Trong suốt ba năm, kể từ khi đứa con út của mình bước chân vào giảng đường, cũng là lúc bà Vân (ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nhhệ An) bắt đầu những ngày khất thực.


"Đồ nghề" của bà không phải là bộ quần áo rách rưới, tay bị tay gậy như những người ăn xin khác mà là tờ giấy báo nhập học của con, lá đơn trình bày hoàn cảnh gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương và hơn tất cả là tấm lòng người mẹ.



Trái tim người mẹ


Chuyện ăn xin của bà Vân lạ lắm. Bà không lang thang, vạ vật ở những chỗ đông đúc, chìa tay van nài sự bố thí của thiên hạ mà bà tìm đến các cơ quan, công sở, chìa ra cho họ giấy báo nhập học của con và lá đơn có ghi “gia đình Bà Vân khó khăn nhất xã, chống mất, đang phải nuôi 3 đứa con ăn học….”Ba năm đứa con trai út Nguyễn Bá Phương miệt mài ở giảng đường cũng là ba năm bà đi suốt từ Nghệ An cho tới Hà Nội, lên tận Thái Nguyên, rồi lại về Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa.


Cứ mờ sáng bà lại theo xe đến một địa phương nào đó, rồi chiều tối lại trở về ngôi nhà nhỏ của mình, ở đó còn có cậu con trai thứ Nguyễn Bá Cường, năm nay đã tuổi 30 nhưng vẫn còn mang thân hình của một đứa trẻ, đôi chân teo tóp, cụt lũn, suốt ngày chỉ nằm một chỗ và chờ mẹ về cho ăn, tắm rửa.


Nếu gói gọn lại, cuộc đời của Bà Vân là những chuỗi dài nước mắt, đi bộ đội từ năm 1963 khi đang học lớp 10. Năm 1965, bà tham gia vào đơn vị thông tin điện đài, trong một trận đánh, căn hầm nơi bà đang làm nhiệm vụ bị đánh bom, thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng mắt phải của bà mãi mãi không còn thấy ánh sáng khi bị một mảnh bom găm vào.


Bà được chuyển về tuyến sau an dưỡng, rồi được cử đi học trường Trung cấp Kỹ thuật Thanh Hóa, sau về công tác tại nhà máy xi măng Bỉm Sơn.


Ít lâu sau, bà nên duyên với anh Nguyễn Bá Lược, một người tàn tật ở cùng làng. Lấy chồng, nhưng bà nào được hưởng trọn hạnh phúc của một người vợ. Mới quen hơi nhau, bà đã phải trở lại đơn vị công tác. Chồng bà, vì mặc cảm cho đôi chân tật nguyền của mình mà cũng chưa một lần tìm đến cơ quan thăm vợ.


Cũng chính vì thế mà khi bà sinh đứa con đầu Nguyễn Bá Hùng, trong công ty đã rộ lên tin đồn “bà Vân Chửa hoang”. Biết vậy nhưng bà vẫn lẳng lặng mà không một lời thanh minh, giải thích.


Đứa con thứ hai Nguyễn Bá Cường được sinh ra trông rất kháu khỉnh khiến bà Vân mừng rỡ. Nhưng niềm hạnh phúc đó không kéo dài được lâu, khi bế con từ nhà trẻ của cơ quan về, bà phát hiện hai đầu gối của đứa con trai bị phù lên, sau đó càng ngày lại càng teo lại, rồi cụt lủn. Biết tin, Chồng bà chỉ còn biết than thở với vợ “tại tôi tật nguyền nên mới sinh ra con như thế”.


Không tin vào câu nói của chồng, bà Vân vẫn quyết định sinh thêm đứa nữa, nhưng người con gái thứ hai của ông bà lại có số phận bi đát hơn, khi bị teo cơ từ trong bào thai và chết trước khi được là một hài nhi bé.


Phải rất lâu sau, năm 50 tuổi, bà lại quyết định “liều” sinh thêm đứa nữa, với hi vọng, trời thương mà tha cho đứa con này được lành lặn, nhưng hi vọng đó của bà đã bị dập tắt ngay khi đứa con tiếp theo chào đời cũng mang một tấm thân còm cõi, gầy yếu.


Nhìn thấy những đứa con của mình sinh ra đều ốm đau, bệnh tật, nỗi mặc cảm trong lòng ông Lược lại dâng lên, ông đâm ra suy nghĩ nhiều và sau 8 tháng đau ốm ông ra đi trong tức tưởi.


Còm cõi một mình trong ngôi nhà xiêu vẹo, cuộc đời bà Vân thật giống như thân phận chị Dậu trong tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố.


Số tiền dành dụm suốt mấy năm làm lụng của hai vợ chồng đã đi theo những ngày đau ốm của ông Lượng, của cải trong nhà cũng vì thế mà phải bán đi, thậm chí, sau ngày chồng qua đời, bà Vân còn phải bán cả đàn chó chưa mở mắt của mình để lấy tiền nuôi con sống qua ngày.


Đến bây giờ, bà Vân đã tìm ra được căn cớ cho những khiếm khuyết trên cơ thể của các con mình, đó không phải là do di truyền từ người chồng tàn tật, mà đó là ảnh hưởng chất độc da cam từ bà trong những ngày tại ngũ.


Hành trình "khất thực"


Cậu con út Nguyễn Bá Phương sau ba năm học ở trường Kỹ thuật Việt Xô Sông Đà đã tốt nghiệp và trở về công tác tại địa phương, nhưng câu chuyện về những ngày gian khó ấy vẫn hằn in trong trí nhớ của cậu.


Có giấy báo đỗ đại học, nhưng Phương biết rõ hoàn cảnh gia đình mình và kiên quyết ở nhà cùng mẹ làm ruộng, chăm lo cho anh. Thương con, cám cảnh phận mình nghèo khó, Bà Vân chỉ còn biết ôm con vào lòng khóc rưng rức, rồi nói “học đại học 5 năm mẹ không thể nuôi con được, thôi con cứ đi học lấy một nghề, vài ba năm gì đấy, mẹ có một gói vàng để dành đã lâu, nay sẽ bán cho con lấy tiền ăn học”.


Nghe mẹ nói vậy, Phương cứ đinh ninh mẹ có một gói vàng thật, thế là cậu an tâm, vào trường nhập học.


Phương đâu biết được rằng, ngoài khoản tiền nhập học đầu năm được ông bí thư chi bộ tốt bụng cho vay và hội từ thiện công giáo ở xã Quỳnh Thanh giúp đỡ, còn lại Bà Vân đành phải đi khất thực, để mỗi tháng lại dành dụm gửi ra cho đứa con của mình ăn học.


Sáng đi, chiều về, lặn lội như thế trong suốt ba năm, nhưng trong làng, trong xã không ai biết công việc mà bà đang làm, bà nói “không sợ dân làng biết thì họ coi thường, mà tôi chỉ sợ con cái nó biết thì nó tủi thân”.


Ba năm khất thực, bà cũng đã từng trải qua biết bao đắng cay tủi nhục, nhưng hơn hết, bà cũng đã gặp không ít “tấm lòng vàng” của những người không quen biết.


Bà kể lại, có cơ quan khi nghe bà trình bày hoàn cảnh của mình đã cho bà 1 triệu đồng, hay một người ở Nam Định tình cờ gặp và nghe câu chuyện về bà đã đưa bà về nhà mình, cho ăn uống tắm rửa, rồi gửi cho bà 2 triệu để lo cho con ăn học và nuôi con tật nguyền. Không những thế, có người xa lạ cứ đều đặn mỗi tháng lại gửi về cho bà 500.000.


Đó chỉ là những câu chuyện nghĩa tình trong muôn vàn câu chuyện mà bà Vân đã gặp trong hành trình khất thực của mình. Ngày anh Phương tốt nghiệp, cũng là ngày bà kết thúc hành trình khất thực của mình.


"Đời tôi nếu không có được sự đùm bọc của lối xóm bà con, của những tấm lòng từ thiện, không biết sẽ đi về đâu”, bà Vân cảm động nói.


Biết được hoàn cảnh thương tâm của bà, nhiều tổ chức cá nhân đã hỗ trợ bà tiền xây nhà (mặc dù để xây được nó, bà phải vay mượn ở khắp nơi, đến nay vẫn chưa trả hết)


Nhưng cảnh đời cơ cực của bà Vân bây giờ nào đã hết, khi tuổi già ngày cành làm cho
sức khỏe
của bà ngày càng yếu đi, thêm vào đó, con mắt còn lại giờ đây cũng chỉ còn thấy mờ mờ. Nhưng, đôi vai gầy của người mẹ nào đã được nghỉ ngơi, hàng ngày bà vẫn phải lọ mọ trên đồng, rồi lại tất tả trở về chăm lo cho đứa con đầu tật nguyền của mình.


Hạnh phúc nhỏ nhoi


Đứa con trai cả của bà, anh Nguyễn Bá Hùng nay đã lập gia đình và sinh được hai đứa con kháu khỉnh, còn Nguyễn Bá Phương, đứa con út mà bà đã phải đi khất thực lấy tiền cho cậu ăn học vừa tốt nghiệp và đang đi làm ở quê nhà. Niềm hạnh phúc của người mẹ, đó còn là những vần thơ được đứa con tật nguyền Nguyễn Bá Cường viết tặng.


Hàng ngày hết việc đồng áng, bà lại trở về bên con, chăm bẳm, tắm rửa cho cậu con thứ tuổi 30 của mình như những ngày cậu còn thơ bé, rồi có lúc bà lại như một người thư ký, ghi lại những vần thơ của đứa con tội nghiệp hơn hai chục năm qua chưa rời mình ra khỏi chiếc giường cũ nát, và cũng chưa một lần được đặt chân đến trường.


Lần giở cuốn sổ tay chin chít dòng chữ, bà Vân khoe vơi tôi, Cường đã có thơ đăng báo, còn được tòa soạn gửi cho 300.000 đồng nhuận bút nữa.


Mà cũng thật kỳ lạ, cuộc đời bị gò bó trong cái giường cũ kỹ, nhưng thơ của Cường ăm ắp những âm thanh cuộc sống, Cường viết nhiều về tình yêu, về những bóng hình thiếu nữ trong tưởng tượng, câu nào, chữ nào cũng dạt dào tình yêu trai gái.


Nhưng cảm động nhất vẫn là những vần thơ Cường viết về mẹ, những câu thơ của một đứa con đã lớn lên từ những nhọc nhằn đời mẹ.


Theo Tuần Việt Nam


http://tuanvietnam.net/vn/nhanvattrongngay/8132/index.aspx