Công lý và đạo lý cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt NamQĐND - Trong lịch sử nhân loại, chưa từng có cuộc chiến tranh hóa học nào có thể so sánh về quy mô và thời gian với cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ đã thực hiện ở Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam (Vietnam war -theo cách nói của người Mỹ) đã để lại một “thảm họa da cam”, để lại những di họa lâu dài cho nhiều thế hệ người Việt Nam.


Chất độc da cam/đi-ô-xin gây hậu quả nặng nề và ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ người và môi trường sinh thái ở Việt Nam. Sự thật đã được phơi bày, không thể bác bỏ. Thế nhưng, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam (VAVA) và một số nguyên đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, thì Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu tòa án bác bỏ đơn kiện. Họ viện dẫn điều luật “Quyền miễn trừ” của Hiến pháp Mỹ để không quy trách nhiệm về những hậu quả mà các nhà thầu (các công ty hóa chất Mỹ) có ký kết với chính phủ trong chiến tranh. Vì thế, tòa án Mỹ đã cố tình bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm và tối cao. Đến nay, chính phủ và các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ vẫn quyết không thừa nhận trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam. Họ biện bạch rằng: “Chất da cam, cũng như các chất xanh lá cây, tím, hồng, xanh da trời và trắng không phải là chất độc”; rằng “không có bằng chứng khoa học về tác hại của chất da cam đối với sức khỏe con người”. Thực chất, đó là sự phủi bỏ trách nhiệm về những hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam.Ngay từ những năm 60 của thế kỷ 20, các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và khẳng định chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra ung thư đối với con người. Nhà toán học lừng danh Béc-xtran Rút-xen (Bertrand Russell) cũng từng tố cáo quân đội Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam qua việc sử dụng hóa chất có khả năng gây ra ung thư. Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) phân loại đi-ô-xin là chất độc hại nhất trong các hóa chất, khuyến nghị Chính phủ Mỹ không được sử dụng vào cuộc chiến tranh Việt Nam.


Nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành công trình nghiên cứu với 13.000 cựu binh Mỹ ở Ca-li-phoóc-ni-a và kết luận, các binh lính Mỹ tiếp cận với loại chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh ở Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến cao gấp 2 lần. Thượng viện Mỹ cũng xác nhận các cựu binh tham gia chiến tranh Việt Nam và thân nhân của họ mắc nhiều căn bệnh hiểm nghèo do phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Câu chuyện về gia đình Đô đốc Hải quân Mỹ En-mô Dum-oăn (Elmo Zumwalt) là một điển hình. Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, En-mô Dum-oăn là sĩ quan cấp úy và là một trong những người ra lệnh phun rải chất độc da cam/đi-ô-xin. Sau cuộc chiến, En-mô Dum-oăn luôn phải sống trong đau khổ, dằn vặt về những gì mình đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Trớ trêu thay, hệ lụy của việc ông bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là con trai En-mô Dum-oăn III của ông mắc phải bệnh ung thư quái ác và mất năm 1988. Tiếp đến, cháu nội ông là En-mô Dum-oăn IV cũng bị ung thư và dị dạng não. Dòng họ Dum-oăn danh giá ở nước Mỹ đã bị tàn lụi dần vì chính chất độc da cam/đi-ô-xin do quân đội Mỹ rải ở Việt Nam. Hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin còn tác động khủng khiếp đến các cựu binh những nước đồng minh của Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam trước đây, cùng thân nhân của họ.


Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận, chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ đã phải bỏ ra hàng tỷ USD để chữa bệnh và đền bù cho các cựu binh và thân nhân của họ bị các căn bệnh liên quan đến chất độc da cam/đi-ô-xin. Vậy, các cựu binh Mỹ và thân nhân của họ bị ảnh hưởng thì đương nhiên những người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin càng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Đó là bằng chứng, sự thật không thể chối bỏ.


55 năm sau thảm họa da cam ở Việt Nam, tuy Mỹ đã từng bước tham gia khắc phục hậu quả, song đến nay về mặt pháp lý vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm gây ra hậu quả đó. Sự thật đã lên tiếng. Công lý phải được tôn trọng. Những người có lương tri trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, đã và đang tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh để đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam. Mỗi chúng ta hãy hành động vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Đến với họ để sẻ chia nỗi đau khổ tột cùng của con người, bởi họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Cho dù còn phải trải qua nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng nhất định cuối cùng công lý và đạo lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam sẽ chiến thắng.


Đại tá, ThS NGUYỄN ĐỨC THẮNG


http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-ly-va-dao-ly-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam-di-o-xin-viet-nam-485046