Đặt tên học sinh bằng tiếng Anh có phản cảm?


Tại nhiều trung tâm tiếng Anh ở TP.HCM, các em học sinh khi đến lớp được đặt thêm một cái tên tiếng Anh để giáo viên nước ngoài… dễ gọi. Điều này khiến một số cha mẹ cũng tỏ ra thích thú, tuy nhiên, một số cha mẹ lại rất bức xúc, không hài lòng.


Một giờ học tiếng Anh ở trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Tại các trường tiểu học ở TP.HCM, các em nhỏ vẫn được gọi tên tiếng Việt trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Hương Giang.



Cô con gái mới 5 tuổi của chị Thuỷ Anh, Q.11 sau buổi học học tiếng Anh ngày đầu tiên tại một trung tâm lớn ở thành phố hớn hở khoe mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con có một cái tên mới ở lớp là Ann. Lớp con bạn nào cũng có tên mới!” Chị Thuỷ Anh rất ngạc nhiên và không hài lòng nên hôm sau đến hỏi cô giáo thì được giải thích: Do giáo viên nước ngoài rất khó khăn khi phải nhớ tên tiếng Việt nên đặt tên tiếng Anh để họ dễ gọi!


Một phụ huynh khác có con gái 7 tuổi học chương trình tiểu học Cambridge cũng được đặt tên bằng tiếng Anh ở lớp, và khi đi học tiếng Anh tại trung tâm cũng có thêm tên mới. Vậy là cô bé có đến ba cái tên, một tên tiếng Việt, hai tên tiếng Anh. Tuy vậy, mẹ cô bé cho rằng, có thêm tên mới cũng chẳng sao, miễn là cháu thấy thích là được.


Chị Quỳnh Vy, 45 tuổi, Q5 cho biết: “Chẳng phải chỉ riêng ở trung tâm mới có mốt đặt tên học sinh bằng tiếng Anh. Nếu đến trung tâm yoga ở Parkson Hùng Vương, Q5, tôi thấy nhân viên của trung tâm dạy yoga này cũng có tên tiếng Anh, nào là Tom, Carmen..., tôi nghe mà thấy kỳ kỳ. Rõ ràng mặt mũi người Việt mà giọng thì lơ lớ, tên là tên Tây, chẳng biết họ muốn ra oai để chứng tỏ đẳng cấp hay là để cho sếp nước ngoài dễ gọi?”


Theo phụ huynh Thuỷ Anh: Tại sao bài học đầu tiên ở lớp học ngoại ngữ không phải là hình ảnh thầy cô giáo nước ngoài cố gắng để phát âm tên tiếng Việt của trò, để trò hiểu rằng học ngoại ngữ là học sự tôn trọng văn hoá của một đất nước khác? Khi thầy cô nước ngoài học cách phát âm một cái tên khó như tiếng Việt, họ đã thể hiện một điều rất dễ thuyết phục trong việc học ngoại ngữ: học phát âm những âm khó là một việc làm thú vị!


Trong những năm tháng sống tại Mỹ, chị Thục Quyên cho biết, chưa có một người nào phát âm tên chị mà thấy dễ. Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng đọc bằng được tên chị chứ không có ai đặt tên là Susan chẳng hạn cho dễ gọi. Theo chị Quyên, đứng về yếu tố tâm lý, cái tên của mỗi người là một âm thanh dễ chịu nhất với người đó, phủ nhận một cái tên là phủ nhận toàn bộ cá nhân đó, phủ nhận văn hoá của họ.


Chị Quyên dẫn chứng: Tại Đại hội toán học ở Ấn Độ trao giải thưởng Field năm 2010, lúc đầu danh sách công bố người đoạt giải trên trang web của đại hội có tên GS Ngô Bảo Châu được viết không dấu là Ngo-Bao-Chau, chỉ 15 phút sau, người ta đã sửa là Ngô-Bao-Châu (có lẽ vì không biết viết dấu hỏi như thế nào thôi). Việc cố gắng viết đúng tên “Ngô”, “Châu” có dấu, trong khi giới thiệu cả hai quốc tịch Việt Nam và Pháp của GS Ngô Bảo Châu là sự tôn trọng mảnh đất nơi giáo sư đã sinh ra.


Theo bà Nguyễn Hồ Thuỵ Anh, chuyên viên tiếng Anh phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, các trung tâm tiếng Anh nên tôn trọng tên tiếng Việt của các học sinh, không nên đặt thêm cái tên tiếng Anh thứ hai. Tên của các giáo viên nước ngoài đến từ khắp các quốc gia, khó thế mà các học sinh vẫn phát âm được, vậy thì tại sao các giáo viên nước ngoài không học phát âm tên của các học sinh Việt Nam?


Thanh Mai


http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/74081/dat-ten-hoc-sinh-bang-tieng-anh-co-phan-cam-.html