Cục cưng


PNCN - Cậu con trai năm tuổi của tôi được bạn hàng xóm mời dự tiệc sinh nhật tại gia. Mẹ của cậu bạn ấy thân thiết với tôi bấy lâu, nên đã thuyết phục tôi cho con đến buổi tiệc một mình.



Lần đầu để con… xa rời vòng tay mẹ, trừ những lúc đến trường, nên tôi khá lo lắng. Tự trấn an mình nhiều lần, nhưng suốt hai giờ đồng hồ, tôi cứ nhấp nhỏm gọi điện cho chị bạn, hỏi con có ăn uống được không, đi đứng thế nào rồi. Chồng tôi can ngăn vì ngại tôi làm phiền chủ nhà đang bận tiếp các khách nhí. Tôi đến đón con sớm nhất, thấy bụng cu cậu lép kẹp mà xót. Chị bạn thiệt tình: “Bé chỉ ăn một miếng gà rán. Mấy món còn lại thì bé nói không biết ăn”. Tôi nhìn khắp lượt, lấy làm lạ khi thấy toàn món khoái khẩu của cu cậu như xúp, mì xào, rau câu...


“Điều tra” con, tôi mới hiểu cớ sự: xúp hơi nóng, không ai thổi nguội; mì thì cọng nào cọng nấy dài ngoằng; rau câu thì “con ghim hoài không được, cứ rớt lên rớt xuống”. Vừa ăn bánh kem vừa tham gia trò chơi, không ai đốc thúc nên con chỉ kịp ăn vài muỗng rồi ham vui, quên béng. Chồng tôi lắc đầu ngao ngán: “Ở nhà cái gì cũng có mẹ chuẩn bị sẵn, nên ra đường là coi như nhịn, chịu đói chứ có biết cách ăn đâu”. Thấy tôi im lặng, chồng tôi bồi thêm: “Cứ cái đà này, đến lúc con vào lớp 1 học bán trú thì làm sao tự lo?”.


Không lâu sau đó, nhân dịp nghỉ lễ, tôi cho con theo bà ngoại về quê chơi, trong khi vợ chồng tôi vì công việc, không thể về. Ngày đầu êm ả trôi qua, đến ngày thứ hai thì có chuyện. Con hung hăng giành giật đồ chơi với người anh bạn dì; người lớn dạy bảo điều hay lẽ phải thì con gườm liếc, bực dọc; có chuyện gì không vừa ý là khóc la đến khản cổ và hành xác bằng đủ mọi cách. Thậm chí, con còn đánh lại bà ngoại khi bị bà khẻ vào mông... Vợ chồng tôi hoảng vía, về quê đón con lên ngay. Trên đường, tôi cứ liên tục thắc mắc sao con ngoan ngoãn, hiền lành là thế, mà ra khỏi nhà lại có khuynh hướng bạo lực? Thường ngày con đi học về, tôi lo cho con ăn uống, rồi cùng chơi với con. Cuối tuần đi nhà sách hay siêu thị để con lựa chọn truyện tranh và đồ chơi. Hai mẹ con “hợp tác” vui vẻ, hiếm khi nào gây cãi lôi thôi. Chồng tôi bận rộn hơn, nên thỉnh thoảng mới góp mặt vào “cuộc vui” của hai mẹ con.


Ai từng gọt vỏ, tách hạt, cắt nhỏ trái cây, để sẵn ra đĩa rồi đút đứa con đã học lớp lá ăn, mới hiểu thấu nỗi lòng người mẹ, khi một ngày nọ nhận ra con mình lơ ngơ giữa đám bạn đang dễ dàng bóc vỏ một quả quýt...


Nghe chuyện, chồng tôi nhỏ nhẹ phân tích: “Mẹ cưng chiều con quá, con đòi hỏi gì mẹ cũng đáp ứng, thậm chí trên mức yêu cầu, nên giờ hễ trái ý là con hành xử ngang ngược. Bấy lâu không phải con ngoan ngoãn, hiền lành mà là con không có gì phải phàn nàn, dở chứng. Hình như con vẫn chưa được dạy là phải vâng lời người lớn...”.


Từ sau ngày con... hiện nguyên hình, tôi thường thống nhất và phối hợp với chồng khi nuôi dạy con. Chồng tôi sắp xếp thời gian để ở nhà nhiều hơn, để cùng tôi đưa con ra khỏi cái vỏ quá dày mà tôi đã phủ bọc con bấy lâu. Thay đổi một số thói quen sinh hoạt để con dần hình thành tính cách, biết kiềm chế cảm xúc và không đòi hỏi quá đáng. Được cha động viên và khéo léo khích tướng, cu cậu đã tự xúc cơm ăn như khi ở trường, tự làm vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp sau khi chơi...


Nói nghe ngắn gọn thế, nhưng thực hiện là cả một quá trình. Ai từng gọt vỏ, tách hạt, cắt nhỏ trái cây, để sẵn ra đĩa rồi đút đứa con đã học lớp lá ăn, mới hiểu thấu nỗi lòng người mẹ, khi một ngày nọ nhận ra con mình lơ ngơ giữa đám bạn đang dễ dàng bóc vỏ một quả quýt... Từng chút một, chúng tôi tập đi theo con, cam go hơn cả những bước đi đầu đời, vì để xóa hẳn những dấu chân lệch hướng, không dễ chút nào!


Mẹ ỐC


http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/gia-dinh-yeu-dau/cuc-cung/a80439.html