"Lót tay” để qua sát hạch lý thuyết, "ký hiệu” riêng và "cấp tốc tay lái” để qua sát hạch thực hành, đào tạo lái xe tại Việt Nam hiện nay rõ ràng đang lập "kỷ lục” về số thí sinh thi đỗ. Hệ lụy khôn lường là không ít người được cấp bằng trong số này có trình độ tay lái non kém - nguồn cơn của tai nạn trên đường.







Thi… là đỗ, quan trọng là được thi




Trần Nhật Quang, quê ở Minh Hóa (Quảng Bình) lặn lội hơn 600km ra Hải Phòng thi lấy bằng lái xe. Để có tên trong danh sách và đạt "chuẩn” trong kỳ thi sát hạch, anh đã phải nộp lệ phí cho đại diện một trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Phòng số tiền 15 triệu đồng. Anh Quang bảo: Tại Quảng Bình hiện nay thi lấy bằng rất khó, trong khi Hải Phòng thi dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy nhiều người ở Quảng Bình đua nhau ra Hải Phòng thi lấy bằng, dù biết số tiền "lót tay” không nhỏ.



Theo anh Quang, để nhận tấm bằng trong tay, anh và nhiều thí sinh khác phải có mặt ở Trung tâm đào tạo trước 3 ngày để luyện phần thi tay lái. Đơn giản là thầy giáo hướng dẫn phương pháp đi sa hình, các ký hiệu đề pa thành công, chèn vạch chuẩn xác, lùi chuồng vừa khít… đều phải ghi nhớ, từ đó chuẩn bị cho kỳ thi chính. Ở phần sát hạch lý thuyết, những người đã "lo lót” như anh Quang chỉ cần ngồi… chờ, sẽ có thầy giáo tới "bấm”, và công đoạn cho 30 câu hỏi thường gói gọn chưa đầy 2 phút. Anh Quang kể: "Hầu hết thí sinh đã "chạy” đều thi đạt. Trọn gói khoảng 20 triệu đồng.



Không chỉ một số Trung tâm đào tạo lái xe ở Hải Phòng, tình trạng quá tải lượng người đăng ký thi ở các trung tâm khác trên toàn quốc đã khiến cho nhiều Trung tâm đào tạo "ăn nên làm ra” khi tiếp nhận hồ sơ của những đối tượng đã làm "luật”. Anh Mạnh Tình, ở Thường Tín, Hà Nội đăng ký học tại Trường Trung cấp nghề Cơ giới Đường bộ. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, anh không biết nguyên do gì vẫn không được thi, mặc dù đã hoàn thành số "giờ bay” lý thuyết và trên đường theo quy định. Không thể nhẫn nại, anh đành bỏ ra hơn 10 triệu đồng để "lo lót” ở một Trung tâm đào tạo lái xe. Chưa đầy 1 tháng, anh được thi và lấy bằng. Anh Hà cho biết: "Số thí sinh trong nhóm vượt tuyến lần này phần lớn đều đã học hành đầy đủ ở các nơi khác nhưng đợi dài cổ chưa được thi. Thậm chí, một vài người còn chưa được đào tạo, đến thi mới bắt đầu cầm vô lăng. Song đều qua hết. Nếu cứ đúng đường đi nước bước ở Trung tâm cũ, chắc đến khi đi thi, người được đào tạo đã quên mất cả lái xe như thế nào. Quy tắc bất thành văn ở đây được truyền miệng. Biết lái không quan trọng, cốt yếu là được thi. Thi là đỗ”.




Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi khóa thi hiện nay trên dưới 200 thí sinh. Tỷ lệ thi đỗ trung bình chiếm từ 75% đến 80%. Số thi trượt (cả ở lý thuyết lẫn thực hành) sẽ được sắp xếp ở kỳ thi kế tiếp và tất nhiên số này sẽ nằm trong số phần trăm đỗ.




Đào tạo lái xe "cấp tốc”




Dường như, đây chính là lý do, khiến hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay đều mở những khóa "cấp tốc” trước giờ thi để luyện tay lái cho những thi sinh ít được thực hành. Có mặt tại Trung tâm Ngọc Hà (sân tập lái kiêm sân sát hạch nằm tại Chèm, Từ Liêm, Hà Nội), lượng thí sinh trước giờ G đến tập đông "như kiến”, gây nên tình trạng không đủ số lượng xe đáp ứng, thường kéo dài từ 5 giờ sáng tới 12 giờ đêm, kèm theo đó là các khoản "phí dịch vụ” tăng theo giờ. Lê Dương (một thầy giáo đào tạo lái xe) cho biết, 6 thí sinh được giao "kèm” sẽ phải "luyện” mô hình cho thuần thục. 2 người trong số này, thậm chí mới cầm vô lăng được vài ngày, nhưng với những "chiêu” lái và "ký hiệu” riêng để nhận biết, cũng dần dần nắm bắt được bài thi. Thông thường một đợt luyện "cấp tốc” kéo dài trong 2 tuần. Thầy giáo sẽ kèm thí sinh khoảng 10 ngày liên tục tập lái trên đường, 3 đến 4 ngày tập lái theo sa hình. Tiền xăng, tiền tập do thí sinh chịu phí tổn. Hầu hết thí sinh đã "làm luật” nên thi thật không đáng ngại.




Cũng theo anh Dương, do luyện "cấp tốc” nên sẽ phải gạt bỏ những bài tập theo quy định, chỉ tập những bài phụ trợ cho đề pa lên dốc, lùi chuồng, tăng tốc, vượt chướng ngại, số 8 hay rích rắc. Đây là những phần thi dễ trượt, nên để thực hành tốt cần phải luyện kỹ. Một thí sinh tên Hà cho biết, riêng bài lùi chuồng, anh đã phải luyện tới hơn 3 giờ đồng hồ. "Với những ký hiệu ngầm từ đánh lái, tới cua vô lăng, rốt cục cũng thành thạo. Chi phí cho một ngày tập suýt soát 1,5 triệu đồng”.




"Đào tạo lái xe cấp tốc”, bản lề cho kỳ thi sát hạch, và với những khoản kinh phí "chống trượt”, số thí sinh nhận bằng ngày càng nhiều. Có lẽ, ở Việt Nam số thí sinh thi đạt sẽ lập "kỷ lục” nếu như có sự kiểm đếm đầy đủ. Tuy nhiên, bao nhiêu trong số này đủ tay nghề để lái xe trên đường? Đó phải chăng chính là hệ lụy khôn lường cho những tai nạn thảm khốc. Sai một ly đi một dặm, cái "ly” ấy cần phải được đào tạo bài bản, trước sự giám sát và kiểm tra ngặt nghèo, nhưng nội dung ấy lâu nay luôn bị buông lỏng.




Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ cho biết, hiện nay, do nhiều bãi tập xe quá tải, nhiều trung tâm còn "luyện” tay lái "cấp tốc” tại các vườn hoa, sân chơi, những bãi đất trống khác. Như vậy là hoàn toàn trái quy định. Học viên và giáo viên khi tập xe phải thực hành ở các sân đảm bảo tiêu chuẩn về sân tập, cũng như được cấp phép.




Tuấn Việt