Cha mất khi Nga đang học lớp 11, mẹ bị suy tim phải phẫu thuật mới mong kéo dài thêm sự sống. Không nhà, nợ nần chồng chất, nhưng bằng nghị lực phi thường, cả 5 chị em Nga vẫn vượt khó vươn lên, trong đó 3 người hiện là sinh viên đại học.


Tuổi thơ mất cha, giành giật mẹ với “thần chết”


Chiếc quần bò bạc phếch, áo bộ đội, trông Nga già hơn rất nhiều so với cái tuổi 23 của em. Chiếc mini cà tàng kêu ken két dẫn tôi vào con ngõ sâu hun hút, tối om. “Thuê nhà ở ngõ sâu thế này cho rẻ anh ạ. Hẹn anh khuya như vậy vì bây giờ cả ba chị em em mới đi dạy về”, Nga giải thích lý do hẹn gặp tôi vào lúc 10 giờ đêm.


Căn phòng chưa đầy 10m2, lỉnh kỉnh đồ đạc. Nga tiếp tôi, còn Vân và Linh đang rục rịch nấu bữa tối. Đã ba năm nay, hôm nào chị em Nga cũng ăn cơm tối khi mọi người đã đi ngủ.


Nhớ lại những năm tháng tổi thơ sống bên bến sông quê ở xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Nga buồn buồn: “Ngày đó nhà em nghèo lắm, đến nhà ở cũng không có. Bố mẹ em phải ra bến sông, sống trên chiếc thuyền chài. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào nghề chài lưới. Trên chiếc thuyền ấy, 5 chị em đứa lớn cách đứa bé hai tuổi cứ lần lượt ra đời. Sinh nhiều như vậy bởi bố em mong có mụn con trai, nhưng rồi cả năm chị em đều là gái.


Tuổi thơ của chúng em trôi đi gắn liền với tháng ngày mang rá vào làng vay gạo, những đêm lạnh theo cha đi mò đăng. Đi học, năm nào cũng là người đóng học phí cuối cùng của lớp. Trong cái đói cái khổ, trong sự khinh rẻ của dân làng, chị em em vẫn đến trường đều đặn, ai cũng học rất giỏi. Ngày đó trong làng có nghề thêu, nhưng bố em quyết không cho chị em đi làm. Mãi sau em mới hiểu, bố làm vậy là không muốn chị em em bị thất học.


Bố mất, nỗi lo cơm áo, học hành của chúng em đè nặng lên đôi vai mẹ khiến sức khỏe của mẹ ngày càng yếu đi. Đã có lúc mẹ ngất đi giữa cánh đồng. Năm em học lớp 11 thì bố lâm bệnh nặng rồi đột ngội qua đời. Mẹ em vốn mang sẵn trong mình bệnh tim, cộng với sự lo lắng triền miên và nhất là nỗi đau đớn khi mất bố, đã hoàn toàn suy sụp. Căn bệnh suy tim của mẹ ngày thêm nặng và tai biến mạch máu não.


Đưa mẹ ra bệnh viện, các bác sĩ cho biết mẹ bị suy tim độ 4, chỉ phẫu thuật với mong kéo dài thêm sự sống. Số tiền cho ca phẫu thuật lên đến 60 triệu đồng, số tiền trong mơ chúng em cũng chưa thấy, chưa kể sau phẫu thuật mỗi tháng phải mất 500 ngàn tiền thuốc. Đã mất cha, bây giờ chúng em không thể mất mẹ…


Để có tiền phẫu thuật cho mẹ, mấy chị em đã cầu cứu khắp nơi. Sau nhiều lần đi lại, ngày 21/8 vừa qua, ca phẫu thuật tim cho mẹ em đã diễn ra thành công. Mẹ em đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng không thể làm được việc gì nặng nhọc”.


Hiện nay, ngoài việc tự kiếm tiền ăn học, ba chị em Nga, Vân, Linh còn phải kiếm tiền mua thuốc cho mẹ và gửi tiền về quê nuôi hai em đang học phổ thông (Sau Nga, Vân, Linh, còn có hai em nhỏ đang học lớp 8 và lớp 9 ở quê). Đó là chưa kể đến số nợ khổng lồ mà 3 cô gái đã vay để chữa bệnh cho mẹ.


Cổ tích giữa đời thường


Vượt qua tất cả, chị em Nga đã gượng dậy và viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Cả Nga, Vân và Linh đều là sinh viên của những trường đại học danh tiếng ở Hà Nội. Nga và Linh đang học khoa Tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội); Vân học khoa Sư phạm Văn của Đại hoc Quốc gia.


Trong số ba chị em, có lẽ con đường đến giảng đường đại học của Nga là vất vả nhất. Tốt nghiệp PTTH năm 2002, Nga đi thi đại học nhưng không đỗ. Quay về, Nga không nề hà bất kể việc gì để kiếm tiền nuôi các em, từ cấy thuê đến nghiền xỉ vôi.


Năm 2004, Vân (em kế tiếp của Nga) thi đậu vào đại học, nhà không thể lo tiền nuôi ăn học. Nga quyết định khăn gói theo em ra Hà Nội đi làm nuôi em. Ban đầu Nga đi phụ bán bún, sau Nga tìm đến trung tâm gia sư xin đi dạy nhưng không được chấp nhận vì không phải là sinh viên. Sau Nga xin đi phát tờ rơi. Ba tháng đi làm, Nga được trả công bằng một địa chỉ đi dạy tiếng Anh. Mải miết mưu sinh, nhưng Nga vẫn không từ bỏ ước mơ vào đại học. Năm 2005, Nga đã thi đỗ vào trường Đại hoc Ngoại ngữ.


Thương chị đi làm vất và, Vân cũng đi dạy thêm. Học khoa Văn nhưng Vân lại rất giỏi Toán, cộng thêm thẻ sinh viên “chính hiệu” nên Vân dễ dàng tìm được lớp dạy. Nối tiếp hai chị, cô em gái thứ 3 Đỗ Thúy Linh cũng vừa thi đậu Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhập học chưa được bao lâu, Linh cũng đã làm quen với công việc gia sư, kiếm tiền phụ các chị.


Dù phải dành nhiều thời gian cho việc đi làm nhưng cả 3 chị em Nga đều học rất giỏi, Vân đang cố phấn đấu để sang năm có tấm bằng loại giỏi khi ra trường. Vân tâm sự: “Chị em em có được như ngày hôm nay, trước là nhờ công lao của cha mẹ đã hết lòng yêu thương dạy dỗ định hướng cho chúng em; những thầy cô đã đồng ý cho chúng em được học thêm miễn phí; những người bạn đã chia sẻ với em trong suỗt quãng đời sinh viên”.


Nga kể, có lần người anh họ về quê đem lên cho hai chị em 50 ngàn đồng. Đây là những đồng tiền lẻ mà bà con lối xóm, người 5.000đ, kẻ 3.000đ cho mẹ em ăn quà, mẹ tích lại gửi cho các em. Nhận những đồng bạc lẻ nhàu nát còn ấm hơi mẹ, cả hai chỉ em oà khóc nức nở. Chính những điều đó đã thôi thúc các em cố gắng vươn lên.



Tôi rời phòng trọ của chị em Nga khi đồng hồ đã điểm 11 giờ. Ngay mai, và những ngày tiếp theo, 3 chị em Nga vẫn bước đến giảng đường cùng nỗi lo cho bữa cơm chiều, tiền học phí của các em ở quê, tiền thuốc của mẹ và khoản nợ “khổng lồ”. Nhưng tôi tin họ có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn đó, viết tiếp cuốn nhật ký về nghị lực và lòng hiếu thảo.