( 7 sac) Nguyễn Thị Bình, người bị vợ chồng chủ quán phở Đức - Phương hành hạ suốt 13 năm, mới đây đã dời nhà Dưỡng Thiện của ông Đoàn Văn Đạt, 72 tuổi, ở TP Hải Dương về trang trại của bà Hà Thị Bình ở Hà Tây để sống. Bình ra đi để lại nỗi buồn giận trong lòng ông Đạt bởi những lời "tố tội" của cô bé đối với người đã cưu mang mình.


Câu chuyện về cuộc sống tù hãm của Bình trong suốt 13 năm đi ở gây xôn xao dư luận trong suốt những tháng vừa qua tưởng đã có một kết thúc có hậu khi Bình nhận lời theo ông Đạt, chủ cơ sở bánh đậu xanh Nguyên Hương về sống Hải Dương sống, học chữ, học nghề. Nhiều người tỏ ra vui mừng thay cho Bình khi biết ở nơi ở mới, Bình được người ông nuôi tốt bụng cho rất nhiều thứ: từ nhà cửa, xe máy, xe đạp, ti vi, 10 triệu đồng tiền mặt và quan trọng nhất là được học chữ, học nghề làm bánh đậu xanh. Thế nhưng, chỉ nửa tháng sau đó, Bình đã thay đổi ý định. Em nằng nặc đòi về ở với bà Bình "Bò", người đã giải cứu mình.


Lý do Bình nói với ông Đạt khi muốn về trang trại của con gái bà Bình ở Hà Tây là: "Ông nói coi cháu như cháu nội thì ông phải cho cháu ăn cơm cùng ông chứ. Đằng này ông để cháu tự nấu ăn cơm một mình một nhà, cháu buồn lắm. Cháu muốn về trang trại của bà Bình, ở đó cháu được ăn cơm cùng với các anh chị người làm".


Ông Đạt tâm sự: "Tôi thật lòng không biết nói sao trước ý muốn này của cháu. Nhà riêng của tôi ở chỗ khác, hàng ngày, tôi phải qua lại trông nom xưởng làm bánh, rồi đến nhà Dưỡng Thiện để thăm các cháu, có khi ở lại ăn cơm, có khi về nhà ăn cùng gia đình. Ở đây, cháu Bình được ở riêng một nhà giống như tất cả các cháu mồ côi khác, các cháu cũng đều tự nấu ăn lấy cả mà. Tôi nghĩ Bình còn trẻ con nên không hiểu hết mọi chuyện".


Không chỉ có thế, Bình kêu ca với mọi người rằng ông Đạt chỉ chu cấp cho mình 500.000 đồng một tháng, không đủ tiền ăn, tiêu vặt và xăng xe. Ông Đạt nói: "Đúng là tôi đã nói với cháu trong 3 tháng đầu tiên học nghề, tôi sẽ cho cháu 500.000 đồng. Sau đó, khi cháu đã thành thạo công việc, cháu sẽ hưởng lương như các công nhân khác, khoảng 1 triệu trở lên, ăn theo sản phẩm. Với mức sống ở Hải Dương, cháu lại không phải thuê nhà, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt gì, 500.000 đồng không phải là thiếu thốn. Tôi muốn cháu học nghề là muốn cháu có cần câu cơm chứ không muốn cho cháu những cái gì có sẵn vì tương lại cháu còn dài".


Sau khi lên Hà Nội để khám sức khỏe chứng thương, Bình ở lại hẳn nhà bà Bình, không về Hải Dương nữa. Cô đã liên lạc với công an phường Thanh Xuân, nơi ông Đạt lên đón nhận Bình về nuôi, nói muốn rời khỏi nhà ông Đạt. Ông Đạt lại lặn lội lên Hà Nội. Tại trụ sở công an phường, Bình đã nói những lời gay gắt: "Cháu ở nhà Đức - Phương 13 năm bị giam hãm, nay về với ông cũng bị giam hãm nữa, cháu không chịu được". Ông Đạt gần như khóc trước mặt gần hai chục cán bộ công an phường và cay đắng nói: "Cả đời ông đi làm việc thiện, giờ ông mới thuộc câu các cụ dạy "làm phúc phải tội", "thương người thì khó đến thân". Giờ cháu "tố" ông thế này, ông cảm ơn cháu đã mở mắt cho ông!". Các cán bộ phường phải an ủi mãi ông lão 72 tuổi mới nguôi ngoai.


Sự tình câu chuyện "giam hãm Bình" được ông Đạt kể như sau. Ngay tối hôm sau khi về Hải Dương, Bình đã đi chơi đến tận 23h mới về. Khu nhà Dưỡng Thiện nằm trên vùng đất dân cư mới giải tỏa, xa trung tâm, ban đêm thường rất vắng vẻ vì xung quanh nhiều đồng không mông quạnh và gần đường cao tốc quốc lộ 1A. Bởi vậy, ông Đạt cẩn thận luôn dặn dò Bình và các cháu mồ côi trong nhà không nên đi chơi quá khuya, lạ nước lạ cái dễ sinh chuyện. Nhưng Bình đã không nghe lời nên hôm sau, ông Đạt bảo 2 em cùng sống trong nhà Dưỡng Thiện đến xem tivi và ngủ lại với Bình, và nhờ một anh hàng xóm nếu thấy 22h mà ba cô gái còn thức thì anh sang giục đi ngủ và khóa thêm một cái khóa ở ngoài, "nhỡ chúng nó lại bỏ đi chơi". Bình thấy có khóa ngoài thì nghĩ ngay là ông Đạt giam hãm mình và từ đó nhất định đòi lên Hà Nội.


Với ông Đạt, chuyện về Bình làm ông đau đầu, nghĩ ngợi suốt những ngày qua. Biết tin Bình về trang trại thích thú với việc chăn nuôi và sống tập thể với mọi người, ông cho rằng đó là cái số của Bình và cái duyên của ông với một thân phận khổ ải cũng chỉ đến thế.