(2Sao) - Đã từ rất lâu rồi, khán giả Việt được VTV3 cho dùng “bữa trưa” toàn TVB. Ngày đầu thì còn thấy "ngon”, sau dần nhiều quá đâm ra “ngán”. Ấy không có nghĩa là chê TVB “dở”, mà là vì “món ăn” lặp đi lặp lại thành ra “nhàm”.



01/ Hết TVB này, có ngay TVB kia “trám chỗ”


Nếu 9h tối là khung giờ vàng, thì 12 giờ trưa được coi như khung giờ “bạc” trên VTV3. Chính vì vậy, những bộ phim được phát sóng vào khung giờ này thường thu hút sự quan tâm đặc biệt từ phía khán giả. Tuy nhiên, nếu giờ vàng đã khiến người xem thất vọng với những bộ phim Việt chẳng mấy thú vị thì “giờ bạc” là nỗi ám ảnh mang tên TVB.



Phim “Quyền lực của đồng tiên” mới kết thúc cách đây ít lâu


Hiện tại 12h trưa trên kênh VTV3 đang phát sóng phim “Đội điều tra đặc biệt” – thế chỗ cho “Quyền lực của đồng tiền” mới kết thúc. Trước “Quyền lực của đồng tiền” là “Nhà buôn gốm”, “Đấu trí”, “Tình yêu và thù hận”, “Sức mạnh tình thân”, “Trương Ái Linh”, “Trăm mưu ngàn kế” và hàng loạt các phim gán mác TVB khác, chẳng kể sao cho hết.



“Đội điều tra đặc biệt”



“Đấu trí”


Trương Ái Linh


Như vậy, tính sơ sơ trong 9 tháng trở lại đây, khán giả Việt được thưởng thức ngót ngét 10 bộ phim do hãng TVB sản xuất trong “thực đơn bữa trưa”, chả trách công chúng không “bội thực” mới là lạ. Đành rằng độ dài của mỗi phim TVB không lê thê lướt thướt như các bộ phim Hàn nhưng gần như “độc quyền” về độ phủ sóng.


02/ 10 phim hay 100 phim cũng 1 đội diễn viên.


Hiển nhiên, phim do TVB sản xuất thì nhân vật phải do diễn viên thuộc TVB đảm nhận. Đẹp thì có đẹp, tài thì có tài nhưng không đủ gương mặt mới để đáp ứng “năng suất” như nấm gặp mưa của nhà sản xuất. Thành thử, khán giả Việt được dịp thuộc tên các ngôi sao TVB còn hơn cả tên phim, bởi lẽ, vừa phim trước thấy anh A đóng, phim này cũng thấy anh A xuất hiện, rồi phim sau cũng lại có anh A.


Điểm mặt những diễn viên có mật độ xuất hiện nhiều nhất được khán giả Việt Nam biết đến thời gian gần đây:


Quách Tấn An: “Chuyện chàng vượng”, “Đội điều tra đặc biệt”, “Đôi đũa lệch”, “Ngũ vị nhân sinh”, …



Quách Tấn An với tạo hình đáng yêu trong “Chuyện chàng Vượng”



và đầy nam tính trong “Đội điều tra đặc biệt”


Mã Đức Chung: “Quyền lực của đồng tiền”, “Đấu trí”, “Sóng gió khách sạn”, “Tuế nguyệt phong vân”, …



Mã Đức Chung mới xuất hiện trong “Đấu trí”


đã lại góp mặt ở “Quyền lực của đồng tiền”


Tuyên Huyên: “Chuyện chàng vượng”, “Bước ngoặt cuộc đời”, “Đôi đũa lệch”, “Lương duyên tiền định”, …



sóng đôi với Quách Tấn An trong “Đôi đũa lệch”



rồi lại nên duyên “Bước ngoặt cuộc đời” cùng La Gia Lương


Xa Thi Mạn: “Thâm cung nội chiến”, “Tuế nguyệt phong vân”, “Quyền lực của đồng tiền”, “Công chúa giá đáo”, …



Mỹ nhân xinh đẹp của “Thâm cung nội chiến”


và cô gái mong manh trong “Quyền lực của đồng tiền”


Bên cạnh là hàng loạt các tên tuổi lớn khác như Lê Tư, Trần Hào, Lý Tư Kỳ, La Gia Lương, Dương Di, Trần Hạo Dân, … Cho đến thời điểm này, không hãng phim nước ngoài nào có số lượng và mật độ phim được phát sóng “dày đặc” như TVB tại Việt Nam. Và, lẽ dĩ nhiên, tần số xuất hiện của các “con cưng” TVB cũng theo đó mà tỷ lệ thuận.


03/ “Hãy đổi món cho tôi”


Chắc chắn có hơn một khán giả Việt muốn thốt lên câu này khi ngồi đối diện với “bữa trưa made by TVB” của mình. Không phải vì phim TVB sản xuất kém chất lượng, nội dung không hấp dẫn, diễn viên đóng dở… mà vì nhu cầu cần được “đổi món” để “cân bằng dinh dưỡng” cho “sinh mệnh điện ảnh” của mỗi cá nhân là điều cần thiết.



“Món mới cho tôi ?”


Lùi về quá khứ cách đây vài năm, đã có thời kỳ “giờ bạc” trên VTV3 làm khán giả mãn nhãn với các bộ phim hấp dẫn về nội dung, phong phú về thể loại, xuất xứ. Có thể kể đến như: “35 độ Nam” (Mỹ), “Thảo nguyên xanh” (Hàn Quốc), “Công chúa bướng bỉnh” (Trung Quốc), “Asuka” (Nhật Bản) … Sự đa dạng khiến người xem không bị “ngấy” thương hiệu và nhàm diễn viên.



Bộ phim “Thảo nguyên xanh” từng làm rung động


trái tim hàng triệu khán giả Việt


Truyền hình, điện ảnh hay bất cứ một loại hình nghệ thuật, giải trí nào khác đều tồn tại vì công chúng, phục vụ công chúng, đáp ứng nhu cầu – nguyện vọng của công chúng. Vì vậy, không có lý gì khán giả Việt phải đóng khung mình trong thế giới phim TVB hết tháng này qua tháng khác, hết tác phẩm này lại nối tiếp tác phẩm kia.


Về cơ bản, “sinh thể điện ảnh” tồn tại trong mỗi cá nhân chỉ có thể phát triển “khỏe mạnh” khi được “hấp thụ” đầy đủ các “chất dinh dưỡng” – nghĩa là phim Á có, Âu có, Mỹ có, hài hước có, lãng mạn có, hành động cũng có. Khán giả Việt xứng đáng được hưởng những “quyền” và “lợi” đó. Người xem sắp trong tình trạng “bội thực” phim TVB, vậy thì không biết thời gian tới đây VTV3 có chịu “đổi món” cho “bữa trưa”? Chưa cần nói đến sẽ là phim của quốc gia nào, thuộc thể loại gì? Chỉ cần là “món mới” thì chắc chắn khán giả sẽ cảm thấy háo hức và thú vị hơn rất nhiều.


http://2sao.vn/p1002c1023n20110404141622921/co-nen-han-che-phim-tvb-tren-song-truyen-hinh.vnn