http://vnexpress.net/GL/The-gioi/2010/11/3BA23719/


Biết không thể thoát khỏi đám đông mỗi lúc một dồn ứ lại, anh Huot Kim Li và vợ bảo nhau quỳ xuống, tạo khoảng không cho hai cậu con trai nép mình bên dưới. Nhưng không thể chịu nổi sức nặng của nhiều xác người đè lên lưng, người vợ Việt Nam của anh đã dần kiệt sức...


> Lời kể của người Việt sống sót ở Phnom Penh


Xóm nghèo của người Việt thuộc phường Bang King Kong 2 bao trùm không khí đau buồn. 20 hộ gia đình với hơn 50 nhân khẩu thuê trọ tại đây. Mỗi căn phòng chừng 10 m2 này có giá 20 USD mỗi tháng.


Ngồi trong căn phòng không có tài sản gì đáng giá, anh Huot vẫn chưa bàng hoàng trước sự ra đi của vợ và đứa con trai. Người đàn ông Campuchia này không kìm được nước mắt khi nhớ lại đêm kinh hoàng đó.


Huot là người duy nhất trong gia đình anh sống sót dưới thời Khmer Đỏ. Anh kết hôn với chị Loan, một phụ nữ nghèo từ Trà Vinh sang và sống bằng nghề bán sữa đậu nành. Hai cậu con trai sinh đôi của họ chào đời trong căn phòng ẩm thấp tối tăm và lớn lên nhờ sự bảo bọc của láng giềng.


Gia cảnh khốn khó của nạn nhân người Việt tại Campuchia


Tối 22/11, cả gia đình Huot đến đảo Kim Cương để được sống trong không khí lễ hội đua ghe truyền thống và xem bắn pháo hoa. Đến hơn 8h tối, thấy người quá đông nên họ quyết định đi về.


Đi đến giữa cầu, đột nhiên họ nghe thấy tiếng la hét và dòng người xô đẩy từ hai đầu cầu lại. Rồi một số người bị ngã. Biết không thể thoát khỏi đám đông mỗi lúc một dồn ứ lại, Hout và vợ bảo nhau quỳ xuống, chống cùi tay xuống mặt cầu và tạo khoảng không cho hai cậu con trai bên dưới.


Đám người xô lại đông dần, cuối cùng chị Loan vợ anh kiệt sức, chị khụy xuống và bị giẫm đạp lên. Bên dưới chị là cậu con trai 10 tuổi. Bất lực vì không thể giúp vợ và con trai, anh Hout cố gồng mình giữ khoảng trống cho đứa con còn lại. Phía trên người anh, 4 đến 5 phụ nữ tắt thở vì bị dồn ép. "Họ đã chết trên lưng tôi", Huot nói.


Phải hơn hai tiếng sau, Huot và con trai mới được cứu ra ngoài.


Trong số 9 người gốc Việt thiệt mạng trong thảm kịch ở Phnom Penh dịp lễ hội nước, ba người sống tại tỉnh Kandal.


Trong căn nhà trống hoác ven sông, mẹ chị Nguyễn Thị Nhớ, 22 tuổi, mắt vẫn đỏ hoe. Sau khi nhận được xác con, bà mang về quàn tại nhà.


Láng giềng đến chia buồn với gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ


Láng giềng đến chia buồn với gia đình chị Nguyễn Thị Nhớ. Ảnh: Đức Quang.


Hai đứa con chị Nhớ, bé trai 4 tuổi và bé gái hai tuổi rưỡi, không biết rằng mẹ chúng đã qua đời. Khi thấy bà ngoại khóc, chúng bảo bà rằng mẹ chúng chỉ ngất và nằm trong hòm, bà kể lại. Chồng chị Nhớ, một người đàn ông Campuchia ngồi thẫn thờ.


Chị gái của Trinh


Chị gái của Trinh ngồi trong căn nhà tuềnh toàng của gia đình ở Kandal. Ảnh: Đức Quang.


Ngay từ cửa vào của gia đình Nguyễn Ngọc Trinh ở Kandal đã nhìn thấy bàn thờ và di ảnh của cậu bé 12 tuổi. Đêm cuối cùng của lễ hội nước, Trinh được mẹ đưa đi chơi. Mẹ cậu bé bị thương và đang nằm trong bệnh viện.


Chị gái của Trinh, 15 tuổi, mang ảnh của em trai ra khoe khi thấy có người đến thăm. Cô bé cho biết mẹ em kể lại rằng khi dòng người xô đẩy mạnh dần lên, chị không thể giữ tay con và thả ra. Trinh ngã ra và kêu lên "Mẹ ơi con chết mất". Sau đó em bị giẫm lên người, lên mặt và chết ngay tại chỗ.


Vụ giẫm đạp kinh hoàng trên cầu nối với đảo Kim cương ở Phnom Penh tối 22/11 là thảm kịch đen tối nhất tại nước này kể từ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.


Campuchia tổ chức quốc tang cho những người xấu số ngày 25/11. Chính phủ nước này tuyên bố sẽ xây đài tưởng niệm để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa này.