Xin cung cấp cho các cha mẹ bài viết này:


Một luận điểm giáo dục mới



Lâu nay, ngành giáo dục tổ chức trường lớp, biên soạn chương trình và tổ chức dạy học dựa vào một luận điểm là trẻ em cùng lứa tuổi thì cùng trình độ nhận thức. Từ luận điểm mang tính giả thuyết đó, người thiết kế chương trình soạn ra một bộ chương trình, cụ thể hóa mục tiêu giáo dục, chia thời gian học của đứa trẻ thành từng bậc học, lớp học, năm học, học kỳ, tuần học và tiết.


Một cỡ giày cho mọi bàn chân


Mỗi tiết được sử dụng để truyền đạt một đơn vị kiến thức được giả thiết là tiếp thu được với học sinh có nhận thức trung bình thuộc lứa tuổi đó. Từ đó mà hình thành những quy định bất di bất dịch trong công tác quản lý trường, lớp phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 như: lớp nào thì học bộ chương trình ấy, bắt đầu và kết thúc cùng thời điểm; mỗi môn học đều được quy định số tiết dạy trong tuần mà giáo viên không có quyền thay đổi; mọi học sinh trong một lớp vào cùng thời điểm đều được học (nghe thầy cô trình bày, giải thích, hướng dẫn luyện tập...) giống nhau về nội dung được quy định cho lớp đó...


Cách tổ chức trường lớp, biên soạn chương trình, quản lý hoạt động dạy và học như vậy có lợi là tiết kiệm tiền bạc, nhân sự, công sức cho người quản lý giáo dục và người đứng lớp. Song người dạy học có kinh nghiệm nào cũng từng thấy trong thực tế là luận điểm trẻ em cùng lứa tuổi thì cùng trình độ nhận thức không phải lúc nào cũng đúng.


Thực hiện một cách máy móc luận điểm đó khiến cho học sinh khi học phải "chờ nhau" để được học xong một bài hay kết thúc một môn học, "chờ nhau" để được lên lớp. Có thể minh họa tình trạng này bằng hình ảnh đoàn xe xếp hàng dài trước tín hiệu đèn xanh vẫn không chạy lên được do còn nhiều xe trước mặt mình chưa chuyển bánh; còn nếu chẳng may trước mặt có một xe bị hư thì các xe sau dồn cục lại để chờ.


Chẳng những học sinh này phải chờ học sinh kia mà trong mỗi học sinh, môn học trơn tru này cũng phải "chờ" môn học bị "sự cố" khác. Một học sinh thật xuất sắc về toán nhưng yếu môn khác thì môn toán phải chờ môn kém ấy đạt trình độ trung bình để cùng vượt qua chương trình quy định cho lớp đó...


Chúng ta đang nêu khẩu hiệu "lấy học sinh làm trung tâm", cá thể hóa việc dạy học. Khẩu hiệu này rất hay, rất đúng, rất nhân văn nhưng làm sao biến thành hiện thực trong khi toàn bộ bộ máy quản lý giáo dục phổ thông hoạt động theo cái trục là luận điểm nói trên?


Từ bao năm nay, nhà trường vẫn bắt học sinh cùng một lớp học theo cùng một thời khóa biểu và một bản phân phối chương trình, dù khả năng tiếp thu của từng em là khác nhau, khả năng tiếp thu của mỗi em trong môn học này là khác với khả năng tiếp thu của chính em đó trong môn học kia. Từ đó mà diễn ra bi hài kịch là tất cả học sinh trong một lớp, dù trình độ cao thấp khác nhau, dù nhận thức nhanh chậm khác nhau, nhất nhất đều phải đi đều bước, cùng tốc độ!


Chương trình mỗi lớp thì mọi học sinh đều phải học trong cùng thời gian như nhau là 1 năm học với 35 tuần học. Ai theo không kịp vài môn học khiến cho điểm trung bình năm không đạt chuẩn lên lớp thì buộc phải ở lại lớp, nghĩa là học lại toàn bộ chương trình các môn của lớp đó trong trọn một năm học nữa, dù chỉ cần một vài tháng là đã có thể theo kịp chương trình môn học mình bị mất căn bản. Như vậy thiết kế công tác quản lý dạy và học có lợi cho người dạy nhưng hoàn toàn bất lợi cho em học sinh phải ở lại lớp. Nó lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc của các em và phụ huynh, làm em học sinh đó chán nản do phải học lại những môn mà mình đã đủ trình độ. Làm sao em học sinh lưu ban đó cảm thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" được?


Năng lực tiếp thu của mỗi học sinh về một môn học nào đó trong chương trình một lớp là "bàn chân", còn thời gian học, cách dạy học ở lớp đó là "chiếc giày". Chúng ta giả định rằng mọi trẻ em cùng tuổi thì "bàn chân" phải cùng cỡ nên chúng ta quy định các em phải mang "giày" đúng số đo đó vào tuổi đó. Không vừa thì cũng cứ phải mang, gọt chân cho vừa mà mang. Nhưng trong đời, khi đi mua giày cho con, cha mẹ không gọt chân con mình để lựa đôi giày ưng ý mà căn cứ vào kích cỡ thật của bàn chân con mình để mua.


Phương pháp Kumon


May thay là hiện nay có một phương pháp dạy học khác có thể bổ khuyết cho kiểu dạy học “gọt chân theo giày” trên. Đó là phương pháp dạy học mang tên Kumon mà triết lý là “đóng giày theo chân”. Kumon là một giáo viên dạy toán bậc trung học nhưng con trai ông lúc vào tiểu học thì kém môn toán. Bị vợ trách là chỉ lo dạy con người mà quên con mình, ông bỏ thời gian ra nghiên cứu trường hợp của con và đặt ra hệ thống bài tập riêng cho đứa bé.


Mỗi ngày em học toán 30 phút theo phiếu bài tập do cha soạn. Điều kỳ diệu là sau 4 năm học theo kiểu của cha bày, trình độ đứa bé đã tiến bộ hẳn lên, em đủ sức làm các bài toán vi tích phân của lớp 11 dù mới học lớp 6 ở trường. Bí quyết của phương pháp Kumon là xác định được đúng xuất phát điểm của mỗi học sinh về môn học (chân), từ đó thiết kế một hệ thống bài tập tuần tự, vừa sức (giày) để học sinh làm mỗi ngày 30 phút bằng giấy bút và cục gôm thông thường mà không cần thiết bị gì hiện đại, làm cho đến khi nào thành thạo.


Giáo trình Kumon được thiết kế thông qua những bước nhỏ liên quan chặt với nhau. Thành thạo bước trước mới chuyển qua bước sau. Mỗi phần bài tập được hoàn tất là một bước kết nối với phần tiếp theo. Nếu luyện tập với các bài tập theo đúng phương pháp, trẻ sẽ phát triển được khả năng tự giải quyết vấn đề. Điều này nhằm tạo điều kiện để trẻ có thể tự học. Việc tự học sẽ mang lại cách hiểu thấu đáo hơn đối với mỗi vấn đề. Kumon quan niệm là thực hành khiến cho thành thạo, thành thạo khiến cho tự tin. Học sinh mà tự tin thì hứng thú, hứng thú khi học thì đạt kết quả tốt.


Phương pháp này thành công đến mức đã vượt ra xa khỏi biên giới nước Nhật. Sau 50 năm ra đời và phát triển, phương pháp Kumon đang được áp dụng tại 25.900 trung tâm Kumon ở 44 nước và khu vực trên khắp thế giới. Được cha mẹ đưa đến học tại các trung tâm Kumon không chỉ là những học sinh bị mất căn bản mà cả những học sinh chưa ham học, cả học sinh khá, giỏi, thậm chí cả trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.


Giáo dục nên nhìn thấy mặt hạn chế không nhỏ của luận điểm "trẻ em cùng lứa tuổi thì cùng trình độ nhận thức" để nghiên cứu và sớm áp dụng phương pháp dạy của Kumon. Áp dụng được phương pháp này sẽ đem lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là giải quyết kịp thời các trường hợp học sinh theo không kịp trình độ chung ở một vài môn học công cụ (Toán, tiếng Việt, tiếng Anh...) trước khi các em này phải ở lại lớp. Lợi ích lâu dài là học sinh biết cách học, hứng thú học tập và trở nên tự tin.


Theo báo Tuổi trẻ Online


Kumon - dạy toán để rèn người


Ông Yoda Shoji và bé Đan Thư, một trong các học sinh học vượt trình độ chỉ sau vài tháng theo học Kumon



TTCT - Chuyện kể rằng bên xứ Phù Tang (Nhật Bản) có một người cha tên là Toru Kumon. Là thầy giáo dạy toán nhưng con trai ông lại học kém môn này.



Thương con, Toru Kumon đã miệt mài tìm tòi và sáng tạo phương pháp học toán “tự vượt chính mình”.


Ca học đầu tiên bắt đầu lúc 15g với hai mươi mấy đứa trẻ. Một số bé chỉ 3-4 tuổi nhưng đã biết tự xếp cặp vào kệ, lấy đúng túi nhựa của mình, chào giáo viên và nộp bài tập về nhà. “Bíp”, “bíp”, “bíp”... học sinh bấm đồng hồ đo thời gian trên bàn học trước khi làm bài tập tại lớp.


Từ 17g trở đi, học trò 11, 12 tuổi đến lớp càng đông. Các em bấm đồng hồ và tự giác làm bài tập giống hệt như người lớn tập trung làm công việc.


Ngay từ lúc ghi danh theo học Kumon, học sinh đã phải làm quen với chiếc đồng hồ đo thời gian. Về sau này, dù là giải bài tập hay chơi trò xếp chữ số, các em đều phải bấm đồng hồ. Ông Yoda Shoji, tổng giám đốc Kumon Việt Nam, cho biết: “Làm thế để sau này lớn lên học sinh biết chủ động quản lý, tiết kiệm quĩ thời gian quí giá của mình”.


Hiện có hơn 4 triệu học sinh của 45 quốc gia, vùng lãnh thổ theo học chương trình Kumon.


Trung tâm Kumon Việt Nam được thành lập năm 2006 tại địa chỉ: 157 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM (www.kumon.com.vn).


Lớp học Kumon bao gồm học sinh đủ mọi lứa tuổi, màu da, quốc tịch ngồi học chung. Một giáo viên giải thích: “Mỗi em học theo giáo trình khác nhau. Hơn nữa, các em phải tự học chứ giáo viên đâu có giảng bài chung cho cả lớp”. Theo ông Yoda Shoji, tự học sẽ giúp trẻ có kiến thức rộng lớn hơn nhiều so với kiến thức từ thầy giáo theo cách học truyền thống; hơn thế, về sau này trẻ sẽ là người biết tự tìm giải pháp cho những vấn đề gặp phải trong cuộc sống.


Nhưng làm thế nào để trẻ rèn luyện được kỹ năng tự học? Ông Toru Kumon, cha đẻ phương pháp Kumon, từng viết: “Phải biết rõ ni chân của từng học sinh để chọn cho mỗi em đôi giày vừa vặn nhất”.


Chị Diễm Châu, mẹ bé Thiên Phước, cho biết: “Ở trường dạy kiến thức, còn nơi đây dạy cách học. Điều quan trọng là con bé cảm thấy cần phải học và tiến bộ rất nhanh. Hơn thế, bé ngày càng độc lập hơn trong suy nghĩ”. Về cách học “tự vượt chính mình”, ông Yoda Shoji chia sẻ: “Chúng tôi quan niệm mỗi đứa trẻ là một tài năng tương lai cần được trang bị kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tính cách để phát triển như một nhân cách độc lập”.