Thế giới



Thứ Sáu, 03/10/2008, 04:14 (GMT+7)


Thư Copenhagen


Khi
Mãnh Ngưu hại Arla


Philippines thu hồi kẹo có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh hưởng từ vụ sữa có melamine đối với ngành thực phẩm Trung Quốc sẽ còn kéo dài -Ảnh: Reuters



TT - Dư luận thế giới tới nay vẫn chưa hết bàng hoàng vì chuyện sữa có chứa melamine tại Trung Quốc. Không chỉ làm thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc điêu đứng, người tiêu dùng nhiều nước hoang mang mà sự cố này còn liên lụy đến những tên tuổi lớn trong công nghiệp sữa thế giới như Fonterra (New Zealand), Nestlé (Thụy Sĩ), Dutch Lady (Hà Lan), Arla (Đan Mạch - Thụy Điển). Lý do dễ hiểu là các ”đại gia” chẳng ai muốn đứng ngoài một thị trường 1,3 tỉ dân.



Theo số liệu gần đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, các trang trại sữa tại đây đã sản xuất được 32 triệu tấn sữa trong năm 2006, thị trường sữa đạt 18 tỉ USD năm 2007 và dự kiến sẽ đạt khoảng 20 tỉ USD trong năm 2008 nếu không có sự cố sữa độc. Nay không ai dám đưa ra một dự đoán nào.



Cơn ác mộng của Arla Foods



Đối với người Đan Mạch, sự cố này quả là tin sét đánh vì xuất khẩu nông sản phẩm là một ngành công nghiệp quan trọng của họ, còn Arla là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất. Từ năm 2005, Arla Foods đã cùng Mengniu (Mãnh Ngưu) - tập đoàn sữa hàng đầu Trung Quốc - đầu tư 500 triệu krone (100 triệu USD) vào một nhà máy sữa bột hiện đại tại Helingee, Hohhot, Nội Mông. Theo ước tính, chậm nhất đến năm 2011, liên doanh sẽ thu hồi vốn. Giấc mộng này trong phút chốc đã biến thành ác mộng với sự cố melamine.



Khi các cơ quan chức năng thông báo có 3/28 mẫu sữa bột của Mengniu sản xuất tháng 1-2008 chứa melamine, Mengniu-Arla đã phải hủy bỏ ngay kế hoạch khánh thành chính thức nhà máy này, dự kiến tổ chức đúng vào ngày 15-9. Trả lời phỏng vấn của báo chí Đan Mạch, người phát ngôn của Arla Foods chỉ nói ngắn gọn đây là “một tai họa của công nghiệp sữa Trung Quốc, mà liên doanh Mengniu-Arla cũng là một thành phần trong công nghiệp đó”, và khẳng định Arla mong muốn cùng với đối tác xây dựng một doanh nghiệp nghiêm túc tại Trung Quốc.



Giám đốc điều hành của Mengniu-Arla, ông Jais Valeur, tuyên bố tuy chưa phát hiện melamine trong các sản phẩm của liên doanh nhưng vì an toàn của khách hàng, họ đã chủ động ngưng sản xuất và thu hồi những lô hàng còn lưu hành trên thị trường, chủ yếu là sữa bột Milex.



Đây là một quyết định khôn ngoan và kịp thời vì không ai dám đoan chắc không có melamine trong các sản phẩm của Mengniu-Arla. Trên trang web của Arla Foods đưa tin về sự cố sữa độc ngắn gọn và chọn lọc, thí dụ như hàm lượng melamine phát hiện trong ba mẫu kiểm tra của Mengniu là thấp, dưới mức làm trẻ em phát bệnh. Quan trọng nhất là họ khẳng định sản phẩm của liên doanh được sản xuất để bán cho thị trường Trung Quốc để trấn an khách hàng tại các nước Bắc Âu và Anh - nơi Arla là nhà cung cấp lớn nhất.



Arla Foods cũng thông báo: ngày 23-9 đã cử ba chuyên gia phòng thí nghiệm đến Trung Quốc và đặt mua thiết bị phát hiện melamine trong sữa cho Mengniu-Arla, do quá trình kiểm tra chất lượng trước đây chỉ kiểm tra hàm lượng chất béo, chất đạm, chất kháng sinh… Việc sản xuất sẽ được tiếp tục sau khi nhà máy nhận được thiết bị kiểm tra melamine, đảm bảo an toàn 100% cho khách hàng.



Arla Foods cũng ca ngợi cách Mengniu giải quyết sự cố và khắc phục hậu quả, như sẽ tiếp tục mua sữa tươi của nông gia để họ khỏi lâm vào tình trạng phá sản nếu trong sữa không có melamine, và trường hợp có khách hàng bị bệnh do sản phẩm của Mengniu, sẽ được bồi thường gấp đôi mức do Nhà nước Trung Quốc đưa ra.



Chuẩn bị cho hậu khủng hoảng



Trước tình hình sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc bị tẩy chay, giám đốc điều hành của Arla Foods, ông Peter Tuborgh, tuyên bố sẽ cùng Mengniu giải quyết rốt ráo sự cố sữa độc để ”đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và lấy lại niềm tin trong công nghệ sữa Trung Quốc”. Việc Arla khẳng định sẽ không rút lui khỏi thị trường này (cho tới thời điểm hiện nay) có tác dụng tích cực đối với Mengniu do từ khi có sự cố sữa độc, trị giá cổ phiếu của Mengniu trên thị trường chứng khoán Hong Kong sụt giảm thê thảm, đến ngày 26-9 đã giảm 60% giá trị.



Theo nhà phân tích của Công ty chứng khoán Đông Bắc, Wu Ya, nếu sự cố được giải quyết rốt ráo cũng phải mất từ bảy tháng tới một năm người tiêu dùng mới dám mua sữa bột Trung Quốc trở lại. Ông Jais Valeur tỏ ra vững tin vào sự hồi phục của liên doanh Mengniu-Arla vì đại đa số người dân Trung Quốc không có khả năng mua sữa ngoại nhập cho trẻ em. Theo ông, đầu tư ở đâu cũng có những khó khăn nhất định và biện bạch: ”Làm sao chúng tôi có thể tưởng tượng được là người ta dám bỏ hóa chất độc hại vào sữa tươi”.



Tuy nhiên không phải người Đan Mạch nào cũng đồng ý với phát biểu trên. Nhiều người cho rằng lẽ ra Arla phải cẩn trọng hơn vì chỉ trong vòng vài năm gần đây đã có quá nhiều sự cố về an toàn thực phẩm tại Trung Quốc, nhất là khi Arla đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp thân thiện với môi trường.


QUẾ VIÊN






====



Em chỉ muốn hỏi 1 câu thôi: Có tin được Milex ở riêng VN mình sx ở Đan Mạch và nhập về Vn? Trong khi Milex chỉ là nhãn sữa dành riêng cho khu vực châu Á của Arla, và Arla đã hợp tác với Mãnh Ngưu đầu tư 1 nhà máy lớn như vậy ở TQ để sx. Vậy mà nó vẫn "ưu tiên" nhà máy ở ĐM để sx Milex VN ư?