VnTinnhanh.vn – Những tình tiết mới trong vụ việc xe tải cứu xe khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng trong chiều 6/9 đã dần được hé lộ thông qua lời kể của tài xế xe khách và chủ xe.




Tài xế Phan Văn Bắc


Vụ việc xảy ra vào hồi 15h ngày 6/9, một chiếc ô tô khách chở 30 người có dấu hiệu mất phanh khi đang đổ đèo Bảo Lộc. Tại thời điểm đó, tài xế xe tải Phan Văn Bắc đang chạy xe tải chở nông sản từ Đà Lạt về TP HCM. Thấy chiếc xe khách chở khoảng 40 người đang đổ đèo rất nhanh và có nguy cơ tai nạn nên đã có gắng tìm cách ngăn tài xế xe khách lại.


Trong ngày hôm sau, kể lại với báo chí trong nước, anh Phan Văn Bắc cho biết, khi đang xuống đèo Bảo Lộc, nhìn qua kính chiếu hậu thấy chiếc xe du lịch lao xuống với tốc độ nhanh, có dấu hiệu mất thắng. Quan sát kỹ qua kính thấy nhiều người trên xe du lịch với tay ra ngoài cầu cứu, anh đã nghĩ phải tìm cách cứu họ cách nhanh nhất.


"Nghĩ nếu không tìm cách ngừng xe lại thì hậu quả sẽ rất lớn, tôi liền chủ động cho ôtô áp sát thân xe để giảm tốc độ. Anh ấy đã cho đầu ôtô đâm vào đuôi xe tôi. Dù lực tông rất mạnh nhưng tôi vẫn cố bình tĩnh rà phanh và dìu xe tải đi gần 500 m mới dừng lại", anh Bắc kể.


Hành động mưu trí, dũng cảm của anh Bắc đã nhận được sự ủng hộ và cảm phục của xã hội. Anh đã được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đặc cách trao giải thưởng Vô lăng vàng 2016 vì hành động cao đẹp cứu xe khách mất phanh, cứu sống 40 sinh mạng trên xe. UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét tuyên dương anh Phan Văn Bắc là tài xế dũng cảm.


Tuy vậy, hành động quên mình cứu người của anh Bắc lại đang phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Trước hết, không thể phủ nhận rằng tài xế xe tải Phan Văn Bắc đã vững tay lái sau cú va chạm với chiếc xe khách mất phanh. Thế nhưng câu hỏi anh Bắc có phải là người đã chủ động ra dấu cứu xe khách hay không, hiện vẫn đang là tâm điểm của nhiều luồng tranh cãi. Để rộng đường dư luận, nhiều tờ báo đã tìm đến phỏng vấn tài xế xe khách Phan Duy Toàn và anh Nguyễn Thanh Phong – chủ xe khách, nhằm cung cấp những thông tin đa chiều về vụ việc.


Trả lời Thanh Niên, tài xế Phan Duy Toàn (41 tuổi) - lái xe khách BKS 53N- 2824, chở theo 37 hành khách xuống đèo Bảo Lộc chiều 6/9 đã phân trần về việc xử lý tình huống nguy hiểm khi xe mất thắng. Theo anh Toàn, tài xế xe tải Phan Văn Bắc không phải là người chủ động cứu xe khách như báo chí đã đăng tải trước đó.



Tài xế Phan Duy Toàn (ảnh: Thanh Niên)


Anh Toàn kể: “Sau khi xe đổ đèo Bảo Lộc theo hướng từ Đà Lạt về TP.HCM thì cả đoàn dừng lại thắp hương tại Miếu Ba Cô giữa đèo Bảo Lộc. Sau đó, xe tiếp tục chạy được khoảng 2 km thì tôi phát hiện xe bị mất thắng. Khi đó, anh Đoàn Thanh Phong (chủ xe) đã ra hiệu để trấn an 37 hành khách trên xe trên xe. Còn tôi cố giữ tay lái để điều khiển xe trách lao xuống vực. Lúc này, xe lao nhanh với tốc độ khoảng 80km/giờ. Suốt quảng đường xe mất thắng, tôi cố giữ bình tĩnh và ôm qua 4 khúc cua, lách qua 2 xe khách ngược chiều và vượt 3 xe con cùng chiều rồi mới gặp xe tải chạy phía trước".


XVeQtX6HLr


Tài xế Toàn trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên.



Kể về khoảnh khắc cứu hộ và được tài xế xe tải Phan Văn Bắc, anh Toàn cho biết: "Khi gặp xe tải tôi đá đèn và bấm còi liên tục để ra hiệu xe tải chạy phía trước giúp đỡ. Sau đó, tôi quyết định cho xe chạy lấn qua phần đường bên trái rồi dựa phần phụ đầu vào đuôi xe tải. Khi dựa được vào đuôi xe tải, mặc dù được tài xế xe tải rà phanh dìu đi nhưng suốt quảng đường gần 500 mét đường đèo nhiều hành khách vẫn hoảng loạn đập vỡ kiếng 2 bên hông.”


Như vậy, lời kể của anh Toàn hoàn toàn ngược lại với những chia sẻ của anh Bắc khi tài xế xe tải khẳng định anh mới là người chủ động “cho ô tô tải áp sát thân xe khách để giảm tốc độ”.


Một nhân vật quan trọng khác trong vụ việc chính là anh Đoàn Thanh Phong (SN1969) – chủ xe, đồng thời là một trong hai tài xế của xe khách trong thời điểm chiếc xe suýt gặp nạn. Chia sẻ với Một Thế Giới, anh Phong tỏ ra bức xúc trước những lời khai của tài xế Phan Văn Bắc và khẳng định “Những thông tin mà anh Bắc nói với báo chí và cơ quan chức năng không đúng như sự thật diễn ra”.


Theo lời anh Phong, thì đây là chuyến xe đường dài nên phải cần 2 tài xế. Ngoài anh Phong ra còn có tài xế Toàn: “Đây là chuyến xe đường dài nên phải cần 2 tài xế. Lúc lên đèo Bảo Lộc, tôi không điều khiển mà ngồi kế bên tài xế Toàn để quan sát. Xe có kết cấu 46 chỗ sử dụng thắng hơi. Khi đổ đèo qua những khúc cua không thể vào số và thắng không hoạt động được vì hơi không còn”.



Anh Đoàn Thanh Phong, chủ xe kiêm lái xe của chiếc xe khách (ảnh: Một Thế Giới)


Ngay lúc này, tài xế Toàn cho xe lao dốc qua 4 con đèo, vận tốc đạt 70 Km/giờ. Lúc này, anh Phong hét to: “Xe bị gặp sự cố bà con dồn ra phía sau ngồi hết”. Phát hiện xe gặp sự cố, xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn, lái xe Toàn xin ý kiến anh Phong cho xe lao vào vách núi nhưng anh Phong yêu cầu lái xe điều khiển xe chạy thẳng, vì nếu đâm vào vách núi thì xe sẽ bật ra ngoài, rơi xuống vực, đồng thời kêu anh Toàn kéo cần số cho xe chạy tiếp.



Anh Phong : “Thông tin báo chí đăng tải rằng “xe tải của anh Bắc chạy phía sau xe khách bị mất phanh rồi vượt lên trước, rồi cứu xe tôi, rồi này kia hoàn toàn là không đúng sự thật"


Nhưng sau đó xe vẫn chạy vận tốc hơn 100km và phát hiện phía trước có xe tải đang chạy, anh Phong kêu anh Toàn cho vô lăng va vào đuôi xe tải để an toàn hơn. Tài xế Phong thuật lại: “Ngay lúc đó anh Toàn nhanh chóng kê đầu xe khách vào đuôi xe tải cả hai xe chạy chầm chậm rồi dừng hẳn”.


“Thông tin báo chí đăng tải rằng “xe tải của anh Bắc chạy phía sau xe khách bị mất phanh rồi vượt lên trước, rồi cứu xe tôi, rồi này kia hoàn toàn là không đúng sự thật. Khi đó xe đang xuống dốc là dốc bằng, đã hết đèo vực. Tuy nhiên, xe tôi đang lao xuống dốc với tốc độ trên 120km/giờ thì anh nghĩ chiếc xe tải đang chở hàng đó có chạy nhanh hơn được xe tôi để mà vượt xe tôi?” anh Phong tỏ ra bức xúc.


Về thông tin nói anh Bắc ra dấu cho xe anh Phong ghé đầu xe khách vào đuôi xe tải, anh Phong khẳng định tài xế xe tải không thể biết xe của anh bị mất thắng mà ra dấu. Anh Bắc chỉ biết giữ thăng bằng khi xe khách đâm vào và dừng lại. “Tôi khẳng định và nhấn mạnh rằng xe tải đã cứu hành khách trên xe tôi và anh Bắc là người giữ thăng bằng chiếc xe tải để cả 2 xe dừng lại".


Bên cạnh đó, anh Phong cũng đính chính lại thông tin mà anh Bắc kể lại “trước khi hai xe va chạm vào nhau, hành khách trên xe la ó, thò đầu ra ngoài kêu cứu, là hoàn toàn sai sự thật". Anh Phong cho hay xe của anh là xe kính liền, “một ngón tay còn không đưa ra được làm sao thò được cái đầu ra? Khi xe dừng lại thì hành khách mới đập kiếng để đưa trẻ em và mọi người xuống".


Tài xế Phong kể lại, khi xe dừng hẳn, hành khách mới đập cửa kính thoát ra ngoài. Tuy nhiên anh và tài xế Toàn vẫn mắc kẹt bên trong, thậm chí anh còn khóc suốt 10 phút vì chân bị chảy máu. Lúc này tài xế Bắc bước xuống dùng điện thoại chụp hình, quay phim và không chủ động cho xe di chuyển để kéo anh Phong ra ngoài.


Anh Phong chia sẻ: “Tôi có thấy tài xế Bắc thản nhiên đứng gọi điện thoại chủ xe và công an đến giải quyết và có ý định giữ nguyên hiện trường. Đến khi hành khách la lớn xe bốc khói, người dân xung quanh chạy đến tài xế Bắc mới lên xe tải cho chạy tới vài mét để giải thoát tôi trong đống đổ nát”.


“Tại hiện trường tài xế Bắc và chủ xe còn chủ động yêu cầu chúng tôi bồi thường số tiền 60-80 triệu đồng kèm theo đó là một khoảng nhỏ ảnh hưởng đến việc nghỉ làm, giao hàng chậm trễ. Tôi xin nói tóm gọi lại một câu, tài xế xe tải hoàn toàn không có chủ động cứu chúng tôi nhưng anh đang chia sẻ với dư luận”, anh Phong tỏ ra bức xúc.


Anh Phong nhấn mạnh lại một lần nữa rằng: “Thật sự tôi cảm ơn tài xế Bắc nhưng tôi muốn nói ra sự thật là chúng tôi chủ động va vào xe tải chứ không có chuyện cả hai xe nói chuyện nhau được.” Khi được hỏi anh có công nhận tài xế Bắc là người cứu anh và hàng chục hành khách hay không, anh Phong đáp: “Nói đúng hơn, chiếc xe tải đã cứu chúng tôi chứ không phải là người tài xế xe cứu tụi tôi”.


Như vậy có thể thấy, đang có sự bất nhất giữa lời kể của 3 tài xế có liên quan đến vụ việc tại đèo Bảo Lộc. Liệu sự vinh danh và tung hô của xã hội dành cho tài xế Phan Văn Bắc có thực sự xứng đáng, hay ai mới chính là người được tôn vinh trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc này”? Những câu hỏi này rất cần sự vào cuộc từ các cấp cơ quan chính quyền để trả lại sự minh bạch cho người có công thực sự.


Huyền Thanh (Tổng hợp)


http://vntinnhanh.vn/tin-24h/chu-xe-khach-duoc-xe-tai-cuu-anh-bac-noi-khong-dung-su-that-120703