Trong khi lãnh đạo thành phố Hà Nội cho rằng, để Thủ đô văn minh, sạch đẹp hơn thì việc siết chặt nhập cư là cần thiết, song theo nhiều chuyên gia luật pháp, nhà văn hóa, giải pháp đó chưa chắc mang lại hiệu quả, chưa kể còn trái Hiến pháp và pháp luật.


>>
Lương thấp không được nhập hộ khẩu thủ đô?



Theo dự thảo Luật Thủ đô (vừa được đưa ra thảo luận lần ba), hàng loạt các điều kiện đối với người ngoại tỉnh muốn nhập cư vào Hà Nội đã được liệt kê: phải có 5 năm liên tục tạm trú và phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất gấp hai lần mức lương tối thiểu; muốn làm việc tại Hà Nội phải có giấy phép lao động do Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cấp…


Phải là nơi “bốn phương tụ hội”


Đón nhận những thông tin trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Quan điểm của tôi là dự thảo không được trái với Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền tự do đi lại, cư trú trong nước”. GS Thuyết dẫn chứng thêm: Luật Cư trú cũng quy định rất rõ là công dân tạm trú liên tục một năm tại thành phố trực thuộc TW thì được đăng ký thường trú tại thành phố đó.


Trao đổi với chúng tôi một lãnh đạo UB Tư pháp của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010. “Chính phủ cũng đã đề nghị, song Quốc hội chưa đồng ý”, vị lãnh đạo này cho hay.




Theo GS Thuyết, dành cho Hà Nội một cơ chế đặc thù để tạo đột phá trong phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, nếu cho rằng hạn chế nhập cư thì có thể thay đổi nếp sống và văn hóa của người Hà Nội là một sai lầm. “Không chỉ ở Việt Nam mà thủ đô của các nước trên thế giới luôn là nơi bốn phương tụ hội. Nói “Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, hội tụ và tỏa sáng” cũng là vì thế”, GS Thuyết nói và cho rằng, không ít người vẫn nghĩ dân nhập cư là nguyên nhân “làm hỏng” văn hóa Thủ đô.


Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng cho rằng, quan điểm hạn chế nhập cư để Thủ đô được văn minh, lịch sự hơn là không đúng. Theo ông Quốc, nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ hạn chế sức ép gia tăng dân số cho Hà Nội thì còn có thể chấp nhận. Còn việc “đổ lỗi” cho dân nhập cư và tìm cách hạn chế để bảo vệ văn hóa Thủ đô là cách nói ngụy biện. “Tôi cũng không hiểu quy định dân nhập cư phải có thu nhập gấp hai lần lương tối thiểu để hướng tới mục đích gì?”, ông Quốc đặt câu hỏi.


Theo nhiều nhà nghiên cứu, siết chặt nhập cư chưa chắc đã giúp ích nhiều cho nếp sống và văn hóa Hà Nội. (Ảnh: Đức Long)


Chỉ nên thực hiện ở… Hà Nội cũ?


Ở một góc độ khác, ông Vũ Đức Tân, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chia sẻ quan điểm: “Thủ đô các nước trên thế giới cũng vậy thôi, họ cũng có cách thức riêng để quản lý, hạn chế số dân nhất định”. Tuy nhiên, ông Tân cũng băn khoăn: “Trong điều kiện Hà Nội vừa sáp nhập, liệu điều đó có phù hợp và khả thi hay không? Hà Nội cũ trước đây muốn xanh - sạch - đẹp đã khó, giờ lại thêm cả Hà Tây nữa, như thế càng khó nữa”.


Theo ông Tân, điều quan trọng nhất trong việc xây dựng một văn bản pháp luật là phải căn cứ từ thực tiễn cuộc sống. “Bây giờ bảo thực hiện ở khu vực nhất định nào đấy thì được, chứ bảo thực hiện ở toàn bộ Hà Nội thì rất khó”, ông Tân tỏ ra e ngại và cho biết thêm, cơ chế đặc thù là cần thiết, song điều đó không có nghĩa có thể là tạo ra một bộ luật “cho riêng mình”.


Ủng hộ quan điểm hạn chế nhập cư, song bà Bùi Thị An, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, cũng cho hay: “Có lẽ chỉ nên thực hiện ở khu vực nội thành, hoặc cùng lắm là khu vực Hà Nội cũ. Bây giờ thực hiện trên toàn thành phố, e khó khả thi”. Theo bà An, Hà Nội cần có những giải pháp lâu dài, để giải quyết tận gốc chứ không thể trông chờ vào việc hạn chế nhập cư.


Chừng nào trong khu vực nội thành còn tập trung hàng nghìn trường học, cơ quan, hạ tầng không được cải thiện, ý thức người dân chưa được giáo dục tốt… thì dù luật có ra đời, văn hóa, nếp sống, của con người, văn minh của thành phố cũng chẳng vì thế mà thay đổi được”, bà An nói và dẫn chứng: Luật Giao thông đường bộ với rất nhiều quy định nghiêm ngặt vậy, nhưng vì sao hằng năm vẫn có hàng vạn nghttp://www.tintuconline.com.vn/vn/thuongnhat/428070/index.htmlười chết và bị thương vì tai nạn giao thông?