(Tin tức thời sự) - Đó là vấn đề được nhiều vị ĐBQH đề nghị khi góp ý vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) diễn ra vào chiều ngày 25/6.


Cho ý kiến vào quy định thừa kế, về vấn đề quyền thừa kế, ĐBQH Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị, cần bổ sung thêm đối tượng con dâu, con rể nếu chăm sóc, đóng góp cho gia đình thì là đối tượng được thừa kế di sản.


Bà Duyền nói: “Vì thực tế chúng ta đang xây dựng gia đình hiện đại, hiện đại nhưng có tiếp nối của truyền thống. Có nhiều trường hợp người con đẻ con chăm sóc bố mẹ chưa chắc bằng con rể, con dâu. Đây là vấn đề Ban soạn thảo cần suy nghĩ, xem xét để quy định”.


Cháu ruột có được hưởng di sản thừa kế của dì?


ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đồng tình với ý kiến này và đề nghị xem xét, bổ sung các quy định đảm bảo quyền lợi của con dâu, con rể trong việc thừa kế.


Theo vị ĐB là Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam này, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chưa đề cập đến đối tượng trong quan hệ gia đình đó là con dâu và con rể. Có rất nhiều trường hợp con dâu, con rể sống chung với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ trong thời gian dài đã có nhiều đóng góp và công sức vun đắp, chăm sóc gia đình chồng, vợ và đóng góp vào khối tài sản chung.


Bà Hoà phân tích: “Sự đóng góp này không tính được bằng vật chất và ngược lại tài sản giá trị nhất của gia đình thường là bất động sản lại đứng tên bố mẹ chồng, vợ; khi bố mẹ vợ, chồng mất đi để lại di chúc thì những người kia không được thừa kế”.



ĐB Khúc Thị Duyền phát biểu tại hội trường, ngày 25/6



“Thực tế cho thấy không ít chị em cuộc sống hôn nhân không thuận lợi khi buộc phải ly hôn họ phải ra đi tay trắng vì tài sản có giá trị là nhà, đất đứng tên bố mẹ chồng dù trước đó có công sức chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng trong thời gian dài”, bà Hoà tỏ quan ngại.


Trong khi đó, nhiều ông chồng mặc nhiên coi việc chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ mình là nghĩa vụ của vợ chứ không phải của mình. Về phương diện pháp lý, Luật hôn nhân gia đình đã quy định rất rõ, pháp luật đã công nhận mối quan hệ con dâu, con rể sống chung với bố mẹ vợ/chồng như là mối quan hệ giữa cha mẹ và con thông thường.


Do đó, bà Hòa cho rằng bổ sung quy định như vậy sẽ đảm bảo bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình.


Trong khi đó, theo Ðiều 676 về "Người thừa kế theo pháp luật" của Bộ Luật Dân sự thì:


1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:


a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;


b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;


c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.


2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.


3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.


Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/con-dau-con-re-cung-phai-duoc-huong-quyen-thua-ke-3274325/