Những nhà có con nhỏ đặc biệt sợ Tết, nhất là mấy cô công sở, quen có người chăm bẵm em bé nên khi người giúp việc về quê là hết hồn. Chỉ chăm mỗi con là đã hết hơi, chưa kể phải cỗ bàn rồi đi chúc Tết nhà nọ nhà kia. Giải pháp ổn nhất là tìm một người giúp việc trong dịp này.



Đa phần các lao động tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm có hoàn cảnh khó khăn hay éo le.


Năm ngoái, chị Lan ở Kim Liên, Hà Nội vừa sinh em bé được vài ngày thì Tết đến, cô giúp việc về quê, bà nội bà ngoại cũng tíu tít sửa soạn nên chẳng nhờ được ai. May quá, ra trung tâm, tìm được một cô 30 tuổi, sạch sẽ, nhanh nhẹn, ký hợp đồng làm 10 ngày với giá 1,5 triệu đồng. Thế là cả nhà vui vẻ, đỡ xì trét vì những việc không tên. Năm nay, tầm này, cũng bắt đầu rục rịch phải tìm người dân.


Theo bà Linh, Giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm gần đại học Kinh Tế, các lao động phục vụ Tết được trả lương cao hơn so với ngày thường. Tùy theo nhà chủ và công việc, người giúp việc có thể được trả từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng một ngày. Làm từ 10 đến 15 ngày là có 2-3 triệu đồng, hơn cả một tháng lương, chưa kể có nhà chủ lại còn mừng tuổi thêm. Bà Linh nói: "Yêu cầu đầu tiên của các chủ nhà thường là tìm người trung thực, tin cậy được. Chúng tôi phải giữ lại chứng minh thư, rồi gọi điện về quê họ để kiếm chứng".


Những trường hợp đi giúp việc qua Tết đa phần là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có gia đình hoặc chỉ vì giận dỗi chồng mà bỏ đi mấy ngày. Bà Linh còn nhớ như in hoàn cảnh của ba mẹ con chị Hoa (Phú Thọ) dắt díu nhau tới xin việc vào đúng ngày 27. Trời rét mướt, mấy mẹ con tím tái trong những bộ quần áo mỏng manh, chân không đi tất. Bọn trẻ khi ấy mới khoảng 11-12 tuổi đứng nép vào bên mẹ khi xe ôm chở tới trung tâm của bà. Đói khát, hai đứa bé lả đi, không còn nhanh nhẹn hoạt bát nữa. Mấy đứa trẻ không có tiền đóng học, ở nhà, ông bố lại hay rượu chè rồi đánh đập vợ con, chị Hoa quyết định mang con xuống Hà Nội tìm việc. Hết Tết, có một khoản tiền nhỏ, mẹ con chị lại về quê để hai đứa bé đi học tiếp.



Trong lúc đợi việc làm Tết, chị Tâm ở tạm tại trung tâm giới thiệu việc làm.


Chị Lan kể: "Cô giúp việc năm ngoái có hoàn cảnh rất đáng thương, sắm sửa Tết, chồng đã chẳng đưa đồng nào, lại còn rượu chè, rồi say bét nhè, gí dao vào cổ vợ dọa nạt. Cô sợ quá đành phải trốn đi. Tuy mới đến nhà nhưng nhanh nhẹn, dọn dẹp sạch sẽ, tháo vát, những cứ vãn việc là lại nước mắt ngắn nước mắt dài nhớ con. Thấy cũng tội".


Ngoài những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn, nhiều người vì chuyện riêng tư không thu xếp được cũng tìm đến giải pháp vắng nhà vài ngày Tết. Ngồi thu lu trong góc căn phòng của trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Trần Đại Nghĩa là một phụ nữ quê ở Sơn Tây. Tóc cắt ngắn, gương mặt đen xạm, xương và hơi nhô cao khiến người đàn bà này làm người đối diện phải chú ý. Chị tên là Tâm năm nay 30 tuổi xuống Hà Nội chờ việc. Mỗi khi tiếng chuông điện thoại trên bàn tư vấn của trung tâm rung lên, ánh mắt chị lại sáng lên và hướng về phía người nói chuyện. Nhà chủ cần một người giúp việc trung niên, có kinh nghiệm, vậy là chị lại tiếp tục đợi...


Tết này, chồng chị làm thuê tận Kiên Giang, con trai thì còn nhỏ, chỉ có một mình, chị Tâm xin đi làm mong kiếm thêm tiền về trát nốt ngôi nhà mới xây. Chị nói: "Tết ai chẳng muốn về nhưng cuộc sống khó khăn quá nên đành bấm bụng cho qua. Ở nhà những ngày đó chỉ chơi, chồng lại đi xa. Đi làm vất vả một chút nhưng có tiền".


Trước khi xuống Hà Nội, sợ cả nhà không cho đi nên phải nói dối bố mẹ chồng đi trực tết ở xí nghiệp. Sắm vội cho con bộ quần áo mới, rồi gửi con cho bà nội để đi "kiếm cơm".


Không chỉ quanh Hà Nội, các lao động từ Nghệ An, Thanh Hóa cũng lặn lội tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc. Năm ngoái, một ông bố ở Nghệ An đưa con tới trung tâm ở Quan Nhân, Thanh Xuân, xin đi giúp việc. Người cha tàn tật, sức khỏe lại yếu nhưng vẫn cố gắng đi cùng con. Sau khi thấy con được sắp xếp chỗ làm, ông mới yên tâm bắt ô tô ra về.


Năm nay, hầu hết các trung tâm cung ứng lao động đều vắng khách hơn do tình hình lương thưởng năm nay cũng ảm đảm. Nhiều nhà không thuê người mà tự xoay sở làm lấy những công việc bếp núc, dọn dẹp. Người thuê ít nhưng người tìm việc đổ về các thành phố lớn trong dịp này vẫn không hề giảm. Vì miếng cơm, manh áo, năm nay, nhiều người lại không ăn Tết ở nhà




http://ngoisao.net/News/Thoi-cuoc/2009/01/3B9C81A0/