Gia đình ông Long luôn khiến hàng xóm lác mắt thán phục bởi độ chịu chơi của mình. Ông dám ném tiền vào những thứ sang trọng mà ngay cả nhà khá hơn ông nhiều lần vẫn còn 'lăn tăn'.



Ít tiền cũng phải tiêu cho sung sướng



Nhà ông Long ở trong một ngõ thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Vợ làm kế toán, chồng sửa chữa và mua đi bán lại điện thoại di động cũ tại nhà. Thu nhập của họ thuộc hàng trung bình, so với những nhà xung quanh thì thậm chí hơi kém một chút. Thế nhưng cách chi tiêu, sinh hoạt của họ thì hàng xóm không thể nào bì kịp.



Cứ vài tháng, nhà ông Long lại kéo nhau đi du lịch. "Sống là phải biết đó biết đây. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Đi chơi một là tăng hiểu biết, hai là giúp đầu óc mình thư giãn, tinh thần được thoải mái, thế mới tăng hiệu suất làm việc và học tập được. Thời bây giờ, chơi mới là cái để đánh giá người ta có biết sống hay không, chứ ăn thì đáng gì", ông Long giảng giải.



Vì họ đi chơi thường xuyên quá nên những địa điểm du lịch ở miền Bắc đều nhanh chóng được "khai thác" hết. Độ xa của những chuyến đi cứ tăng dần, đồng nghĩa với việc chi phí cho ngày một tăng. Và từ mấy năm nay, họ đặt ra thông lệ là mỗi năm phải sang nước ngoài một lần. Không đi thì thôi, đã đi thì đừng để những băn khoăn về tiền bạc phá hỏng cả sự thư giãn. Họ phải thuê chỗ nghỉ "tử tế", ăn uống có gì ngon thì đắt cũng phải thử cho biết.



Mỗi lần trở về từ một chuyến du lịch, mọi thành viên trong gia đình ông Long đều tươi rói vì thỏa mãn, hai ông bà trông trẻ ra đến mấy tuổi. Những người xung quanh thấy thế đều tự nhủ, giá trị của những thú vui tinh thần quả thật là không thể dùng đồng tiền mà đo đếm được. Thế nhưng, dù rất muốn, họ chẳng thể học theo gia đình chịu chơi này, bởi tiền của họ còn bận chi cho vô số nhu cầu thường nhật khác, và dành một phần để dự phòng cho tương lai.



Tuy bảo "ăn đáng bao nhiêu" nhưng cái sự ăn của nhà ông Long cũng không ai trong khu dân cư đó bì kịp. Bà Long rất kỹ tính. Bà đã đi chợ là phải chọn những nguyên liệu ngon nhất. "Không phải hàng loại 1 thì đừng có mời bà ấy. Còn đồ mà ngon thì không phải nghĩ, có bán đắt một chút bà ấy cũng mua", mấy chị bán hàng ở chợ truyền kinh nghiệm cho nhau. Những thực phẩm hạng sang mà người bình thường chỉ thỉnh thoảng mới dám mua lại là món ăn thường xuyên trên bàn của họ, ngay cả trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay.






"Kinh tế suy thoái thì rồi sẽ phục hồi thôi", cậu con trai 29 tuổi chưa vợ của ông Long tự hào "diễn thuyết' về sự rộng rãi trong chi tiêu của gia đình mình. "Nhưng những phút giây của cuộc đời mình trôi qua thì không lấy lại được. Bố cháu vẫn bảo, đời được mấy tí, cho dù nghèo cũng phải sống cho sang, phải được nếm trải hết của ngon vật lạ, ngu gì chịu khổ. Nhiều người có tiền không dám tiêu, ki ki cóp cóp, sống khổ sống sở, đến lúc già yếu, miếng ngon cũng ăn không nổi nữa, mới ôm đống tiền mà ân hận, hối tiếc".



Đó cũng là quan điểm của gia đình chị Hoa (34 tuổi, Hải Phòng). So với chị em trong công ty, Hoa có thu nhập thuộc hàng thấp, chồng chị cũng chẳng kiếm tiền giỏi như chồng các nữ đồng nghiệp khác. Thế nhưng đừng có ai hòng đọ được với chị về độ sành trong ăn mặc và cái gan ném cả đống tiền vào những món thời trang đắt giá. Nhìn Hoa, mấy cô bạn trong phòng chép miệng thèm thuồng bảo: "Thấy Hoa mặc đẹp, bọn mình cũng thèm lắm, nhưng chắc phải ít năm nữa mới dám bỏ vài triệu đồng để mua một cái váy hay chục triệu đồng mua cái túi. Giờ mà mua thì hết cả tiền tích lũy, thấy có tội với chồng con lắm".



Hoa bảo; "Trời! Chờ ít năm nữa thành bà già, có đắp vàng lên người cũng chả đẹp được. Các bà đúng là ngược đời, khi còn đẹp thì để nhan sắc bị vùi dập. Ngay bây giờ, nếu các bà tiếc vài triệu đồng cho một hộp kem dưỡng da, tiếc mỗi tuần dăm sáu trăm nghìn đồng cho việc spa giữ dáng, thì chỉ mấy năm nữa khi các bà quyết định chi tiền cũng đã quá muộn rồi". Hoa cũng cho biết thêm, chị chẳng thấy có tội với chồng con vì mọi thành viên trong gia đình chị đều biết sống cho hiện tại, không ai thiệt thòi cả.




Ảnh minh họa




"Chúng ta luôn luôn sống trong hiện tại phải không? Lúc nào cũng tiết kiệm để dành cho tương lai, nhưng tương lai có bao giờ đến đâu?", Hoa triết lý. Vì thế, vợ chồng con cái chị đều ăn mặc đẹp, đi xe đẹp, tuần một lần chở nhau đi ăn nhà hàng. Điều khiến Hoa còn lấn cấn là ngôi nhà cấp bốn bố mẹ chồng cho hơi xập xệ, giá mà xây lại được thì không còn gì phải nghĩ nữa. Nhưng tiền kiếm được, họ dành cho ăn tiêu hết rồi nên nhà cửa đành để sau hẵng hay.



Tán loạn vay tiền



Nếu như cách sống của gia đình ông Long trước đây vẫn khiến hàng xóm "phục nhưng không dám bắt chước" thì bây giờ lại được họ lôi ra làm "tấm gương cảnh báo". Con trai ông trong một lần uống rượu say, đêm khuya phóng xe máy đánh võng không đội mũ bảo hiểm, bị công an tuýt còi thì rú ga để chạy. Nhưng chưa ai đuổi thì xe cậu đã lăn chiêng ra đường, chủ nhân của nó va đầu vào dải phân cách, chấn thương sọ não.



Vốn vung tay quá trán, khi cần một số tiền lớn để chữa chạy cho con, vợ chồng ông Long đều chỉ biết thẫn thờ nhìn nhau. Bà Long bán nhẫn và dây chuyền, bán cả chiếc xe máy, nhưng vẫn chỉ đủ một phần nhỏ viện phí. Cả nhà tán loạn chạy khắp nơi vay tiền. Thế nhưng hàng xóm, họ hàng, người quen, ai biếu được bao nhiêu thì biếu, chứ vay thì chẳng ai gật đầu. Thời buổi khó khăn, đồng tiền khan hiếm, vả lại nhìn cách ăn tiêu của nhà ông Long, họ cảm thấy nếu cho vay thì khả năng được hoàn trả quá đỗi mơ hồ.



Bệnh tình con trai nguy cấp, nếu không lo ngay, để trễ ít ngày thì dù có chồng cả đống vàng cũng thành vô ích. Vì vậy, gia đình ông Long vừa đi vay nóng tiền của "xã hội đen" với lãi suất cắt cổ, vừa treo biển bán nhà. "Cốt sao cháu nó bình phục là được. Với số tiền bán nhà còn lại, chúng tôi sẽ mua một mảnh đất nhỏ ở Đông Anh để xây ở. Giá trước đây kiềm chế chi tiêu một chút thì..."



Hối hận cũng là tâm trạng của Hoa khi mới đây, chồng chị bị mất việc. Với việc mất đi 70% thu nhập, Hoa không thể nào thực hiện phương châm "hưởng thụ cho khỏi phí tuổi xanh" được nữa, bởi số tiền chị kiếm được chỉ vừa xoẳn cho những nhu cầu tối thiếu của gia đình.



Cái quán tính của lối tiêu tiền xông xênh khiến trong mấy tháng đầu, chị chưa thể thích nghi được với sự eo hẹp của ngân quỹ. Lúc đi siêu thị, Hoa vẫn quen tay nhặt những thứ thích mắt vào giỏ. Trên đường đi làm về, liếc thấy cái váy đẹp trong shop, chị vẫn phanh kít xe lại, vào mặc thử, và chỉ nhận ra mối đe dọa rỗng ví khi nhìn giá tiền ghi trên mác. Nhưng váy đã thử, chị đã trót "phải lòng" nó mất rồi, thế nên chỉ ngần ngừ giây lát, cuối cùng chị cũng tặc lưỡi rút tiền ra trả. Và chỉ đến giữa tháng, Hoa đã chẳng còn tiền đi chợ, phải về nhà mẹ đẻ vay tạm.



Dạo này, thỉnh thoảng Hoa lại 'kiểm kê" tủ đồ của mình, lôi những món trang phục, phụ kiện mà chị ít dùng ra, lên mạng thanh lý lại. Đồ của chị toàn loại tốt, tần suất sử dụng thấp nên bán cũng đắt hàng. Tuy nhiên, số tiền đó so với nhu cầu chi tiêu của một gia đình thì chẳng đáng là bao. Vì thế, chỉ ít ngày sau, Hoa đã lại phân loại để bán lần nữa.



Những váy áo hàng hiệu, những túi xách hạng sang, thắt lưng, giày dép, kính, ví... đắt tiền trong tủ chị cứ ra đi dần, hiện chỉ còn lại những món mà chị Hoa "dù có chết cũng không thể chia tay". Hoa bảo, chị không thể bán thêm nữa vì sẽ không còn gì để diện, vả lại có bán cũng chỉ tiêu được ít ngày thôi.



Giờ thì ai vay tiền được, Hoa đều đã vay rồi, khi không vay được ai nữa thì chỉ có cách cầu cứu cha mẹ, anh em cả bên nội lẫn bên ngoại. Hoa cho biết chị đang rất hy vọng vì buổi phỏng vấn xin việc của chồng gần đây nhất có vẻ khả quan. "Nếu anh ấy có việc thì gia đình tôi đúng là như sống lại. Từ giờ trở đi, cạch không dám tiêu bừa phứa nữa. Tôi vẫn giữ quan điểm sống phải biết tận hưởng, không nên khắc khổ, nhưng mỗi tháng sẽ phải dành ra một khoản tiền không được phép đụng đến, kẻo lúc bất trắc lại không biết bấu víu vào đâu", Hoa nói.


Khả Khanh (Xzone/Tri Thức Thời Đại)


http://xzone.vn/Web/77/482/106032/Chet-do-vi-ngheo-van-phai-song-cho-sang.html