Con gái nhìn thèm thuồng vào cái miệng ăn ngon lành và hộp sữa chua dâu 12.000/ hộp trên tay bạn hàng xóm, ứa nước miếng. Con nhìn ngẩn ra, rồi lại đi loanh quanh bạn, miệng nói “sữa chua”,”sữa chua”. Gọi con về mà mẹ ứa nước mắt. Đã lâu rồi, con không được ăn món mà con yêu thích đó nữa.



Con gái rất lười ăn cháo, cơm nhưng lại cực khoái váng sữa, sữa chua, hoa quả. Cứ nhìn thấy mấy món đó là mắt con sáng rực, chạy ngay tới, chén lia lịa. Từ trước đến giờ, dù thiếu thốn thế nào, con vẫn được ăn loại sữa chua, váng sữa vốn đắt đỏ so với túi tiền của bố mẹ.



Thế mà bây giờ, khủng hoảng kinh tế, bão giá tràn vào tủ lạnh, len tới cả “ngăn của con”. Không váng sữa. Sữa chua 5000/ hộp thay thế cho 12.000/ hộp. Sữa hộp của con cũng chuyển từ loại 500 nghìn xuống loại rẻ nhất.



Tự an ủi rằng, dù rẻ tiền hơn không có nghĩa là không tốt, rằng nhiều nhà còn khó khăn hơn chẳng có tiền mua sữa cho con, thì lắm khi mẹ vẫn xót lòng, nhất là những khi con ngước nhìn ai đó với ánh mắt thèm thuồng.



Mấy tháng nay, bố không cầm tiền về nhà. Công ty xây dựng của bố gặp khó khăn. Nhiều đêm, bố ra đứng trước cửa, hút thuốc hoài. Bố ít cười nói, ít chơi với con hơn. Mẹ hiểu, bố đã quá căng thẳng chuyện tiền nong, nên tự mình xoay xở, không dám hỏi han bố lại thêm buồn.



Những lúc khó khăn, càng thấm thía cảm giác, là cha mẹ chỉ muốn con mình được hưởng những điều tốt nhất (Ảnh minh họa)



Vậy mà hôm trước, bố về nhà, hét tên con giọng đầy vui sướng, bế con ra nhìn một chiếc xe đạp hồng mới toanh. Nhìn hai bố con cười toe toét với nhau, hồ hởi tập xe mới, cơn giận dữ ập tới, mẹ lặng người đi, không nói được câu nào.



“Anh nghĩ sao mà mua xe cho con lúc này? Thừa tiền hay sao? Thừa tiền thì đưa cho em. Mấy tháng nay em khổ sở xoay xở thế nào anh biết không? Tiền nhà, tiền học của con, tiền ăn, tiền điện… Mua hộp sữa cho con cũng đưa lên, đặt xuống. Đi chợ thì đi qua, đi lại tính xem mua gì cho rẻ. Căng thẳng đau cả dạ dày. Vậy mà…”. Buổi tối, khi con đã yên ngủ, cơn giận dữ của mẹ bùng lên.



Bố lặng im nghe mẹ nói rồi lẳng lặng đưa một tập tiền nhỏ: “Hôm trước, anh nhìn thấy con nhìn chằm chằm vào chiếc xe đạp của cái My. Con xin cái My đi thử nhưng cái My không cho. Con cứ quanh quẩn làm cái My không đi được, cái My đẩy con ngã xuống đường. Nhìn con anh thương quá”. Nói xong, bố khóc. Từ hồi lấy nhau, có bao giờ mẹ thấy bố khóc đâu.



Lẽ ra đưa hết tháng lương ít ỏi về cho mẹ, bố lại nhớ ánh mắt thèm thuồng của con, nghĩ đến cặp mắt sáng lên vui mừng của con, tới cửa hàng rinh chiếc xe… về.



Ánh mắt thèm thuồng của con ám ảnh bố mẹ là thế, nhưng chỉ mấy hôm sau, chiếc xe hồng đã bị con vứt một xó, hỏi “có đi xe đạp không”, con bảo “không”mà không thèm liếc mắt một cái. Bố mẹ nhìn nhau.



Những lúc khó khăn, càng thấm thía cảm giác, là cha mẹ chỉ muốn con mình được hưởng những điều tốt nhất, từ những thứ bé xíu như một hộp sữa chua ngon ngọt hay một chiếc bỉm mịn màng dịu êm… Lắm khi nhìn thấy con thèm muốn cái gì đó, bố mẹ xót lòng, tự trách mình mà quên mất rằng, trẻ con “cả thèm chóng chán”, sự “khao khát” của con sẽ trôi đi nhanh khi một niềm vui khác tới.



Lại có những thứ lúc nào con cũng thèm, chả bao giờ chán, mà chẳng mất tiền mua. Là khi bố làm ngựa con dong dong khắp nhà, là khi mẹ dắt tay con đi dạo một vòng quanh xóm… Những lúc ấy, mắt con cũng sáng, miệng con cũng cười toe toét, giọng con thì reo vang: "Bố ơi, chơi nữa.” “Mẹ ơi, đi tiếp!”...


Nguồn: http://tintuconline.com.vn/vn/********/20120821151028625/con-them-mieng-ngon-nha-hang-xom-bo-me-nhoi-long.html