâm này thu thực tế. Một câu hỏi được đặt ra là liệu VCPMC có quyền tùy tiện thay đổi mức giá mà họ đã cam kết với các nhạc sĩ hay không? Và làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch về số tiền mà VCPMC đã thu được với cách thu “tùy mặt” như hiện nay?


Một câu hỏi khác cũng được đặt ra xung quanh sự việc, là tại sao liveshow Khánh Ly, từ một chương trình từng được VCPMC lấy ra làm ví dụ điển hình về việc thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tác quyền (Liveshow Khánh Ly tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình vào ngày 9.5.2014 từng đóng hơn 300 triệu đồng cho VCPMC) lại trở thành chương trình bị coi là trốn tránh nghĩa vụ tác quyền chỉ sau chưa đầy 3 tháng, với thành phần BTC không mấy thay đổi?


NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN lí giải: “Xưa nay, Nhà hát chúng tôi thường trả trực tiếp cho gia đình các nhạc sĩ với mức giá 1 triệu/bài hát/buổi biểu diễn cho ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy và 1,5 triệu/bài hát/buổi biểu diễn cho ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.



Còn cách tính tác quyền theo kiểu phần trăm mà VCPMC đưa ra là quá vô lý. Mức giá ban đầu họ đòi cho show Khánh Ly tối này là 268 triệu cho 20 bài hát, tức là lên tới mười mấy triệu một bài. Tôi thấy như vậy là quá cao và quá vô lý”.


Khách quan mà nói, rõ ràng BTC Khánh Ly in Hà Nội sẽ sai nếu như cố tình biểu diễn ca khúc của các tác giả đã ủy quyền cho VCPMC khi chưa đạt được thỏa thuận về tác quyền với đơn vị này. Tuy nhiên, đây chỉ một trong số rất nhiều nhà sản xuất âm nhạc vấp phải mâu thuẫn với VCPMC về vấn đề mức giá tác quyền.



Thực tế, chính việc thay đổi biểu giá một cách tùy tiện của VCPMC đã tạo ra tiền lệ chây lì trong việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền của các nhà sản xuất, bởi vì kinh nghiệm cho thấy nhà sản xuất nào càng chây lì thì số tiền phải trả sẽ càng thấp. Người bán nói rẻ, người mua nói đắt chắc chắn sẽ là mâu thuẫn không có hồi kết nếu như không có được một biểu giá chung để làm cơ sở cho việc chi trả tác quyền âm nhạc.



Khán giả suýt được "thưởng thức" thêm...



Trước đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương tuyên bố trên một số tờ báo là 19h00 ngày 2.8 ông sẽ đến sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia để hỏi xem BTC có chịu trả tiền tác quyền hay không? Nếu họ cố tình lờ thì ông và người của ông sẽ đứng đó bày tỏ thái độ phản đối với khán giả đi xem. Thậm chí ông không ngần ngại tuyên bố, nếu không nhận được sự hợp tác, ông sẵn sàng lên sân khấu "cướp diễn đàn".



Tuy nhiên màn kịch bản xông lên sân khấu cướp diễn đàn đã không xảy ra, nếu không khán giả đã được thưởng thức "khuyến mại" thêm màn thu tác quyền có một không hai!


(Theo Văn hóa)