SIM điện thoại tới 250 USD, một công dân hạng trung sẽ phải làm việc hơn 100 năm mới có thể mua được nhà ở cố đô Yangon, thuế suất đánh lên ôtô mới có thể trên 200%.


>Báo chí tư nhân tái xuất ở Myanmar


>Viettel 'đấu' với tỷ phú George Soros tại Myanmar


Quá trình cải tổ ở Myanmar đã mở ra cơ hội lớn không chỉ cho họ mà còn nhiều quốc gia khác. Cơn lốc đầu tư đang tràn vào Yangon - thành phố lớn nhất tại đây. Tuy vậy, giá cả trên trời tại Myanmar cũng khiến nhiều người cảm thấy e ngại.


Anh Joseph, một lái xe taxi, vừa mua chiếc điện thoại di động giá 50 USD và một SIM card từ hãng viễn thông của Chính phủ. Chiếc SIM này có giá tới 250 USD, bằng với phí thuê bao tháng ở Hong Kong (Trung Quốc).


Tại quốc gia có thu nhập bình quân năm chỉ 1.100 USD như Myanmar, số tiền này là cả một gia tài. Tổng thống Myanmar Thein Sein đã cam kết sẽ đưa giá SIM card xuống chỉ còn 20 USD.


Ôtô là mặt hàng rất đắt đỏ ở Myanmar với thuế lên tới trên 200%. Ảnh: SCMP


Tuy nhiên, so với 4 năm trước, dịch vụ di động đã vừa túi tiền hơn rất nhiều. SIM card ở Myanmar từng có giá tới 4.000 USD. Vì thế, chỉ những người rất giàu mới có tiền dùng điện thoại.


Thẻ SIM không phải thứ duy nhất ở Myanmar có giá trên trời. Các nhà đầu tư cũng than phiền giá bất động sản ở đây đang tăng quá nhanh. Thị trường địa ốc Myanmar phình lên không chỉ vì nhu cầu trong nước, dòng tiền nóng từ Trung Quốc mà còn vì các nhà đầu cơ Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Singapore.


Giá bất động sản tại Yangon cao đến nỗi một công dân hạng trung sẽ phải làm việc hơn 100 năm mới có thể mua được nhà ở cố đô. Bất động sản ở đây chỉ dành cho hai đối tượng. Đó là tầng lớp thượng lưu trong nước, chủ yếu nhờ khai mỏ, và các nhà đầu tư ngoại.


Ivan Pun, giám đốc cấp cao tại công ty bất động sản Yoma Strategic Holdings (Myanmar) cho biết: "Chẳng qua là do ngân hàng có quá ít công cụ đầu tư. Thế nên người giàu chỉ còn biết đổ tiền vào bất động sản và ôtô thôi".


Giá văn phòng cho thuê cao cấp ở Yangon có thể tương đương các thành phố lớn như Paris (Pháp) hay Manhattan (Mỹ) với giá hơn 97 USD một m2 mỗi tháng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp còn phải thuê nhà ở để cải tiến thành văn phòng.


Ma Chaw Su, một nhân viên môi giới bất động sản ở Yangon cho biết, giá đất ở đây đã tăng gấp 20 lần so với trước. Một mảnh đất diện tích 12m x 18m tại khu công nghiệp Dagon, ngoại ô Yangon có giá từ 20 triệu - 50 triệu kyat (57.800 USD). Ba năm trước, giá này chỉ là gần 1 triệu kyat. Những lô đất gần đường lớn thì có thể lên tới 100 triệu kyat.


Làn sóng đầu tư từ nước ngoài cũng khiến nhu cầu khách sạn tăng vọt. Yangon có khoảng 8.000 phòng khách sạn, trong đó có 2.000 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một phòng tại khách sạn 5 sao Parkroyal Hotel có giá 260 USD, gấp nhiều lần 75 USD năm 2011 và 35 USD năm 2007. Maung Maung Swe, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Myanmar cho biết: "Tỷ lệ thuê phòng tại Yangon đã đạt gần 100%. Một số nơi còn tính tiền cả đêm nếu khách thuê phòng muộn".


Khách du lịch đến Myanmar cũng tăng vọt trong năm ngoái với hơn 1 triệu người. Hai tháng đầu năm, lượng khách đến đây cũng lên 45% so với cùng kỳ, Maung Maung Swe cho biết: "Khoảng 1.500 phòng khách sạn mới sẽ được hoàn thành cuối năm nay, nhưng chúng tôi vẫn còn thiếu tới 2.500 phòng trong năm 2014".


Giá ôtô ở Myanmar cũng khiến nhiều người giật mình. Gần như mọi phương tiện tại đây, kể cả taxi và xe bus, đều là hàng cũ từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Xe mới rất hiếm, do các loại thuế lên tới 165% giá trị một chiếc ôtô dưới 1.300cc. Với các loại xe dung tích lớn hơn, thuế còn lên trên 200%.


Vì thế, xe cũ ở đây rất được người dân ưa chuộng, dù giá có cao gấp vài lần các nước phát triển. Số lượng showroom ôtô cũ ở Yangon đã mọc lên như nấm kể từ khi mở cửa. Nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu từ 300% trước đây và nguồn cung xe cũ tăng lên, giá ôtô đã giảm mạnh. Dù vậy, một chiếc Nissan X-Trail SUV 11 tuổi vẫn được bán ở mức tương đối là 250.000 USD.


Thùy Linh (theo SCMP)


http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/quoc-te/2013/04/cuoc-song-dat-do-o-mien-dat-hua-myanmar/