http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2011/07/chi-trung-nghen-ngao-trong-tang-le-nsnd-quy-duong/


Với tư cách trưởng nam, NSƯT Chí Trung xúc động mãi mới cất nên lời cảm tạ những người đến dự lễ truy điệu thân phụ anh vào sáng 1/7 tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, Hà Nội. Sự xót thương hằn trên khuôn mặt những nghệ sĩ kỳ cựu cùng thời với Quý Dương lẫn các gương mặt trẻ.


> NSND Quý Dương từ trần / NSND Quý Dương vẫn chưa hài lòng về Chí Trung


Nhạc sĩ Hồng Đăng và Trần Tiến nhìn NSND Quý Dương lần cuối.


NSND Quý Dương ra đi đột ngột vào chiều 28/6 trên đường tới bệnh viện Việt Xô chạy thận theo lịch hẹn với bác sĩ. Ông không kịp trăng trối điều gì cùng con cháu. Con trai út của ông và hai cháu nội là con Chí Trung đang du học ở Mỹ vội vã về Việt Nam đưa tiễn. Hầu hết các cơ quan nghệ thuật có trụ sở ở Hà Nội đều đến tiễn đưa cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nơi NSND Quý Dương từng công tác, Nhà hát Tuổi trẻ nơi Chí Trung đang giữ cương vị Trưởng đoàn 2 đến Nhà hát Nhạc nhẹ, Nhà hát Chèo Hà Nội, Hội sân khấu… NSND Trung Kiên là một trong những người đến sớm nhất. Nhạc sĩ Trần Tiến thì thay anh trai Trần Hiếu thắp nhang tưởng nhớ NSND Quý Dương. Những năm chiến tranh, Quý Dương - Trung Kiên - Trần Hiếu là ba tên tuổi gắn liền với những ca khúc cách mạng, những bài hát về quê hương, đất nước khơi dậy ý chí chiến đấu trong hàng triệu chiến sĩ. Từ một người thợ mỏ, Quý Dương đã vươn lên thành ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc cổ điển hàng đầu Việt Nam.


Những người cùng thời với NSND Quý Dương không còn nhiều nhưng lớp ca sĩ do ông đào tạo, nay đảm nhận cương vị Giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì rất đông đảo. Đăng Dương nghẹn ngào cúi đầu trước linh cữu, Lan Anh mắt đỏ hoe, Phương Thảo nức nở từ lúc vào viếng đến tận khi đưa linh cữu NSND Quý Dương lên xe tới Nhà hóa thân Hoàn Vũ còn Ngọc Quy lặng lẽ đứng một góc cầm máy ảnh ghi lại cảnh đoàn người vào viếng, thi thoảng đưa ống tay áo lên lau mắt. Những cây hài nổi tiếng đất Bắc như Minh Vượng, Thành Trung, Tự Long, Vân Dung, Công Lý đầy nét buồn thương trên mặt. Diễn viên Trần Tiến mấy năm nay sức khỏe không tốt, ít khi xuất hiện tại các sự kiện cũng cùng con gái Lê Khanh đến tiễn bạn già.


Chí Trung, Ngọc Huyền và con trai trong lễ khâm liệm.


Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, hàng nghìn người đã đến từ biệt NSND Quý Dương. Vợ con ông ai cũng đỏ hoe nghẹn ngào. Diễn viên Ngọc Huyền liên tục đưa tay chấm nước mắt. Khi bố chồng còn sống, Ngọc Huyền đã làm trọn bổn phận cô con dâu hiếu thảo, thường xuyên ra vào bệnh viện đưa cơm, chăm sóc tình trạng sức khỏe của ông. Nhiều bạn thân chia sẻ với Chí Trung bằng những cái ôm chân tình. Người đau khổ nhất là bạn đời của NSND Quý Dương. Khi gia quyến lên nhìn mặt ông lần cuối, bà hầu như không thể đứng vững, phải nhờ đến con trai út dìu lên nhìn hai lần. Không phải là người phụ nữ đầu tiên của NSND Quý Dương nhưng bà đã cùng ông chia sẻ gần hết cuộc đời. Khi quan tài ông được đưa lên xe để đưa tới Đài hóa thân Hoàn Vũ, bà níu sau xe khóc: “Anh ra đi đột ngột quá. Anh về với con với cháu đi anh. Vắng anh, em sống với ai” - làm thắt lòng những người có mặt.


Tại lễ truy điệu, một lần nữa, giọng ca trầm ấm, sang trọng của NSND Quý Dương lại vang lên với những bài hát đã gắn liền tên tuổi của ông như Tấm áo mẹ vá năm xưa, Tình em… như một minh chứng: NSND Quý Dương đã ra đi nhưng giọng ca của ông còn vang mãi trong lòng người yêu nhạc.


Chí Trung và gia đình nghẹn ngào khi đưa quan tài của NSND Quý Dương lên xe đến Đài Hóa thân Hoàn Vũ.


Khi chiếc xe tang chuyển bánh, dòng người đưa tiễn dần dần ra về, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình vẫn đứng lặng ở sân nhà tang lễ. Sinh thời, NSND Quý Dương với Hồ Quang Bình không chỉ gắn bó bằng tình yêu âm nhạc mà còn bằng tình anh em thắm thiết. Hai người biết nhau từ năm 1956 - khi còn là sinh viên trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay). Chính Hồ Quang Bình là người cùng Quý Dương đề xướng tổ chức Đêm nhạc Văn Cao, giới thiệu những bài hát cách mạng và trữ tình của Văn Cao đến đông đảo công chúng cả nước trong làn gió đổi mới văn hóa. Trước sự ra đi của người bạn, Hồ Quang Bình không lấy làm đột ngột. “Anh Quý Dương bị bệnh tật hành hạ đã hơn 20 năm rồi - gia đình và bạn bè của anh đều biết sẽ có ngày hôm nay. Với tôi, sự ra đi của anh chỉ giống như thay đổi chỗ ở bởi đời sống con người thì ngắn ngủi nhưng nghệ thuật thì muôn đời. Anh là một giọng hát quý và rất quan trọng, người nghệ sĩ mở đầu nền nhạc kịch Việt Nam. Anh mãi mãi để lại những tình cảm sâu nặng trong lòng người thân và khán giả” - vị Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội nghẹn ngào.


Ngọc Trần