Đại lễ: Người bở hơi tai, người hụt hẫng


Tác giả: Khánh Linh


Bài đã được xuất bản.: 2 giờ trước


Đã không có những phút giây lắng đọng, khi niềm tự hào được thổi bùng lên mạnh mẽ, được cộng hưởng trong hàng vạn, hàng triệu người. Chưa kể, lại có quá nhiều những chen lấn xô đẩy, ép giá...thiếu văn minh.


Chen chúc vì... niềm tự hào chính đáng


Vậy là đại lễ 1000 năm Thăng Long đã kết thúc sau 10 ngày với dồn dập những hoạt động chính trị - xã hội - văn hóa... mà đỉnh điểm là ngày 10/10 với lễ diễu binh - diễu hành lớn nhất trong lịch sử và đêm nghệ thuật "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay" tại SVĐ Mỹ Đình.


Trong tâm thức của nhiều người Việt Nam, Đại lễ 1000 năm Thăng Long là dịp "ngàn năm có một", nên nhất định phải về Hà Nội dịp này. Người có thời gian thì về cả tuần, kẻ bận rộn thì vài hôm, bận rộn hơn nữa thì cũng cố về với Thăng Long - Hà Nội ngày cuối tuần, gì thì gì cũng phải ở Hà Nội vào "ngày" thiêng liêng - 10/10/2010, dù đó chỉ là ngày do chính chúng ta đặt ra để kỷ niệm (bởi theo sử ghi thì Thái tổ Lý Công Uẩn dời đô về thành Đại La vào tháng 7 - âm lịch mùa thu năm 1010, nhưng không ghi rõ ngày).


Không thể không nhận thấy niềm tự hào, háo hức chính đáng của rất nhiều con dân đất Việt, những người sẵn sàng đi bộ hàng chục km từ các bến xe về trung tâm thành phố (vì xe buýt quá tải, vì giá xe ôm bị đội lên quá cao khiến họ không đủ sức trả tiền, thậm chí nhiều người muốn trả tiền cũng không tìm nổi xe), sẵn sàng "ăn bờ, ngủ bụi" từ đêm 9/10 để có được một chỗ khả dĩ xem lễ diễu hành sáng 10/10, rồi những người sẵn sàng "vạ vật" gần SVĐ Mỹ Đình từ trưa 10/10 để được xem bằng được chương trình pháo hoa duy nhất của ngày đại lễ, dù họ sẽ không có cơ hội thưởng thức đêm nghệ thuật như những khán giả chọn ngồi nhà để xem cả đêm nghệ thuật và pháo hoa qua truyền hình.


Sẵn sàng đi bộ.


Điều gì đã tạo nên tâm trạng háo hức mãnh liệt đến thế trong hàng triệu người Việt Nam, đủ cả già trẻ lớn bé, từ nông thôn đến thành thị? Người viết bài này rất muốn tin, đó chính là niềm tự hào mãnh liệt, sâu thẳm trong vô thức trái tim họ, tự hào về Thăng Long huy hoàng trong lịch sử, tự hào về các thế hệ ông cha.


Rất nhiều trí thức, nhà văn hóa với tình yêu tha thiết với Thăng Long - Hà Nội, đã mơ ước về Đại lễ 1000 năm Thăng Long đậm chất văn hóa, lịch sử, với một thông điệp rõ ràng của hôm nay gửi đến mai sau, đúng nghĩa với sự kiện 1000 năm mới có một lần. Đó phải là một lễ hội ngập tràn niềm vui, nơi mọi người dân thật sự là chủ nhân của lễ hội, nơi người Hà Nội nói riêng, và người yêu Thăng Long - Hà Nội nói chung phải có dịp để bày tỏ tình yêu ấy với cả nước, với cả thế giới. Mỗi người khi về với Hà Nội trong dịp đại lễ phải thật sự cảm thấy mình được trở về với lịch sử 1000 năm của mảnh đất thiêng này.


Quan bở hơi tai, dân thấy mình... hẫng hụt?


Tiếc thay, từ mơ ước đến thực tế lại có một khoảng cách rất xa. Dù nhiều người trong số những trí thức, nhà văn hóa ấy đã tạm quên đi những kiến nghị tâm huyết đã nói to lên mà không ai biết đến, để cùng vui với Thăng Long - Hà Nội những ngày vừa qua.


Không ai có đủ sức để tham gia hết những hoạt động kỷ niệm ngày đại lễ (chỉ tính riêng hoạt động chính thức được đăng tải rộng khắp, đã có tới 50 hoạt động trải suốt 10 ngày). Vài chục hoạt động, trải dài trong cả 10 ngày, nhưng lại thiếu vắng một sự kiện đủ sức lay động trái tim của hàng triệu người có mặt ở Hà Nội những ngày qua. Nhiều nhất là những lễ khánh thành, lễ khai mạc triển lãm - liên hoan, các chương trình biểu diễn nghệ thuật... nhưng lại thiếu vắng các hoạt động mang tính cộng đồng, nơi người dân có thể thật sự đóng góp sức mình, hòa vui cùng đại lễ.
Phần lớn những lễ khánh thành, lễ khai mạc chỉ là dịp dành cho một số ít người, trong khi các vị lãnh đạo mệt "bở hơi tai" vì phải "phân thân" để có mặt hết sự kiện này đến sự kiện khác, thì người dân lại cảm thấy hẫng hụt vì chẳng có mấy nơi để mà đi.


Người dân chỉ có thể chọn đến xem một vài sự kiện, trong đó
2 sự kiện quan trọng nhất diễn ra trong chính ngày Đại lễ 10/10 lại chỉ dành cho khách mời, người dân chỉ có thể chờ đợi dọc các tuyến đường để xem đoàn diễu binh - diễu hành đi qua, hoặc chờ đợi bên ngoài SVĐ Mỹ Đình để xem pháo hoa nghệ thuật sau khi đêm nghệ thuật kết thúc
. Chen chúc, chầu chực cả buổi chỉ để được xem vài phút đoàn diễu hành đi qua, hoặc xem gần nửa tiếng pháo hoa bừng sáng trên bầu trời Hà Nội đúng đêm đại lễ. Vậy chứ biết bao người đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì không đủ sức để chen chúc, đành xem đại lễ tại nhà người quen.


Sang ngày 11/10, Hà Nội trở lại với nhịp sống thường ngày, nhưng chắc chắn nhiều người cảm thấy thủ đô như vắng vẻ hơn, bình yên hơn, có lẽ bởi đã kịp "quen" với cảm giác nhộn nhịp, đông đúc, đâu đâu cũng thấy cả biển người của những ngày đại lễ. Khó mà đoán được "dân số" Hà Nội ngày cao điểm nhất là bao nhiêu, chỉ biết nhiều người phải chọn cách tránh lên những khu vực trung tâm, nếu được nữa thì tránh... ra đường, để khỏi bị căng thẳng, mệt mỏi.


Đã không có những phút giây lắng đọng, khi niềm tự hào được thổi bùng lên mạnh mẽ, được cộng hưởng trong hàng vạn, hàng triệu người. Chưa kể, lại có quá nhiều những chen lấn xô đẩy, những giẫm đạp lên hoa và cây trang trí, rồi việc đẩy giá trông xe, bán nước giải khát với giá cắt cổ để tranh thủ kiếm tiền nhân đại lễ. Chợt nghĩ, với những người "thức thời" ấy, không biết họ có "hả hê" tổng kết đại lễ theo kiểu đã lãi được bao nhiêu tiền trên sự đau khổ của đồng loại không?


Những người dân bốn phương khi tạm biệt đại lễ 1000 năm Thăng Long Long - Hà Nội trở về, trong họ sẽ còn lại cảm xúc gì mạnh mẽ hơn? Cảm xúc thiêng liêng tràn đầy tự hào mình là con dân đất Việt ngàn năm văn hiến, hay cảm giác thất vọng, bực dọc vì những biểu hiện "thiếu văn hóa"?


http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-10-11-dai-le-nguoi-bo-hoi-tai-nguoi-hut-hang