Chùm ảnh hạn hán "ghê gớm" ở Trung Quốc


Với lượng mưa được tính toán là thấp nhất từ năm 1961 tới nay, hàng loạt tỉnh và đô thị dọc theo sông Dương Tử của Trung Quốc đang hứng chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.



Hạn hán đang lan rộng tại các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây và Chiết Giang. Những tỉnh này chỉ nhận được từ 40 tới 60% lượng nước mưa hàng năm.


Cá không còn nước để sống


Giới chuyên gia khí tượng dự báo tình trạng khan hiếm mưa sẽ còn tiếp tục trong ít nhất một tháng nữa. Do không có đủ nước để tưới tiêu và nuôi cá, hàng loạt nông dân đã bỏ ruộng đồng và tới các thành phố để tìm việc.


Nước uống đang ngày càng cạn dần, và các nhà nông đang bỏ hoang đồng ruộng. Giá lương thực đã tăng lên nhanh chóng và hiện các nhà máy thủy điện không có nhiều nước để vận hành, khiến tình trạng thiếu điện càng trở nên nghiêm trọng.


Các vùng bị nặng nhất nằm dọc sông Dương Tử. Hạn hán kéo dài ở vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử, dòng sông dài nhất châu Á, đã làm 4,23 triệu dân trong vùng lâm vào cảnh thiếu nước uống trầm trọng.


Nơi đây trước là một cái hồ...


Theo tin từ Tân Hoa Xã, chỉ riêng dọc sông Dương Tử, thiếu nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thủy lợi và cung cấp nước.Thiệt hại kinh tế vào thời điểm hiện tại đã lên đến 14,94 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,29 tỷ đô-la).Chính quyền khu vực đã chi hơn 55 triệu nhân dân tệ (8,4 triệu đô-la) để khắc phục hậu quả thiên tai tại các vùng chịu ảnh hưởng.


...giờ cỏ mọc rất xanh tốt



Tại nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc, suốt 5 tháng qua không có một trận mưa nào. Không có nước, người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước giếng. Nhưng nước giếng cũng đang cạn dần và không còn sạch."Nước không thể uống được, chỉ có thể dùng để giặt giũ", một người dân nói. Và để có nước sinh hoạt, họ buộc phải đi lấy nước ở cách đó nhiều km.


Sau và trước...



Lượng mưa năm nay chưa bằng một nửa lượng mưa thông thường các năm và các kỹ sư đã phải xả nước từ hồ chứa khổng lồ sau Đập Tam Hiệp, nhưng một số người nói rằng bản thân đập này cũng một phần gây ra tình trạng trên.


Chính phủ cũng thừa nhận con đập đã gây tác động tới nguồn nước cho hạ lưu. Khu vực này nay lâm vào cảnh hạn hán tồi tệ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.


Đứng trước tình trạng này,. các nhà máy của Trung Quốc đang phải đối mặt với các chính sách hạn chế sử dụng điện, trong bối cảnh giá than đá tăng cao và đợt hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà máy thủy điện, tạo nên nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng khi mà mùa hè đang đến gần.


Tình hình càng trở nên khó khăn đối với Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, do giá nhiên liệu trên toàn cầu đang ngày một leo thang, cũng như tỷ lệ lạm phát không ngừng gia tăng của nước này.


Theo số liệu mới công bố của Chính phủ Trung Quốc, kể từ cuối tuần trước, mực nước của gần 1.400 hồ chứa tại tỉnh Hồ Bắc đã giảm dưới mức có thể hoạt động.


Ngay cả mực nước tại đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, cũng đã giảm xuống dưới mức cần thiết để phát điện.


Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc nhận định nếu không có mưa trong vài tháng tới, vụ lúa mì của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


Khi đó, nước này sẽ phải nhập khẩu thêm lúa gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước, và điều này sẽ gây áp lực lên giá lương thực thế giới - hiện đã ở mức khá cao.


Theo Người đưa tin


http://2sao.vn/p0c1048n20110602142747218/chum-anh-han-han-ghe-gom-o-trung-quoc.vnn