Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hình phạt tù chung thân với người phạm tội hiếp dâm là đủ nghiêm khắc mà vẫn đảm bảo răn đe, phòng ngừa chung.


Chiều 10/3, thảo luận về một số điều sửa đổi của Bộ luật hình sự, Ủy ban nhận thấy, hành vi hiếp dâm đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại. Nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, khả năng cải tạo, giáo dục cũng như thực hiện chính sách nhân đạo của nhà nước thì không nhất thiết phải quy định hình phạt tử hình với tội danh này. Trường hợp, người phạm tội vừa hiếp dâm vừa giết người hoặc cướp tài sản thì tùy mức độ vi phạm mà có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về tội giết người hoặc cướp tài sản.


Tương tự, tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (điều 334) cũng được đề nghị bỏ án tử hình, bởi tù chung thân cũng là đủ nghiêm khắc để răn đe. Theo Ủy ban, nếu người phạm tội nhằm mục đích phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà nước, phá hủy công trình phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, chống mệnh lệnh hoặc đầu hàng địch... thì sẽ bị truy cứu theo các tội danh tương ứng có hình phạt cao nhất là tử hình.


Chính phủ đề nghị bỏ hình phạt tử hình với 17 tội danh trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội chỉ nhất trí với 8 tội danh, gồm: hiếp dâm (điều 111); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (139); buôn lậu (153); tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (197); chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (221); làm tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả (180) và hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (334) và đưa hối lộ (289).


Còn tội nhận hối lộ, tham ô tài sản cùng 7 hành vi khác vẫn được yêu cầu giữ nguyên khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo Ủy ban, tham nhũng đang được coi là quốc nạn và diễn ra nghiêm trọng, phức tạp nhưng kết quả đấu tranh còn nhiều hạn chế. Việc giữ án tử hình với loại tội phạm này là thể hiện tính nhất quán, quyết tâm đẩy lùi và trừng trị nghiêm khắc với tội phạm tham nhũng.


Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc
bổ sung một số tội danh mới trong lĩnh vực chứng khoán.
Do đây là loại tội phạm mới nên trước mắt chỉ xử lý trách nhiệm hình sự với một số hành vi đã phổ biến. Ủy ban đề nghị bổ sung vào Bộ luật hình sự tội tham túng giá chứng khoán (dự kiến sẽ là điều 181c); cố ý thông bố sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (điều 181 a); và tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (181b).


Ủy ban cũng đề nghị
bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy
vì thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian qua không thấy hiệu quả răn đe, phòng ngừa không cao. Hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với người nghiện nói chung và người phạm tội nói riêng cũng rất hạn chế. Về bản chất, sử dụng ma túy và vi phạm pháp luật, nhưng dưới góc độ xã hội thì người nghiện ma túy là nạn nhân của một tệ nạn... Khi tội danh này được bỏ, nếu người sử dụng ma túy có hành vi phạm tội thì sẽ bị xử lý theo các hành vi tương ứng.


Với việc sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự lần này, định mức tối thiểu về tài sản phạm tội tại 12 tội danh đã thay đổi, tăng lên 4 lần. Theo đó, với tội trộm cắp tài sản (điều 138), lừa đảo chiếm đoạt tài sản (139), nhận hối lộ (279), tham ô tài sản (278)... mức bị xử lý hành sự là 2 triệu đồng, thay vì 500.000 đồng theo quy định hiện hành. Riêng tội chiếm giữ trái phép tài sản, mức tiền tối thiểu để làm căn cứ xử lý hình sự tăng từ 5 triệu lên 10 triệu đồng.


Những sửa đổi trên sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.


http://vnexpress.net/GL/Phap-luat/2009/03/3BA0CC31/