Đề phòng bệnh “sốt chuột” vì sống gần … chuột!


Thứ tư, 23/02/2011, 11:30 GMT+7


Chỗ nào mà chẳng có chuột, ngay ở cả các đô thị, thành phố lớn đều có loài gặm nhấm này hoạt động. Ngoài việc gây phiền hà cho sinh hoạt của con người, chúng còn có khả năng truyền một số bệnh quan trọng, trong đó có bệnh Leptospirosis, thường gọi là bệnh “sốt chuột”. Cần đề phòng loại bệnh này vì chuột đang sống quanh ta.


Ở tại Malaysia trong những năm qua, các trường hợp tử vong do bệnh “sốt chuột” vì bị nhiễm xoắn khuẩn Leptosprira đã được ghi nhận và ngày càng có xu hướng phát triển. Trong tiến trình hội nhập và giao lưu quốc tế, nên cảnh báo và cần đề phòng các loại bệnh ngoại nhập, trong đó có bệnh “sốt chuột” để bảo vệ sức khỏe cộng đồng như trường hợp một bệnh nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh bị nhiễm cúm A/H1N1 từ Malaysia trở về Việt Nam mang theo mầm bệnh đã được phát hiện.


Đặc điểm của bệnh Leptospirosis


Bệnh Leptospirosis, còn được gọi là bệnh “sốt chuột” do người bệnh bị nhiễm loại xoắn khuẩn Leptospira. Đây là bệnh của động vật hoang dại và gia súc lây truyền cho con người với đặc điểm lâm sàng rất đa dạng, gây tổn thương cùng một lúc nhiều cơ quan. Trong đó, hội chứng Weil là một bệnh cảnh nặng của nhiễm xoắn khuẩn, đặc trưng với triệu chứng xuất huyết, vàng da, suy thận.


Nguyên nhân gây bệnh do người bệnh bị nhiễm loại vi khuẩn Leptospira, một loại xoắn khuẩn Gram (-),thuộc họ Leptospiraceae, chúng có nhiều type huyết thanh khác nhau. Qua phân lập ghi nhận có đến hơn 200 type, chia thành 23 nhóm khác nhau. Tuy vậy, chỉ có một số type thường hay gặp và gây bệnh cho con người.Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là loại Leptosprira ictero haemorrhagiae.Một type huyết thanh có thể gây nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.Ngược lại, một bệnh cảnh lâm sàng có thể do bất kỳ type nào trong nhóm gây bệnh tạo nên.


Về yếu tố dịch tễ học, Leptospira gây bệnh chủ yếu cho các loại động vật gặm nhấm như chuột và một số gia súc như chó, heo, trâu, bò...Người chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc với đất, nước có xoắn khuẩn thải ra từ nước tiểu động vật hay từ máu hoặc xác chết các động vật bị mắc bệnh.Bệnh thường xảy ra vào mùa hè-thu, lúc con người phải lao động hay giải trí ở ngoài trời. Giới nam bị mắc bệnh nhiều hơn giới nữ. Lứa tuổi từ 10 đến 50 tuổi thường hay mắc bệnh nhiều hơn. Việc bị nhiễm xoắn khuẩn cũng là một bệnh nghề nghiệp, có liên quan đến công việc lao động dầm dưới nước và đất ẩm hoặc tiếp xúc thường xuyên với gia súc như người nông dân, công nhân vệ sinh khơi thông cống rãnh, thợ mỏ, cán bộ thú y...


Về cơ chế bệnh sinh, sau khi xoắn khuẩn chui qua da và niêm mạc, Leptospira xâm nhập vào máu, sau đó lan tràn khắp cơ thể gây nên những biểu hiện bệnh lý. Những rối loạn xảy ra thường do bị thương tổn màng các mạch máu nhỏ, đưa đến viêm mao mạch, thoát dịch và xuất huyết. Các tổn thương thường biểu hiện rõ ở các cơ quan như gan, thận, cơ và từ các mao mạch nó có thể gây tổn thương cho bất kỳ cơ quan nào khác. Gan có thể bị hoại tử ở trung tâm các thùy kèm các tế bào Kuffer phình to. Tuy vậy nhưng không có hoại tử tế bào gan một cách nặng nề. Thận có thể bị viêm thận kẽ và hoại tử ống thận. Những bắp cơ có thể có các tế bào cơ phình to và có các điểm hoại tử.


Triệu chứng lâm sàng


Bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Leptospirosis có thể nhẹ hoặc thể rất nặng. Thể nặng biểu hiện điển hình bằng hội chứng Weil với các triệu chứng đặc trưng là xuất huyết, vàng da, suy thận và thường do loại xoắn khuẩn Leptospira autumnalis, Leptospira bataviae, Leptosprira copenhageni... gây ra.


Bệnh thường diễn biến theo hai giai đoạn, giai đoạn nhiễm khuẩn huyết và giai đoạn miễn dịch


- Giai đoạn nhiễm khuẩn huyết (Acute leptospiremic phase)


Có thời kỳ ủ bệnh trung bình khoảng từ 1 đến 2 tuần, có thể dao động trong khoảng từ 2 đến 26 ngày. Sau thòi gian ủ bệnh, thời kỳ bệnh khởi phát thường có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, sợ ánh sáng, rét run, vã mồ hôi và đau cơ. Sốt thường rất cao từ 39 đến 40oC, trước khi sốt thường có cơn rét run giống như bệnh sốt rét. Triệu chứng nhức đầu có thể xảy ra ở vùng trán, hai bên thái dương, cũng có thể ở vùng chẩm. Bệnh nhân kêu van nhức mỏi các bắp cơ, nhất là các cơ ở vùng đùi, cơ lưng, cẳng chân. Đặc biệt, việc xoa bóp các bắp cơ có thể làm cho cơn đau tăng lên. Dấu hiệu vàng da xuất hiện khoảng từ 5 đến7 ngày sau khi bệnh khởi phát.


Thời kỳ bệnh toàn phát với các triệu chứng lâm sàng tiếp tục phát triển nặng hơn như bệnh nhân bị đau các bắp cơ nhiều hơn, có khi không đi đứng được, kèm theo bị nôn mửa. Khi bóp vào bắp cơ thường thấy có cảm giác càng đau hơn. Mắt bị sung huyết. Trên da thường có nổi các ban đỏ dạng dát hay dạng ban lấm tấm khu trú hay rải rác. Ở thời kỳ này bệnh nhân có thể có chảy máu cam, đau họng, ho...


Xét nghiệm cận lâm sàng được thực hiện trong giai đoạn bệnh toàn phát, thường vào tuần đầu tiên có thể tìm thấy vi khuẩn trong máu, trong dịch não tủy và tuần thứ hai ở trong nước tiểu. Tuy nhiên ở giai đọan này các xét nghiệm huyết thanh thường âm tính. Xét nghiệm công thức máu ghi nhận bạch cầu tăng cao, chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính trong phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh. Có thể có những biểu hiện tăng urê máu và creatinin máu tạm thời.


Tiếp theo, qua thời kỳ hồi phục tạm thời, ghi nhận phần lớn các triệu chứng lâm sàng thường biến mất sau khoảng một tuần. Sau 1 đến 3 ngày, các triệu chứng lâm sàng xuất hiện trở lại ở một số trường hợp, đó là giai đoạn miễn dịch của bệnh.


- Giai đoạn miễn dịch (Immune leptospiruric phase)


Trong giai đoạn này, bắt đầu có liên quan đến sự xuất hiện các kháng thể. Biểu hiện hay gặp là viêm màng não, suy thận, viêm gan. Có khi viêm cơ tim và viêm não.


Viêm màng não thường có hội chứng màng não rõ, nhưng dịch não tủy trong, không tìm thấy vi khuẩn. Bạch cầu tăng cao, chủ yếu là bạch cầu lympho như trường hợp viêm màng não do virus. Tuy nhiên xét nghiệm máu công thức bạch cầu có thể vẫn còn cao, chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính.


Suy thận cấp có thể xảy ra ngay trong thòi kỳ toàn phát và kéo dài, không có thời kỳ hồi phục tạm thời. Dấu hiệu khởi đầu thường thiểu niệu rồi vô niệu. Xét nghiệm nước tiểu có thể có hemoglobin niệu, hồng cầu, trụ hạt, các cặn lắng của hồng cầu và các mảnh của tế bào ống thận. Urê máu và creatinin máu tăng cao.


Viêm gan được ghi nhận thể viêm gan cấp tính với các triệu chứng như gan to, đau, vàng da rõ do ứ mật .


Triệu chứng xuất huyết nhiều ở nơi thường biểu hiện ở dưới da với những mảng rộng; đây là một biểu hiện nặng của bệnh, có thể gây tử vong vì thiếu máu và suy giảm khối lượng tuần hòan.


Hội chứng Weil là thể nặng nhất của bệnh, biểu hiện đặc trưng với các triệu chứng vàng da, suy thận, xuất huyết và có tỷ lệ tử vong khá cao. Các triệu chứng trên thường xuất hiện sau khoảng từ 4 đến 9 ngày. Dấu hiệu vàng da không có liên quan đến hoại tử tế bào gan. Suy thận là hậu quả của hoại tử ống thận cấp, gây ra bởi giảm thể tích tuần hoàn máu và giảm sự cung cấp máu cho thận.


Chẩn đoán bệnh


Chẩn đoán xác định bệnh Leptospirosis bằng phương pháp xét nghiệm phát hiện vi khuẩn trong máu hay trong nước tiểu người bệnh. Xác định bằng các xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction).


Các dấu hiệu gợi ý trên lâm sàng cũng có thể giúp cho việc định hướng chẩn đoán bệnh như người bệnh có tiền sử tiếp xúc với nguồn bệnh trong vòng một tháng. Các nghề nghiệp dễ có nguy cơ bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira. Các triệu chứng lâm sàng ghi nhận như sốt, đau cơ, vàng da, sung huyết kết mạc mắt, suy thận, xuất huyết.


Xét nghiệm cận lâm sàng cần thực hiện kèm theo như cấy máu trong tuần đầu tiên của bệnh sẽ có phản ứng dương tính. Xét nghiệm cấy nước tiểu cũng cho kết quả dương tính sau tuần đầu tiên của bệnh và kéo dài sau đó vì bệnh nhân có thể thải xoắn khuẩn ra theo đường nước tiểu hàng tháng sau khi khỏi bệnh.


Các xét nghiệm huyết thanh bằng phương pháp thường dùng hiện nay là ngưng kết vi thể Mat (microscopic agglutination test) cho kết quả dương tính khi hiệu giá kháng thể 1/100; kết quả này chỉ phát hiện vào tuần thứ hai của bệnh. Xét nghiệm Elisa (enzyme-linked immuno-absorbent assay) cho kết quả rất nhạy nhưng lại đắt tiền. Kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction)được dùng để phát hiện chuỗi DNA (Deoxyribonucleic Acid) của Leptospira chỉ thực hiện được ở các bệnh viện lớn.


Điều trị bệnh


Điều trị nguyên nhân bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh để diệt xoắn khuẩn Leptospira. Xoắn khuẩn này nhạy cảm với hầu hết các loại kháng sinh thông thường.Những trường hợp nặng nên dùng loại thuốc Penicillin G, Amoxicillin, Ampicillin hoặc Erythromycin bằng đường tĩnh mạch.


Liều Penicillin dùng6 triệu đơn vị/ ngày, chia 4 lần, dùng trong 7 ngày.


Liều Amoxicillin và Ampicillin4g/ngày,chia 4 lần, dùng trong 7 ngày.


Trường hợp bệnh nhẹ, có thể dùng Tetracyclin, Doxycyclin, Amoxicillin hoặc Ampicillin bằng đường uống.


Tuy vậy, kháng sinh chỉ có hiệu lựckhi dùng sớmtrong vòng 5 ngày kể từ khi phát bệnh.Khi bệnh đã chuyển qua giai đoạnmiễn dịch, sử dụng kháng sinh thường không có hiệu quả.


Điều trị triệu chứng với mục đích tái lập cân bằng nước và điện giải.Nếu bệnh nhân có hội chứng Weil cần được truyền máu và tiểu cầu.Việc chạy thận nhân tạo được thực hiện khi có suy thận cấp. Cần hỗ trợ thở máy khi có dấu hiệu suy hô hấp, nhất là có hội chứng nguy ngập hô hấp cấp hay hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS(Adult Respiratory Distress Syndrom)


Phòng bệnh


Việc phòng bệnh có hiệu quả nhất là sử dụng các biện pháp chung như diệt chuột và các loài động vật gậm nhấm có hại,tránh tiếp xúc với nước tiểu và xác các động vật chết.


Sử dụng găng tay, ủng bảo hộ lao đọng khi phải làm việc trong môi trường có nhiều xoắn khuẩn như khơi thông cống rãnh, hầm hố, làm mỏ, cày ruộng...


Cần theo dõi, tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân đối với các nghề nghiệp có nguy cơ dễ bị mắc nhiễm xoắn khuẩn Leptospira cao.Trường hợp mới nhiễm bệnh có thể dùng Doxycyclin, 200mg, liều duy nhất mỗi tuần.


Việc tiêm chủng vaccine cũng có khả năng bảo vệ chống xoắn khuẩn vàng da xuất huyết (Leptospira ictero-hemorrhagiae) trong 3 năm.Hiệu lực bảo vệ xuất hiện sau lần tiêm thứ ba, mỗi lần tiêm cách nhau 15 ngày, tiêm 1ml/lần. Cũng có thể dùng biện pháp tiêm phòng vaccine cho các loại động vật như trâu bò, chó, heo...


Khuyến cáo


Mặc dù bệnh “sốt chuột” Leptospirosis do bị nhiễm xoắn khuẩn Leptospira từ chuột hoặc các loài động vật gặm nhấm khác lây truyền sang người ít gặp tại nước ta nhưng ở một số nơi hàng ngày con người thường tiếp xúc với loài chuột, trong đó có loài chuột có thể mang mầm bệnh. Cần nói rằng chuột sống quanh ta trong sinh hoạt hàng ngày nên nguy cơ bị mắc bệnh “sốt chuột” Leptospirosis là điều không thể tránh khỏi nếu không áp dụng tích cực các biện pháp phòng bệnh. Các cơ sở y tế cũng cần quan tâm, cảnh giác đến một loại bệnh từ động vật truyền sang người để chủ động phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.


TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh (Viện sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn)


http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/8379/de-phong-benh-%E2%80%9Csot-chuot%E2%80%9D-vi-song-gan-%E2%80%A6-chuot&-33;.html