Đà Lạt đang bị “gặm nhấm” cảnh quan


(Kienthuc.net.vn) - Các khu du lịch nằm rải rác trên 20 địa danh khác nhau và hình thành nên một sự “gặm nhấm” cảnh quan rộng lớn.


Đó là khẳng định của ông Thierry Huau, kiến trúc sư, nhà quy hoạch người Pháp tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Điều chỉnh quy hoạch TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra vào ngày 12/12 tại TP Đà Lạt.


Theo ông Thierry Huau, hiện nay Đà Lạt đang bị xâm lấn bởi các khu du lịch nằm rải rác trên 20 địa danh khác nhau và hình thành nên một sự “gặm nhấm” cảnh quan rộng lớn của Đà Lạt, đã tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên đặc thù của vùng đất này. Đặc biệt, tại các khu du lịch rộng lớn, hoạt động không được xác định cụ thể, cũng như thể loại dự án quy hoạch.


ông Thierry Huau – kiên trúc sư, nhà quy hoạch người Pháp


Để giảm tải cho Đà Lạt, đô thị Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) sẽ được phát triển như một đô thị thứ hai của Đà Lạt cùng các thành phố vệ tinh khác với mục tiêu chia sẻ chức năng đô thị và hạn chế sức ép đô thị lên Đà Lạt như hiện nay.


Nhà qua hoạch người Pháp này cũng đề xuất quy hoạch Đà Lạt phải hình thành một trục văn hóa và các không gian văn hóa - nghệ thuật trong nội ô Đà Lạt và khu vực Đankia theo trục Đông - Tây, tạo nên một “con đường di sản”. Mục đích là để giữ gìn và phát huy không gian văn hóa đặc thù và độc đáo của Đà Lạt, nhất là những công trình kiến trúc cổ, được người Pháp cho xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX.


Về dân số, ông Thierry Huau đề xuất Đà Lạt chỉ nên phát triển dự kiến tối đa là 610.000 dân để hạn chế sức ép cho thành phố.


Cụ thể, ngay từ bây giờ, Đà Lạt nên chuyển hoạt động công nghiệp sang nông nghiệp công nghệ cao; có thể phát triển nông nghiệp ngay tại Trung tâm TP Đà Lạt dưới dạng mới, theo mô hình nông nghiệp đô thị sạch giống như vùng Anjou của Pháp.



Lâm Đồng thuê người Pháp quy hoạch tổng thể Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050




Theo Hội đồng thẩm định dự án quy hoạch chung TP Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mô hình phát triển vùng đô thị Đà Lạt trong tương lai là chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và tuyến xuyên tâm. Liên kết, đan xen các vùng sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp. Trong đó, cấu trúc đô thị Đà Lạt là đô thị di sản, Liên Khương - Phinôm (Đức Trọng) - Thạnh Mỹ (Đơn Dương) là đô thị đối trọng và các đô thị vệ tinh nhằm chia sẻ các chức năng và giảm sức ép cho Đà Lạt.


Khắc Lịch


http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/doi-song/201212/da-Lat-dang-bi-gam-nham-canh-quan-1867524/