Chủ nhật, 27/8/2006, 14:20 GMT+7


Chiếc xe tải chở nặng đã đâm vào xe ô tô 12 chỗ ngồi, trên có 9 tiếp viên hàng không. Lái xe và 2 tiếp viên chết tại chỗ. Số còn lại đều bị thương, nhưng nặng nhất là Hoàng Thị Thu Hằng.



Hằng “12” (ngoài cùng bên phải) ngày đầu làm tiếp viên Vietnam Airlines (1994) ảnh: Tư liệu gia đình


http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/106707/


Cách đây 6 năm, một tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra với các tiếp viên hàng không Vietnam Airlines trên địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội).


Một chiếc xe tải chở nặng đã đâm vào xe ô tô 12 chỗ ngồi, trên có 9 tiếp viên. Lái xe và 2 tiếp viên chết tại chỗ.


Số còn lại đều bị thương, nhưng nặng nhất là Hoàng Thị Thu Hằng: mặt nát nhừ, sụp xương lồng ngực, vỡ xương chậu, gẫy chân trái...


Tai nạn


Chúng tôi nhận được thư và những dòng tâm sự của Hoàng Thị Thu Hằng với lời nhắn nhủ “những người may mắn được khỏe mạnh và lành lặn hãy dành chút thời gian nghĩ đến những người tàn tật” và “những người tàn tật như tôi hãy lạc quan và nếu cố gắng hết mình thì cuối cùng vẫn làm được việc gì đó có ích”. Có một cái gì đã thôi thúc chúng tôi sang Gia Lâm, đến đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines để gặp cô gái này.


- Hằng “12” ? – Ông bảo vệ hỏi lại, ánh mắt lộ rõ vẻ ái ngại (tên, kèm theo số thứ tự là cách gọi đặc trưng của các tiếp viên hàng không).


Một cô gái còn trẻ, mảnh mai, mong manh, tưởng một cơn gió thổi mạnh cũng đủ bay đi mất. Nước da trắng xanh, bước đi tập tễnh. Cô có khuôn mặt hơi khác thường, đôi mắt luôn mở to, nhìn thẳng vào người đối thoại.


Bà Lê Hoàng Hoa, phó Đoàn trưởng đoàn tiếp viên cho biết:


- Gương mặt của Hằng “12” được như bây giờ là cả một sự diệu kỳ của y học. Tai nạn xảy ra lúc 22h30 ngày 6/9/2000. Nhận được tin, chúng tôi đã đến ngay hiện trường.


Mặt Hằng nát nhừ, nên mọi người cứ nghĩ đấy là Tâm (vì hôm ấy không phải phiên làm việc của Hằng, Tâm bận nên nhờ Hằng bay giúp). Ngay cả bố của Hằng cũng không nhận ra. Cuối cùng nhờ một chiếc nhẫn bạc trên tay nạn nhân ông mới biết đây là con mình.


Bác sĩ Giang - bệnh viện Việt – Đức, khâu lại mặt cho Hằng, tổng cộng 154 mũi. Ông kể, khi ấy ông không nghĩ Hằng có thể sống, “vì nghe nói cô gái này là tiếp viên hàng không, lại hiền và ngoan nên tôi đã khâu kĩ hơn, để khi liệm trang điểm cho đẹp”.


Trong khoảng thời gian hơn 10 tiếng đồng hồ, Hằng phải tiếp tổng cộng 23 đơn vị máu. Đến quãng 6h chiều ngày hôm sau cơ thể Hằng không nhận máu nữa. Nhiều người đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, bởi vì Hằng sống được đến lúc này cũng đã là ngoài dự liệu.


Bên ngoài hành lang bệnh viện luôn có các bạn cùng đoàn tiếp viên, ăn chực nằm chờ cùng người nhà. Hàng chục cánh tay sẵn sàng chìa ra, xin được hiến máu cứu Hằng.


“Tiếp viên chúng tôi thương nhau bằng một tình thương đặc biệt. Bay lên trời cao, mọi thứ ranh giới đều trở nên mong manh, khiến người ta gắn bó với nhau, như những người cùng vào sinh ra tử”.


Cánh tay trái của Hằng gẫy vụn, lòi cả xương ra ngoài. Đã có lúc người ta tính bỏ nó đi để tập trung cứu người. Nhưng nhờ sự tác động của bà Lê Hoàng Hoa và “bàn tay vàng” của bác sĩ Nguyễn Văn Thạch (nay là phó Viện trưởng BV Việt – Đức) mà bàn tay của Hằng đã được cứu. “Không có tay trái thì chẳng biết bây giờ tôi sẽ ra sao. Vì khi tôi tỉnh lại mới phát hiện ra cánh tay phải và nửa thân người bị liệt”.


Ròng rã 3 tháng rưỡi Hằng lúc mê lúc tỉnh. Người liệt, tiền cạn. Bác sĩ khuyên: “BV chữa được đến thế này thôi. Gia đình nên cho bệnh nhân về nhà, nằm ở đây chỉ thêm tốn tiền viện phí. Đành phải trông vào phúc phận của bệnh nhân vậy…”.


Hằng kể lại: - Hành khách đi máy bay thường thấy các tiếp viên trẻ trung, tươi tắn, vui vẻ. Thật ra nghề này rất vất vả. Sau mỗi chuyến bay, chúng tôi mệt rũ, cứ ngồi lên xe ô tô là tất cả lăn ra ngủ. Tôi không ngờ buổi tối định mệnh ấy, tôi đã “ngủ” liền một mạch, gần 1 năm, có lúc tưởng không bao giờ tỉnh lại nữa.


Về nhà, mê thì thôi, cứ tỉnh là Hằng la hét, chửi bới. Hệ thần kinh không kiểm soát nổi cơ thể, việc bài tiết không chủ động được, phân và nước tiểu cứ trào ra. Gia đình phải chia ca, 6 người phục vụ Hằng một ngày.


Trước tình cảnh ấy, bố Hằng họp gia đình lại, quyết định trong nhà có gì bán hết, miễn là cứu được con. Mấy người anh, em Hằng hưởng ứng, nếu cần, về quê ở, bán nhà ở Hà Nội đi để lấy tiền chữa bệnh cho cô.


Gia đình Hằng mời nhiều thầy thuốc, Đông – Tây y đủ cả, lại mời thầy thuốc Trung Quốc, Ấn Độ nữa… nhưng đều không kết quả. Càng ngày Hằng càng la hét, chửi bới tợn. Ngoài người nhà, hàng xóm trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ của Hằng.


Gia đình quyết định đưa Hằng vào nhà thương điên. Bác sĩ ở đây khuyên: “Cô gái này không đập phá, đánh nhau, chỉ chửi thôi, mang về nhà thì còn sống được thêm, chứ để đây thì mau chết lắm…” Gia đình sợ quá, vội đưa cô về. Và cuộc sống chán nản, tuyệt vọng lại tiếp diễn, không biết đến bao giờ…


Gặp thầy



Hằng "12" bây giờ (8/2006)


Một hôm, bố một người bạn tiếp viên giới thiệu cho gia đình Hằng bác sĩ Nguyễn Viết Thiêm. Bố Hằng kể lại: “Lúc ấy trong lòng tôi chẳng tin. Bao nhiêu thầy rồi, tốn kém tiền tỉ, có ai chữa được cho con gái tôi đâu ? Nhưng còn nước, còn tát. Tôi đến nhà bác sĩ Thiêm ở 44 Hàng Cót.


Ông Thiêm ở trong một căn phòng chật, tiện nghi cũng chẳng khá gì. Khám xong, ông chỉ nói ngắn gọn: “Bệnh này tôi chữa được”. Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Vì từ trước tới nay, chưa thầy thuốc nào dám khẳng định như vậy. Ông Thiêm kê đơn, chỉ chỗ mua thuốc và từ chối nhận tiền khám bệnh. Chắc ông đoán ra, chúng tôi đã quá khổ rồi…”.


Thuốc trị bệnh thần kinh đắt kinh khủng. Không đơn thuốc nào dưới 5 triệu đồng. Tháng đầu tiên, riêng tiền thuốc đã mất khoảng 100 triệu. “Nhưng kỳ lạ thay, đó là những liều tiên dược, uống tới đâu, khỏi tới đó. Bố tôi kể lại, chỉ khoảng 10 ngày sau tôi đã điều khiển được một phần cơ thể, quan trọng nhất là sự bài tiết.


Gần một tháng sau tôi không còn la hét, chửi bới nữa mà lại có thể nói được tiếng Anh, tiếng Hoa cho mọi người nghe. Trước đây, tôi là phát ngôn viên tiếng Hoa trên máy bay mà…”.


Bố Hằng nghẹn ngào: “Bác sĩ Thiêm đúng là người sinh ra con tôi lần thứ hai. Ơn tái tạo chúng tôi không bao giờ quên, chẳng biết làm thế nào để đền đáp. Chỉ biết "sống tết, chết giỗ"...”.


Chúng tôi ngắt lời: “Tháng nào cũng 100 triệu tiền thuốc ư?” – “Không. Thuốc cứ rút dần, bây giờ Hằng vẫn phải uống theo đơn của bác sĩ, nhưng chỉ mất hơn 1 triệu đồng/tháng thôi”.


Hằng được điều trị hỗ trợ bằng thuốc Đông Y của ông Lang Tuất ở Vĩnh Hồ, tính đến nay đã uống tới 5, 6 trăm thang ; tập Thiền để chữa bệnh theo phương pháp của thầy Đỉnh…


Bệnh thần kinh dứt, đó là điều mà cả gia đình Hằng và bản thân cô trước đây không dám mơ tới. Nhưng tiếp theo Hằng phải đối mặt với tình trạng liệt nửa người.


“Chỉ có ai bị liệt mới thấu hiểu nỗi buồn tủi, bất lực, đau đớn cả về tâm hồn lẫn thể xác của người bệnh. Nhất là tôi, từng là một tiếp viên, bay trên chín tầng mây, bao hoài bão còn ở phía trước…


Bây giờ tay chân không thể cử động, cơm phải có người bón, vệ sinh phải có người giúp. Tôi đã nghĩ đến cái chết, đến sự giải thoát. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi lúc ấy, muốn quyên sinh không dễ. Người nhà ngày đêm túc trực, canh từng miếng ăn, giấc ngủ cho tôi...”.


Trong sự bi quan của Hằng, chúng tôi đoán rằng có cả những mất mát tình cảm riêng tư mà chúng tôi từng được nghe kể lại trước đó. Hỏi Hằng, cô từ chối không nói. Chúng tôi thử tìm một cách tiếp cận khác: “Tai nạn xảy ra năm Hằng 28 tuổi. Tình trạng hôn nhân của Hằng khi ấy thế nào?” – “Tôi vừa lấy chồng được vài tháng và đang rất hạnh phúc”. – “Còn sau tai nạn?” – “Tôi đã mất tất cả mọi thứ, trừ gia đình. Chỉ có những người trong gia đình là ở bên bạn trong mọi hiểm nguy, còn lại tất cả đều phù phiếm.


Tiền bạc gia đình bỏ ra cho tôi nhiều lắm, nhưng tình cảm, sự chăm sóc của gia đình dành cho tôi mới không gì sánh nổi. Và tôi hiểu thêm 2 điều. Một: chỉ trong hoạn nạn mới biết ai tốt, xấu. Hai: trên đời này, khó nhất là tìm được người tri kỷ”.


Đứng dậy


“Hồi tôi mới bị nạn, bố mẹ tôi thường nói: Nếu đánh đổi được cuộc sống của bố mẹ cho con, thì bố mẹ đổi ngay. Còn tôi cũng thế, nếu cần đến mạng sống của tôi, tôi sẵn sàng hy sinh vì bố mẹ. Chính vì lẽ đó, sau nhiều đêm thức trắng, cuối cùng tôi quyết định: tập đi”.


Những ngày đầu, muốn đưa Hằng dậy phải cần tới 4 người (bố, mẹ, anh, em). “Mọi người phải kéo lê tôi từng bước chân bởi cả cơ thể tôi mềm nhũn. Cứ thế, ròng rã suốt một năm trời. Khi nào tôi chán nản, tuyệt vọng, mẹ lại mỉm cười bảo tôi: “Nào, đứng dậy, con gái mới ba tuổi của mẹ ơi…” Tôi hiểu bà phải giấu vào trong lòng những giọt nước mắt”.


Thế rồi Hằng bắt đầu tập được với xe lăn. Hai mẹ con chọn khu vực khách sạn Daewoo làm nơi tập luyện. Hàng ngày cô và mẹ dậy từ 3h sáng, vì vào thời gian này vắng người qua lại, không sợ bị va chạm. Tập liền một mạch tới 6h mới quay về nhà.


Hai mẹ con tập rất đều, không bỏ buổi nào trừ những hôm mưa to, gió lớn. Sự bền bỉ ấy đã đem lại kết quả: sau một thời gian dài Hằng không phải nhờ mẹ nữa, cô tự đi tập bằng gậy và ô.


“Có những hôm 3 giờ sáng tôi thức dậy, nằm nghe mưa, đợi mãi mới tạnh. Chống gậy ra đường, đi được một quãng trời lại đổ cơn mưa. Một mình, đường vắng, đi chậm, không kịp tìm chỗ trú, người ướt hết…


Nhưng tôi tự nhủ, không được lùi, cứ từng bước một, tiến lên. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, mình không thể mãi là gánh nặng cho bố mẹ ! Rồi đến một ngày, tôi đã tự đi được trên đôi chân của mình không cần gậy chống !”.


Mẹ tôi bảo: “Con nó tự tập tuy có đỡ, nhưng chậm. Bố tìm xem quanh đây có chỗ nào hướng dẫn phục hồi chức năng không ?” Bố tôi đi hỏi, thì ra trong quận tôi ở có một nơi như thế thật. Từ đó, tôi theo anh trai đến CLB Khúc Hạo. Anh tôi phải bỏ cả việc làm để hàng ngày đưa tôi đi và tập cùng với tôi.


Một hôm bố tôi nói: “Bây giờ con đi lại đã khá hơn, nhà mình không thể lo tiền thuốc thang cho con mãi được, bố sẽ đưa con lên chỗ ông Tổng giám đốc, xin cho con đi làm…”.


Bố Hằng thú nhận với chúng tôi: “Tôi thương con đứt ruột, nỡ nào bắt nó đang tật bệnh thế phải đi làm ? Nói vậy là để khích vào lòng tự trọng của nó. Tôi chỉ là cái anh lái xe, không được học hành gì nhiều. Nhưng tôi biết, chỉ có đi làm, tái hòa nhập với xã hội thì con tôi mới có cơ hội trở lại là người bình thường”.


Y tế hàng không kiểm tra, tỉ lệ thương tật của Hằng là 71%, sức khỏe loại 5, mà trong ngành, chỉ xếp loại 3 đã bị loại rồi. Ông Nguyễn Xuân Hiển – TGĐ Vietnam Airlines trực tiếp phỏng vấn Hằng: - “Nguyện vọng của cháu bây giờ ?” – “Được làm bất cứ việc gì phù hợp với sức khỏe” – “Cháu còn nhớ tiếng Anh, tiếng Hoa không ? Nói tôi nghe”. Nghe xong ông phê vào đơn xin việc: “Lưu ý trường hợp này, bố trí việc thích hợp. Xong, báo cáo lại cho tôi”.


“Cô Lê Hoàng Hoa, người đã giúp đỡ tôi trong những lúc khó khăn nhất khi tôi gặp nạn, nay lại là người nhận tôi về, cho tôi làm việc tại Thư viện Đoàn Tiếp viên. Thế là sau 4 năm, tôi được đi làm trở lại!”.


Hiện nay Hằng đã có thể tự ra xe buýt hàng không đi từ Quần Ngựa sang Gia Lâm và tự trở về nhà. Suốt 2 năm, cô chưa nghỉ ốm một lần, dù không phải lúc nào cũng khỏe. Ngôi nhà 2 mặt phố trước kia, gia đình đã phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh. Bây giờ Hằng ở với bố mẹ và một người em trong ngôi nhà bé hơn, nằm sâu trong hẻm một ngõ nhỏ trên đường Văn Cao.



Tương lai


Ở thư viện, hàng ngày Hằng phục vụ mọi người đến mượn sách. Bàn tay phải liệt, cô viết và làm việc bằng tay trái. Đến nhà Hằng, chúng tôi để ý thấy trên tường treo một số bức tranh, giống như của trẻ con vẽ ra, phối mầu cũng khá. Bố Hằng cho biết: tác giả chính là cô. Hằng tập vẽ để luyện sự khéo léo cho tay trái thay tay phải.


Chúng tôi hỏi: “Lương đi làm có đủ nuôi sống bản thân không?”.


- Mới chỉ đủ tiền mua thuốc hàng tháng, dư ra một chút, tôi vẫn phải sống dựa vào bố mẹ và các anh em là chính. Tôi biết mình không đủ sức khỏe, nhờ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp nên mới được đi làm. Với tôi, được đi làm thôi đã là hạnh phúc. Tôi luôn áy náy vì không biết bao giờ mới trả được nghĩa cử ấy.


- Thế còn tương lai?


- Hàng ngày tôi vẫn uống thuốc và luyện tập. Cho đến trước khi bị tai nạn, tôi thấy mọi thứ toàn mầu hồng, tôi chỉ nhìn về phía trước với bao dự định, hoài bão. Còn bây giờ, tôi đã hiểu ra, cuộc sống thật là đáng quý. Biết bao nhiêu người đã phải vật lộn để giữ lại cuộc sống cho tôi.


Những người khỏe mạnh, nhất là các bạn trẻ, hãy làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống này. Có những điều đối với các bạn là bình thường, nhưng với người tàn tật như chúng tôi lại là vô giá. Đã nhiều lần, nhìn người bán ve chai đi qua cửa nhà, tôi chỉ ước mơ được như họ thôi, thật đấy.


Bà Lê Hoàng Hoa: “Nghị lực của Hằng “12” thật hiếm có !”


- Còn nếu được ước mơ thêm?


- Khỏe mạnh như người bình thường, có việc làm ổn định, và một gia đình riêng ấm cúng.


Quay trở lại với bức thư Hằng “12” gửi tới bản báo với những lời nhắn nhủ làm ta rơi nước mắt. Chúng tôi tự hỏi, tại sao một cô gái tật nguyền, mang trong mình một tình riêng mất mát, vẫn có thể lạc quan mơ ước về tương lai và nghĩ tới những điều tốt lành cho người khác?


Hằng nói: “Phải sống. Và sống có ích. Tôi không thể phụ lòng những người đã cho tôi được sống”.


Theo Việt Khôi