Chính phủ: 'Kinh tế đang phục hồi rõ nét'


Lạm phát đang được kiểm soát tốt, kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại từ nhập siêu sang xuất siêu cùng nhiều chỉ tiêu 2013 đạt cao hơn so với báo cáo trước khiến Chính phủ tin rằng xu hướng phục hồi đang rõ nét.


TS Trần Đình Thiên: Bức tranh kinh tế chưa thực sự tươi hồng / Chủ tịch Quốc hội: 'Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa'


Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2013 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với số đã báo cáo tại kỳ họp trước. Trong đó, tăng trưởng kinh tế xấp xỉ đạt kế hoạch khi đạt 5,42%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,04% (số đã báo cáo khoảng 7%) - thấp nhất trong 10 năm qua.









Phó thủ tướng báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay.



Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu so với báo cáo ước tính trước đó. Dư nợ tín dụng cả năm cũng đạt 12,5% - cao hơn con số báo cáo 12% cũ của Chính phủ gửi Quốc hội. Đến cuối năm 2013 nợ công bằng 53,4% GDP, nợ Chính phủ 41,5%, nợ nước ngoài của quốc gia 37,2% (đã báo cáo là 56,2%, 42,6% và 39,5%), trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 30,4% GDP (đã báo cáo 29,1% GDP). "Kết quả trên cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội, khẳng định rõ hơn xu hướng phục hồi của nền kinh tế", Chính phủ khẳng định.









Các chỉ tiêu kinh tế năm 2013. Nguồn: Chính phủ



Về tình hình 4 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo, GDP quý I tăng 4,96%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Sau 4 tháng, Chính phủ cho biết đã xuất siêu khoảng 684 triệu USD, thu - chi ngân sách nhà nước lần lượt đạt 36,9% và 32,9% dự toán.


Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận Chính phủ đã kiên trì điều hành các chính sách kinh tế trong năm 2013. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng cho rằng các cân đối lớn năm qua bảo đảm, hầu hết các thị trường hoạt động khá ổn định. "Nhờ cán cân thương mại xuất siêu và nguồn kiều hối tăng mạnh, ngoại tệ thặng dư lớn đã gia tăng dự trữ ngoại hối, thị trường ngoại hối khá ổn định", đại diện cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết.


Tuy nhiên, cả Chính phủ lẫn cơ quan thẩm tra đều thừa nhận xu hướng ổn định vĩ mô của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng tín dụng thấp và nợ xấu xử lý còn chậm. Đại diện cho Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu cũng nói thêm, tổng cầu nội địa còn yếu, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng trong khi nợ xấu chưa được giải quyết, tăng trưởng khu vực nông nghiệp giảm sút rõ rệt...


Bên cạnh đó, một lần nữa tại Quốc hội, cơ quan thẩm tra lại bày tỏ những băn khoăn về tính khách quan số liệu của các báo cáo như cán cân thương mại, thu ngân sách, tăng trưởng dư nợ tín dụng. "Cần đánh giá thực chất hơn thực trạng của nền kinh tế qua diễn biến sản xuất và đời sống", ông Giàu phát biểu trước Quốc hội.


Ngoài ổn định lạm phát, việc cán cân thương mại tiếp tục thặng dư năm thứ hai liên tiếp được xem là những thành tích ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013. Mặc dù vậy, Ủy ban Kinh tế vẫn lưu ý tình trạng xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu từ khối doanh nghiệp FDI, tỷ lệ nhập khẩu về nguyên, vật liệu lớn để gia công sản xuất cho thấy sự phụ thuộc vào thị trường cung cấp nước ngoài. "Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, cao su, cá tra, cá ba sa sụt giảm, công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển quá chậm, chưa tận dụng và khai thác hết các cơ hội", đại diện cơ quan thẩm tra thẳng thắn cho hay.


Một số ý kiến khác cũng lo ngại việc phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô lớn nhưng chủ yếu qua ngân hàng thương mại chiếm 86% tổng nguồn huy động trái phiếu Chính phủ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng đầu tư tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp và một số ý kiến cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khó tiếp cận vay vốn tín dụng.


Thanh Thanh Lan


http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/chinh-phu-kinh-te-dang-phuc-hoi-ro-net-2993180.html