DẠY CON... “KIỂU TÂY”


Thành quát vợ: “Cô tập tính tự lập cho con hay bỏ rơi con? Cu Bin bị thương, suy dinh dưỡng thế này là tại cô hết!”. Hằng ôm con vào lòng hối hận. Hằng từng có thời gian du học nước ngoài nên cô muốn rèn con sự độc lập cho bản thân ngay từ thuở nằm nôi.


Con tròn 3 tháng, cô cho ngủ riêng. Mẹ chồng bảo: “Đêm hôm khuya khoắt thằng bé tè dầm ai ở bên thay tã, đói ai cho bú, lỡ cảm sốt ai lo?”. Bà đòi ngủ với cháu, Hằng không nghe vì sợ con quen hơi, chỉ là ướt tã, ho nhẹ một tiếng cũng rối lòng, quấy khóc một chút đã cuống quít xuýt xoa chỉ làm cho con trẻ quen thói vòi vĩnh, dựa dẫm.


Hằng quyết định dạy con theo kiểu... Tây, mặc sự phản đối của 2 bên cha mẹ và chồng. Nói là làm, Bin được 4 tháng tuổi, Hằng đã cho con cùng đi chơi dù thời tiết hôm ấy mưa hay nắng với quan điểm: Để con quen tiếp xúc với sự thay đổi của môi trường, dạn mưa gió, chắc da, chắc thịt không bị cảm vặt sau này.


Một sớm Chủ nhật mưa phùn gió bấc, Hằng mang con về bà ngoại cách nhà hơn 30km mặc cho chồng ngăn cản. Tối hôm ấy, cu Bin lên cơn sốt, cả nhà lo lắng không yên bảo đem nó đi bệnh viện ngay thì cô đáp: “Hở một chút là uống thuốc, đến bác sĩ khám hoài trẻ con nhờn thuốc”.


Đến đêm, cu Bin sốt cao co giật phải đi cấp cứu, lúc ấy Hằng hoảng sợ còn Thành thương con giận vợ ra mặt. Tuy thế, Hằng vẫn kiên trì với cách dạy con... kiểu Tây.


Cu Bin lên 2 tuổi, cô đã bắt con tự ăn. Có lần đi làm về sớm, cô thấy bà vừa bế cháu vừa dỗ bao nhiêu thứ đồ chơi mới đút được muỗng cơm cho Bin. Hằng bảo mẹ chồng: “Mẹ đừng chăm cháu kiểu ấy nó hư người. Bin lười ăn mẹ cứ kệ nó, đói khắc đòi ăn. Tất cả là do thói quen người Việt toàn chiều không phải lối. Cứ như Tây, trẻ con độc lập từ nhỏ, chúng hoạt bát, nhanh nhẹn và khỏe mạnh”.


Cu Bin đùa với bạn, bị ngã, Hằng yêu cầu con đứng dậy, đau cấm khóc vì đó là kết quả hành động do mình gây ra. Ngày hôm sau, vai Bin sưng, không cử động được, Thành đem con đi khám thì mới phát hiện ra bé bị rạn xương vai, đồng thời bị suy dinh dưỡng nặng.


Đến lúc này, Hằng mới thấy hậu quả ngược của việc áp dụng phương pháp nuôi dạy con không thích hợp. Thành xót con, nhìn vợ nghiêm khắc: “Cô dạy con tính độc lập là tốt nhưng chẳng lẽ cô không có chút nhạy cảm người mẹ để nhận biết con mình cần gì? Thiếu gì ư?”.


Không thể phủ nhận những ưu điểm của cách chăm con kiểu Tây sẽ khiến trẻ tự tin, hoạt bát, khả năng tư duy độc lập, sáng tạo cao... Tuy nhiên, rèn con sống tự thân, bản lĩnh ngay từ thưở trong nôi không đồng nghĩa với việc để mặc con mà phải biết áp dụng cách nào phù hợp. Cho con tự nhiên phát triển khác với việc bỏ mặc, không chăm sóc con.


Trẻ vẫn có thể tự bước đi trên đôi chân của mình nhưng cha mẹ chính là người nâng con những bước đi đầu đời. Thấy con lệch hướng thì uốn nắn lại. Trẻ sẽ tự tin hơn khi sống tự lập trên nền tảng tình cảm yêu thương của cha mẹ.


Cũng áp dụng phương pháp dạy con kiểu Tây, chị Mai (Đồng Nai) tâm sự: “Bé Thảo được 8 tháng mình cho cháu ngủ riêng, không can thiệp đến những việc của bé như mặc đồ, ăn cơm, chơi với bạn... Giờ Thảo 5 tuổi rất tự giác, chững chạc nhưng mình lại cảm thấy khoảng cách giữa 2 mẹ con khá xa vì cháu không thích mẹ ngủ chung hoặc không cho mẹ giúp làm bất cứ việc gì.”


Phương pháp nuôi dạy nào cũng phải dựa trên sự yêu thương, cảm thông, lắng nghe thì mới đem lại hiệu quả tích cực. Hãy để cho trẻ nhận ra cuộc sống xung quanh bé luôn tồn tại những giá trị đẹp đẽ. Hãy khéo léo đi vào cuộc sống của con để hiểu và tìm ra cách nuôi dạy con thích hợp.


NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ


http://www.thegioiphunu-pnvn.com.vn/Tin.aspx?varbaoid=1785&vartinid=10384&varnhomid=4