Choáng vì "cơn nghiện" hàng hiệu của Thu Hằng


http://tintuconline.com.vn/vn/vanhoa/509658/index.html


"Tình yêu hàng hiệu bền vững bởi tôi hiểu được những câu chuyện của nó... Chính vì hiểu nên tôi thích dùng những dòng xa xỉ nhất của thương hiệu đó", Thu Hằng chia sẻ.


Không nhớ nổi sở hữu bao nhiêu hàng hiệu


- Được mệnh danh là tín đồ hàng hiệu, hiện tại chị sở hữu bao nhiêu món đồ hiệu?


(Cười) Làm sao tôi nhớ nổi cơ chứ.


- Thế còn sự thực về bộ sưu tập túi khủng của chị là như thế nào? Có bao nhiêu chiếc cả thảy? Chiếc đắt nhất giá bao nhiêu? Và chiếc rẻ nhất?


Tôi có khoảng 100 chiếc túi. Còn nếu tính thêm những chiếc tôi đã tặng, đã sang tay cho bạn bè thì thực sự tôi không nhớ nổi. Bên cạnh túi, tôi còn rất nghiện giày, số lượng cũng tương đương. Chiếc đắt nhất? (Cười) Tôi xin phép không nói vì không muốn gặp thêm rắc rối về chuyện này nữa. Chiếc rẻ nhất của tôi có giá 500-600 ngàn đồng.



- Để sở hữu một món đồ xa xỉ đẳng cấp thì có vẻ như chuyện dồi dào về ngân lượng là chưa đủ. Chị có thể chia sẻ câu chuyện thú vị nào đó về một món đồ hàng hiệu mà chị từng rất kỳ công để có được?


Để có được một trong những chiếc túi yêu thích, cách đây 3-4 năm, tôi đã có một cuộc đón rước “nàng” về Việt Nam thật vất vả. Hồi đấy, Hermès cho ra đời một dòng Kelly có kiểu dáng trang trí tua, số lượng có hạn và kiểu mẫu hãng chưa bao giờ sản xuất. Nhận được visa tôi liền lập tức lên đường qua Pháp. Tới đấy, tôi mua ngay một chiếc đã đặt trước, còn chiếc túi mơ ước kia hai hôm sau mới về. Tuy nhiên, vào đúng ngày quan trọng đó, lúc thanh toán, tôi mới biết thẻ của mình mỗi ngày chỉ cho phép tiêu số tiền bằng ¼ giá trị chiếc túi. Chạy đôn chạy đáo lo liệu cũng không đủ, mà ngày hôm sau phải về lại Việt Nam, tôi chỉ còn cách nói chuyện với người quản lý cửa hàng Hermes cho mình trả lại chiếc túi kia, để có thêm tiền lấy chiếc túi mơ ước.


Bạn biết rồi đó, đặt mua được túi Hermes không dễ vì mất cả năm liền, giờ mình lại đổi thì rất khó. Nài mãi họ cũng ok, nhưng yêu cầu chỉ được đổi trong vòng 30 phút nữa. Thật ra từ khách sạn tôi ở tới đó cũng không xa, thay vì đi bộ, lúc ấy tôi chỉ nghĩ là đi taxi nhanh hơn. Mà đường thì kẹt xe, taxi đi theo đúng quy trình đường nên đưa tôi đi một vòng, may mà đến kịp. Đây không phải chiếc túi Hermes đắt nhất, nhưng vì tôi đã phải mất quá nhiều công sức và đủ rắc rối nên nó chính là chiếc túi gây ấn tượng nhất với tôi.


- Chị thường mua đồ hiệu ở đâu? Thương hiệu chị thích nhất là gì? Vì sao mà chị thích chúng?


Vì công việc kinh doanh, tôi thường xuyên đi nước ngoài, như cả nửa năm nay, tôi chủ yếu công tác ở châu Âu, nên tôi thường mua hàng hiệu ở đó, vừa an toàn, lại vừa có nhiều cơ hội lựa chọn (cười). Quan trọng là mua ở đó rẻ hơn ở Việt Nam. Tôi thích nhất là túi Hermes, đồ trang sức, giày dép của Chanel và váy Valentino. Tôi cũng thích hiệu Yves Saint Laurent và Louis Vuitton. Bộ sưu tập của tôi chắc đủ để mở cửa hàng (cười). Tôi thích những thương hiệu này vì chúng mang vẻ đẹp cổ điển có giá trị vượt thời gian. Thỉnh thoảng họ có những sự phá cách nhưng rất hợp với gu thẩm mỹ tôi muốn.


- Nghe chị nói chuyện thì thấy quả là chị có một tình yêu vô cùng lớn dành cho hàng hiệu. Thích dùng hàng hiệu như thế, hẳn chị phải biết nhiều những câu chuyện quanh các thương hiệu mà mình yêu thích?


Tôi yêu hàng hiệu 51% là vì tên thương hiệu, 49% là vì sản phẩm. Nhưng vấn đề ở đây, tôi sẽ không mua 51% kia nếu thiếu 49% còn lại. Tình yêu những món hàng hiệu bền vững bởi tôi còn hiểu được những câu chuyện của nó, không quá kỹ lưỡng nhưng cũng đủ để hiểu thương hiệu mình dùng ra đời năm nào, có bao nhiêu dòng sản phẩm, xuất xứ.... Chính vì hiểu nên tôi thích dùng những dòng xa xỉ nhất của thương hiệu đó. Tôi thích xem những bộ phim tư liệu về quá trình hình thành một thương hiệu và đã rất bất ngờ khi biết sự khởi đầu của Hermès chỉ là sản xuất, bán những món đồ về da như yên ngựa, dây cương… Thông thường thì những hãng thời trang khác đều có xuất phát điểm là bán và sản xuất những món đồ liên quan đến thời trang mà bây giờ vẫn là những sản phẩm đỉnh cao và nổi tiếng nhất của họ, còn Hermès thì không! Có lẽ bởi thế mà Hermes luôn là cái tên mà mình ưu ái nhất chăng?


- Là một tín đồ hàng hiệu cực kỳ sành điệu, chị quan niệm như thế nào về hàng hiệu và sự xa xỉ?


Là hàng đắt tiền và sự xa xỉ của nó chính là giá trị mà nó có được qua sự chấp nhận của người tiêu dùng trong một thời gian dài.


Đẹp hay không, không hoàn toàn do hàng hiệu



- Chị nghĩ gì về trào lưu chạy đua theo xa xỉ của các mỹ nam mỹ nữ thời nay khi mà cứ đi dự tiệc là phải túi hàng hiệu dù còn đang ở nhà thuê, đi xe mướn?


Có thể bạn sẽ cho đó là họ mải xây mái mà không lo xây móng, nhưng cũng khó cho họ vì làm trong giới showbiz sẽ khiến họ như thế. Nghề này cũng cần hình thức để tốt cho công việc, cho các mối quan hệ. Tôi nghĩ, dùng hàng hiệu cần có ý thức để tốt cho cả bản thân bạn, cũng như không làm mất đi giá trị của món hàng hiệu. Không phải chứ đi giày Christian Louboutine, mặc váy Gucci, tay xách túi Hermès đã tạo nên đẳng cấp cho bạn. Nếu thiếu yếu tố trên cùng sự tinh tế, bạn sẽ không khác gì cái mắc áo để người ta mắc những món hàng hiệu lên. Ví dụ như Hermes Birkin 3.5 chẳng hạn, nó là dòng túi casual, nên chắc chắn sẽ không phù hợp với các event, party. Dùng hàng hiệu mà thiếu sự tinh tế và không có gu thẩm mỹ nhất định thì coi như một sự phí phạm, thậm chí còn mua vào mình những lời bình phẩm kiểu như mình khoe của.


- Vậy theo chị, những món hàng hiệu có thực sự làm nên “đẳng cấp” của chủ nhân nó?


Tôi nghĩ thế này, chúng ta nên dùng hàng hiệu theo mức thu nhập của mình. Hàng hiệu sinh ra để phục vụ cuộc sống, chứ không phải để mình lao theo bằng mọi giá. Tôi thấy mấy bạn teen bây giờ mặc rất đẹp, hỏi ra thì biết toàn đồ mua trên facebook. Tôi cũng được thấy một số ca sĩ mặc áo vài trăm ngàn, nhưng lên sân khấu vẫn gây được ấn tượng đẹp, nhận được nhiều lời khen. Dùng hàng hiệu hay hàng thường, nếu bạn có gu thẩm mỹ tinh tế, món đồ mới phát huy được tối đa giá trị. Đẹp hay không do chính bạn, chứ không phải hoàn toàn do hàng hiệu mang lại. Hàng hiệu chỉ là những món đồ tạo điểm nhấn cho phong cách của bạn.


- Chị xuất thân trong một gia đình rất khá giả, vậy chị bắt đầu dùng hàng xa xỉ từ khi nào?


Tôi còn nhớ, năm 2003-2004, tôi 16 tuổi (Thu Hằng đạt giải siêu mẫu năm 2002; giải bạc năm đó thuộc về Hồ Ngọc Hà) được đi diễn ở Úc, lúc đó tôi lần đầu tiên được nhìn thấy chiếc túi Hermes Birkin chị Ngô Mỹ Uyên mang, giá trị 8.000-9.000 đô la. Tôi ao ước lắm, không biết đến bao giờ mình mua được. Thời điểm đó, tôi vẫn còn đang đi học. Kinh tế gia đình tốt nhưng tôi không hề biết tiêu tiền, mẹ mua gì mặc nấy, toàn áo vài trăm ngàn. Có một điểm tôi rất ngưỡng mộ mẹ là bà chỉ cho tôi được tiêu xài khi đã biết kiểm soát về nhận thức. Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình khá giả có tiếng ở Hà Nội xưa, nhưng vì một biến cố gia đình, mọi thứ sụp đổ, 16 tuổi bà đã Bắc Nam bươn chải cuộc sống, xây dựng sự nghiệp, vì vậy, bà chi tiêu rất tiết kiệm. Tuy nhiên, đến khi tôi bắt đầu đi làm vào năm thứ hai đại học và làm chăm chỉ, bà lại sẵn sàng mua bất cứ món hàng hiệu nào tôi thích, miễn là thấy hợp lý như Louis Vutton, Prada, Gucci... nhưng cá nhân bà lại chưa bao giờ mua đồ đắt giá cho mình.



Năm 2008, khi du lịch châu Âu, ngang qua cửa hàng Hermes, tôi đã thấy một chiếc Birkin màu hồng size 35 được bày đầy kiêu hãnh bên trong tủ kính. Lúc đó, tôi xin mẹ dừng lại cho con… ngắm một chút, tuy nhiên không nghĩ một ngày nào đó mình sẽ được xách một chiếc túi như thế. Năm đó, tôi chính thức đi làm cho công ty của gia đình. Một năm sau, bộ sưu tập túi của tôi đã có sự góp mặt của khá nhiều túi Hermes… Không phủ nhận là gia đình cũng có trợ giúp cho tôi một cuộc sống tốt đẹp, nhưng những gì tôi có ngày hôm nay cũng là công sức lao động của chính tôi.


- Chị có sợ người ta nghĩ bạn tiêu tiền hoang phí khi tiết lộ sở thích xài hàng hiệu của mình trên báo chí?


Kiếm tiền thời nay không dễ và tôi không phải người phung phí tiền bạc, tôi chỉ bỏ tiền ra cho những thứ mình thấy xứng đáng. Tôi thích đầu tư cho cuộc sống hằng ngày hơn là những bữa tiệc, những phút giây lộng lẫy trên thảm đỏ, nên không tiếc tiền mua những món đồ cho cuộc sống, công việc hằng ngày và tôi chọn Hermes cũng là vì thế. Nhiều người không biết, bóp đi tiệc không phải lúc nào tôi cũng dùng hàng xa xỉ, có khi chỉ là món đồ vài trăm ngàn nhưng chính nó lại tạo được điểm nhấn cho chiếc váy tôi mặc nên mình nhận được nhiều lời khen. Ngay như váy cũng vậy. Váy hàng hiệu giá gần chục ngàn đô mà chỉ dùng đi event một hai lần là không dùng lại, như vậy rất hoang phí, nên tôi thích hợp tác với các nhà thiết kế trong nước hơn.


- Nổi tiếng là một người mẫu đắt show nhưng có vẻ như năm qua chị không quá bận rộn showbiz. Vì lí do gì vậy?


Tôi không quá bận rộn vì công việc chính của tôi vẫn là kinh doanh. Hơn nữa, tôi luôn có sự chọn lọc khi nhận lời tham gia các chương trình. Lý do là tôi luôn muốn có sự đầu tư về thời gian và công sức cho mỗi một công việc mình nhận, cũng như cho hình ảnh của bản thân. Thời điểm này tôi bận nhất với công việc MC bởi cuối năm có quá nhiều event.


- Câu hỏi cuối cùng cho một tín đồ hàng hiệu: Có món đồ xa xỉ nào mà chị đang mơ ước được sở hữu?


Có lẽ là một chiếc Himalaya Birkin lấp lánh bởi những viên kim cương (cười)