Châu Âu muốn Google mở rộng quyền được lãng quên trên mạng ra phạm vi toàn cầu



Thứ năm, 27/11/2014 - 09:31 AM (GMT+7)





Châu Âu yêu cầu Google cần xóa kết quả tìm kiếm ở tên miền quốc tế





NDĐT - Cơ quan quản lý bảo vệ dữ liệu cá nhân của châu Âu đã hoàn thiện một hướng dẫn cụ thể để hãng khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm phải áp dụng theo quy định của tòa án châu Âu về việc cho phép công dân châu Âu có quyền được lãng quên trên mạng trong kết quả tìm kiếm của Google.



Trong tháng Năm năm nay, công dân châu Âu được quyền yêu cầu Google xóa các kết quả tìm kiếm ở châu Âu liên quan đến tên của họ nếu kết quả tìm kiếm là “không đầy đủ, không liên quan hoặc không còn phù hợp hoặc quá nhiều”.


Tuy nhiên, theo nhóm làm việc WP29 của cơ quan quản lý về bảo vệ thông tin cá nhân của ủy ban châu Âu, thì việc Google chỉ loại bỏ kết quả tìm kiếm ở các tên miền của châu Âu là không đầy đủ. Để đảm bảo đầy đủ quyền của người yêu cầu thì phải xóa tất cả liên kết và do đó, cần xóa cả các kết quả tìm kiếm ở tên miền quốc tế .com.


Hướng dẫn của WP29 hiện chưa được công bố toàn văn và có thể là nguyên nhân mở rộng cuộc chiến giữa cơ quan quản lý tính riêng tư và Google vì Google từ lâu vẫn từ chối xóa bỏ kết quả tìm kiếm trên các tên miền .com.


Google hiện chỉ xóa kết quả trong tên miền của 28 nước châu Âu và một số nước sử dụng tên miên của Google như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ.


Peter Fleischer, người phụ trách về tính riêng tư của Google, giải thích sở dĩ họ không xóa các liên kết liên quan đến tên miền quốc tế .com là do chưa có tòa án nào trên thế giới đạt được một kết quả tương tự như toàn án tư pháp của liên minh châu Âu (CJEU).


Người phát ngôn của Google cho biết họ chưa được đọc hướng dẫn của WP29 nhưng Google sẽ nghiên cứu hướng dẫn này một cách cẩn thận khi nó được công bố.


Hướng dẫn của WP29 cũng bao gồm một danh sách các trường hợp cụ thể mà các cơ quan quản lý sẽ áp dụng để xử lý các hồ sơ khiếu nại ở các nước về xóa các kết quả tìm kiếm. Hướng dẫn bao gồm 13 trường hợp cụ thể áp dụng theo từng trường hợp và cung cấp một công cụ mềm dẻo để giúp các cơ quan quản lý ra các quyết định đúng.





HẢI LY


(Theo PCWorld)