Cơm cháy


PNO - Ba ôm cái nồi cơm điện ngồi hí hoáy sửa trước nhà. Cái nồi cơm chẳng biết hư cái gì, nhưng mấy hôm nay nấu cơm bữa nào cũng bị cháy. Má tiếc tiền chưa muốn mua cái mới vì nghĩ vẫn còn xài được, thế là ba ra tay.


Má than ngày xưa nấu cơm có khi nào không cháy, vậy mà bây giờ nồi cơm mới cháy tí xíu, đã thấy đứa này đứa nọ chê bai, thiệt hết biết. Nhỏ Út nghe má than liền cự nự: “Con chê cơm cháy hồi nào đâu”. Nghe má với nhỏ Út nhắc cơm cháy, không dưng thấy nhớ cái nồi cơm ngày xưa quá đổi. Hồi này quê tôi mới có bếp điện, bếp ga, chứ hồi xưa toàn nấu bếp củi. Nấu bếp củi nên cơm bị cháy là chuyện thường.


Má dặn nấu cơm bếp củi rất dễ cháy, nên phải ngồi canh cẩn thận, hễ cơm sôi thì ra bớt lửa, nếu cơm cạn thì chỉ để than bên dưới cho cơm chín, than cũng không được để nhiều, nếu không là cháy ngay. Có nhiêu đó thôi mà bận nào tôi với nhỏ Út cũng để nồi cơm bị cháy. Nhỏ Út bảo cơm cháy ngon mà Hai. Tôi cười tươi rói, tự dưng thấy thương nhỏ Út đáo để. Nghĩ ít ra nấu cơm cháy, cũng có nó ăn phụ. Cơm cháy nằm tận dưới nồi nên mỗi bữa cơm, ăn hết cơm ở trên mới đến phần cơm cháy, vậy mà cứ ngồi vào mâm là nhỏ Út cứ đòi má múc cho miếng cơm cháy. Má cười rồi bảo, nấu cơm bị cháy nên giờ lo ăn cho hết phải không Út?


Cơm cháy bếp củi vừa thơm lại vừa giòn, ăn lúc nóng thì ngon đáo để. Tôi còn nhớ như in những bữa cơm cả gia đình chia nhau miếng cơm cháy vào cuối bữa, má bảo “ăn cả bỏ uổng lắm nghe”. Nhỏ Út cầm miếng cơm cháy vàng rộm rời khỏi bàn ăn, vừa ăn vừa chạy xuống đường hòa vào đám trẻ đang bày trò chơi trong buổi chiều nhập nhoạng tối. Những buổi chiều, buồn buồn chẳng có gì để ăn, tôi với nhỏ Út thường mang nồi cơm ra vét cơm cháy. Cái nồi cơm cháy ấy má định mang ra ngâm nước nhưng lúc nào tôi cũng giành lại. Những miếng cơm cháy vàng dưới đáy nồi được tôi với nhỏ Út hí hoáy dùng muỗng cạy ra cho bằng được rồi chia nhau. Má nhìn chúng tôi hăm hở cạo nồi mà bảo: “Coi chừng mấy cô làm lủng nồi của tui đó nghe”. Hồi ấy cuộc sống còn khó khăn, buổi chiều có miếng cơm cháy lót dạ được coi là sang lắm.


Những hôm tôi nấu cơm tiến bộ, nghĩa là không bị cháy, trong khi má khen tôi tay nghề dạo này cao thì nhỏ Út miệng méo xệch chìa cái chén về phía má đòi cơm cháy. Má cười, chị Hai bữa nay nấu ăn giỏi rồi, không có cơm cháy đâu. Tôi vui đến phổng mũi. Năm đó tôi vào lớp một.


Mỗi lần cậu Ba ghé nhà là chúng tôi được một bữa cơm cháy no nê. Cậu Ba rất ghiền ăn cơm cháy, nên hễ má nấu cơm, cậu cứ mon men lại gần đốt lửa, má la: “Thổi lửa gì lớn vậy cậu, cơm cháy hết lấy gì ăn”, cậu Ba cười hì hì: “Cơm cháy mới ngon”. Má bảo, bà ngoại kể lại hồi sinh cậu Ba, bà ngoại ốm nghén cứ đòi ăn cơm cháy, nên khi cậu Ba lớn, cũng ghiền ăn cơm cháy.


Cậu Ba có sáng kiến rất hay, được nhỏ Út hưởng ứng nhiệt tình, đó là sau khi cơm chín và đảm bảo phần cơm dưới nồi đã được cháy vàng, cậu liền khơi trong bếp ra một đám than hồng, sau đó lật ngược cái nồi lại, thế là cơm không chỉ cháy ở phần dưới nồi, mà ngay cả phần bên trên cũng cháy. Mỗi lần má thấy cậu Ba với nhỏ Út quậy tưng cái bếp của mình, chỉ cười lắc đầu, chịu thua cậu Ba luôn.


Sau này nấu cơm điện, chúng tôi chẳng còn cơ hội chia nhau miếng cơm cháy vàng vào cuối bữa cơm. Lâu lâu muốn ăn cơm cháy, nhỏ Út lại lén má bật đi bật lại cái nồi cơm điện, thế là có cơm cháy để ăn. Nhưng, miếng cơm cháy nấu bằng nồi điện màu vàng nhợt nhạt, lại chẳng giòn tan như cơm bếp củi ngày nào, nhìn đã chẳng muốn ăn. Nhỏ Út phân bua: “Thì ăn cho đỡ thèm mà”.


Dạo này cơm cháy đã xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng, chế biến cầu kỳ nên được nhiều người ưa chuộng. Nhưng với tôi, cái vị cơm cháy ngày trước vẫn in đậm trong ký ức không thể nào phai.


NGỌC HÀ


http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/gia-dinh-yeu-dau/com-chay/a84225.html