(Nguoiduatin.vn) - Những sự cố của MC “hạng hai” được đào tạo theo lối “học mót” khiến gia chủ chỉ biết cười ra nước mắt...


Theo học các lớp đào tạo MC với mong muốn có cơ hội lên hình để mở mày mở mặt với bạn bè, làng xóm nhưng không phải ai cũng có được sự may mắn đó. Việc “ngậm ngùi” dạt về các phòng trà, quán café hay nhà hàng, khách sạn để dẫn chương trình cho hội nghị, tiệc cưới… để chờ cơ hội thể hiện mình là thực tế của nhiều MC “nửa mùa” này


MC “vườn” gây ra nhiều pha dở khóc dở mếu dở. Ảnh minh họa


Ngượng chín người vì “MC phố”


Trong quá trình “hành nghề”, nhiều MC đã gây nên những tình huống dở khóc dở cười khiến gia chủ chỉ thiếu nước chui xuống đất vì ngượng với quan khách. Sử dụng MC theo tiêu chí "cây nhà lá vườn", lựa chọn trong số bạn bè của mình những người bạn có khả năng giao tiếp linh hoạt trước đám đông hay từng tham gia dẫn chương trình cho các hoạt động đoàn hội thường được các bạn trẻ lựa chọn.


Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ thường bỏ qua một điều đó là đặc điểm khách mời của tiệc cưới thường bao gồm cả bạn bè cũng như đồng nghiệp của bố mẹ hai bên nên lối dẫn dắt hay những chiêu pha trò quen thuộc của giới trẻ vẫn vô tư được biểu diễn khiến không ít bậc phụ huynh khó tính quy kết tội "thiếu tôn trọng" người lớn tuổi.


Cặp đôi Thanh Tùng - Ngọc Thảo (Hà Nội) đến giờ vẫn còn bị gia đình phê bình bởi lẽ cậu bạn thân xung phong làm MC trong đám cưới của hai người lại ưa pha trò theo sử dụng những ngôn từ đặc trưng của… kiếm hiệp. Trong khi đôi trẻ tiến hành thủ tục cắt bánh cưới trên sân khấu thì bên cạnh MC liên tục gọi đó là việc "luyện công" để "xuất chưởng" hay liên tục xin khách mời những tràng vỗ tay nồng nhiệt cho "công lực" mở champagne rót rượu của chú rể.


Thậm chí, nhiều MC muốn tạo bản sắc riêng cho đám cưới của bạn bè nên đã sáng tạo ra những trò chơi đáng lẽ chỉ nên diễn ở bãi biển hay những chuyến dã ngoại, thay vì trên sân khấu của tiệc cưới trang trọng. Cặp đôi Thu Minh - Thanh Tùng vẫn còn nhớ cảm giác dở khóc dở cười bởi trò chơi ăn táo… treo mà cậu bạn thân làm MC đạo diễn. Trò chơi này thực sự làm khó cô dâu bởi trong khi cứ phải loay hoay với bộ váy cưới rườm rà lại vừa phải ngửa cổ để ăn quả táo được treo trên sợi dây thả từ trên cao xuống.


Chưa hết, nhiều MC dạng này coi việc “xin một tràng pháo tay” như một câu cửa miệng không thể thiếu. Khách khứa đôi khi phát ngán thốt lên: “Xin gì mà lắm thế!” bởi vừa dẫn dắt nội dung được vài câu, chàng MC đã hồn nhiên: “Xin quý vị một tràng pháo tay mừng đón bố (mẹ) chú rể”, “Và tiếp theo xin quý vị một tràng pháo tay cho ông nội cô dâu phát biểu đôi lời”, “Xin quý vị một tràng pháo tay cho tiết mục văn nghệ vừa rồi”…


Thậm chí, cùng một kịch bản theo lối sáo mòn, hết MC bên khán phòng này vừa diễn xong thì khán phòng bên cạnh MC khác cũng say sưa giới thiệu với nội dung tương tự không sai một chữ chả khác nào đang nhại lại nhau. Quan khách lúc này được phen cười chảy nước mắt bởi màn tấu hài miến phí.


Nát gan với thơ chuối của “MC làng”


Hiện nay, dịch vụ MC cho đám cưới không chỉ phổ biến nơi thành thị mà còn lan về những vùng nông thôn tạo thành một trào lưu "người người MC, nhà nhà MC". Tuy nhiên, các "MC làng" thường học lỏm và sáng tạo tùy hứng nên không ít sự cố “không đỡ nổi” đã xảy ra.


Sự cố dễ gặp nhất là các MC tuôn ra những câu thơ kiểu… củ chuối, làm nát lòng người xem, kiểu như: “Ao muống phải có rau bèo/Vợ chồng giàu nghèo thì phải có nhau”; “Dù ai đi ngược về xuôi/Đã là tiệc cưới không mời cũng đi/Nhậu thì y lít ít ly/Đã là văn nghệ phải chi một bài”. Rồi: “Cô dâu xinh đẹp biết bao/Hôm nay ngày cưới thanh tao hơn nhiều/Chú rể hơn cả Sỹ Điều/Cô dâu phong nhã như Kiều Nguyễn Du”. Hay “Đêm đêm có vợ nằm bên/Như uống rượu nếp có thêm đĩa xào/Phụ nữ giọng nói ngọt ngào/Được chồng ru ngủ thì chẳng khác nào uống tiên”…


Cô dâu Ngọc Linh (Nam Định) chia sẻ: "Bố mình tên là Nguyễn Văn Linh nhưng ở làng mọi người nói ngọng nhiều nên MC hồn nhiên giới thiệu ông Nguyễn Văn Ninh là bố cô dâu khiến ông phải lên sân khấu đính chính còn việc MC tung hứng Công cha như “lúi” Thái Sơn… hay đến màn mời rượu bố mẹ hai bên mà MC cứ thao thao bất tuyệt về tấm nòng của đôi trẻ với đấng sinh thành là chuyện không hiếm của các MC làng mình”.


Nghiêm trọng hơn là việc nhầm lẫn tên cô dâu, chú rể hay bê nguyên kịch bản của đám cưới này để "xướng" trong đám cưới khác hoặc những màn xướng tên bố chú rể ghép với… mẹ cô dâu, thay vì việc giới thiệu tên cô dâu chú rể cũng khiến nhiều đám cưới náo loạn “chữa cháy”. Có trường hợp, bố hoặc mẹ của cô dâu, chú đã mất nhưng MC quên nên vẫn cứ giới thiệu, đến khi xướng tên mới biết mình bị hớ!.


Đặc biệt, ở các vùng quê, các cụ đi đám cưới nếu không cẩn thận rất dễ bị… tăng xông vì mấy ông MC. Ngoài việc “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” bởi lối ăn mặc màu mè như con công, con vẹt thì không ít người phải đau tai vì lỗi dẫn dắt của các MC làng. Họ nói không kịp thở đôi khi nói dai, nói dài thành ra nói dại. Những câu pha trò quá trớn trở nên vô duyên.


Trường hợp gia đình ông Hồ Hải (Bắc Ninh) bị một phen đỏ mặt tía tai vì xấu hổ trong khi cậu MC thao thao bất tuyệt trên sân khấu: “Duyên trăm năm đã đến thì khai hoa nở nhụy, đêm nay đôi trẻ môi chạm môi, cằm chạm cằm và một số thứ nữa chạm nhau…”. Mới chỉ đến đây, bố chú rể đã nổi khùng cắt đứt lời MC bởi lỗi dẫn dắt quá thô thiển, còn ông nội cô dâu thì chỉ còn nước lắc đầu: “Khai hoa nở nhụy người ta chỉ dùng trong trường hợp chỉ thời điểm sinh đẻ của người phụ nữ. Cậu MC bê nguyên vào đám cưới thế này chả khác nào bảo cháu tôi ăn cơm trước kẻng…”


Với những MC nữ thì việc làm trong một môi trường phức tạp, xô bồ, khách tìm đến đủ thành phần từ trí thức đến lao động tự do, lao động chân tay khiến những nữ MC dù không muốn nhưng vẫn phải mềm mỏng sao cho vừa giữ chân khách lại vừa giữ được mình.


Minh Dũng tâm sự: “Những hôm mưa có khi chỉ vài ba khách, nhân viên đi lại nhìn nhau ngao ngán mà mình vẫn cứ phải làm tròn trách nhiệm đứng trên sân khấu và …hát”. Minh Thu là MC quen thuộc của phòng trà P.V (Bách Khoa) đến giờ vẫn chưa quên cảm giác thót tim vì suýt ăn cái tát trời giáng của một ông khách đã ngà ngà hơi men vì tội thu lại micro và làm ông cụt hứng khi mới chỉ biểu diễn được… bốn bài. Rất may, cô né được và lấy lại bình tĩnh rất nhanh để bước lên sân khấu giới thiệu bài hát tiếp theo.


“Bản thân mình vừa chia tay bạn trai bởi mẹ của anh ấy không đồng ý mình, cho rằng mình làm trong môi trường không trong sạch, nay anh nọ, mai anh kia” - MC Minh Thu chia sẻ.


Theo giáo trình báo chí ở Khoa báo chí Đại học Lile (Pháp), những kỹ năng cần có của một MC gồm sáu điểm cơ bản: Đài tử – tiếng nói, âm vực sân khấu phải tròn, rõ, vang, chính xác; Nghệ thuật diễn cảm - biết diễn đạt cảm xúc theo vấn đề, có năng khiếu đạo diễn; Phong cách sân khấu - duyên dáng, thanh lịch, có cá tính riêng biệt; Nghệ thuật biên soạn lời dẫn - có kiến thức sâu rộng; Có khả năng của nhà biên kịch; Phương pháp phối hợp - kết hợp một cách thống nhất để tạo thành một sự nhất quán trước sau, có mở - đóng…


Tuệ Linh


http://www.nguoiduatin.vn/cuoi-ra-nuoc-mat-vi-mc-nua-mua-pha-tro-a49453.html