Đau cổ vai gáy là căn bệnh không xa lạ với người dân. Ước tính, hằng năm có khoảng 30% người dân trên thế giới gặp phải các vấn đề về vùng vai gáy. Bệnh có thể nhẹ đến mức có thể tự khỏi hoặc có thể nặng, trở thành mãn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

Người bệnh có thể khám và điều trị đau cổ vai gáy bằng phương pháp y học hiện đại hoặc y học cổ truyền. Gần đây, chữa đau cổ vai gáy bằng cách “bẻ cổ” đang trở thành trào lưu, được lan truyền trên mạng xã hội. Tuy nhiên, người bệnh cần phải cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp này.

Nhiều nguyên nhân gây đau cổ vai gáy 

Đau cổ vai gáy là tình trạng bệnh xảy ra khá phổ biến, xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Theo đó, một số yếu tố điển hình gồm: Thoát vị đĩa đệm cổ (một số triệu chứng đi kèm thường gặp bao gồm: Ngứa ran vùng cổ vai gáy, nóng rát vùng cổ vai gáy, tê vùng cổ vai gáy); thoái hóa đốt sống cổ (các dây thần kinh cột sống có nguy cơ bị thu hẹp hoặc viêm gây ra những cơn đau khó chịu lan dần từ cổ xuống vai); căng cơ; viêm dây thần kinh cánh tay (một số triệu chứng đi kèm thường gặp là ngứa ran, tê, yếu vai, cánh tay, bàn tay…); duy trì các tư thế sai trong một thời gian dài (ngủ trên gối quá cao, ngồi trước máy tính hoặc điện thoại ở tư thế căng cổ về phía trước hoặc ngửa lên, đột ngột giật cổ khi tập thể dục…) có thể dẫn đến hiện tượng căng cơ, gân ở vùng cổ vai gáy… 

Tuy nhiên, tình trạng này cũng có nguy cơ dẫn đến tàn tật vĩnh viễn nếu triệu chứng kéo dài hoặc tiến triển nghiêm trọng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhức mỏi cổ vai gáy dai dẳng còn có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ung thư liên quan, điển hình như ung thư phổi. Do đó, ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau nhức bất thường, người bệnh nên chủ động liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời”.

hình ảnh

Người bệnh bị đau cổ vai gáy có thể được điều trị bằng y học cổ truyền với 2 phương pháp chủ yếu là châm cứu và xoa bóp bấm huyệt (trong ảnh: một bệnh nhân đau cổ vai gáy đang được điều trị).

Ngoài những cách can thiệp thông thường bằng thuốc giảm đau, giãn cơ của y học hiện đại, người bệnh có thể được điều trị bằng y học cổ truyền. “Điều trị bằng y học cổ truyền rất an toàn và hiệu quả, có thể điều trị dứt điểm chứng đau cổ vai gáy”, BS Chúc cho hay.

Phương pháp thường được dùng để điều trị đau cổ vai gáy là châm cứu. Theo đó, bác sĩ dùng kim châm tác động vào các huyệt vị giúp giãn cơ, giảm cảm giác đau mỏi, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, đả thông kinh lạc bị ứ trệ giúp cơ thể thoải mái, cân bằng âm dương trong cơ thể giúp điều hòa cả về thể chất và tinh thần.

Phương pháp thường dùng thứ 2 là xoa bóp bấm huyệt, tác động trực tiếp lên da, cơ, mạch máu nhằm đả thông kinh mạch, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức và đẩy lùi hàn phong thấp, giúp cơ thể dễ chịu và thư giãn ngay sau khi trị liệu.

“Xoa bóp bấm huyệt mang đến hiệu quả cao, ít rủi ro và ngay sau khi điều trị từng buổi đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên các trường hợp cơn đau dữ dội và kéo dài cần có sự chỉ định của các bác sĩ chuyên môn và kỹ thuật cao”, BS Chúc khuyến cáo.

Cẩn trọng với phương pháp “bẻ xương khớp” 

Thời gian gần đây, trào lưu bẻ xương khớp trị bệnh cột sống, cổ vai gáy được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok. Những tiếng kêu rắc rắc khi bẻ khớp trở thành niềm thích thú của nhiều người. Do đó, nhiều người bị đau cổ vai gáy đã tìm đến những địa chỉ thực hiện phương pháp này; thậm chí xem việc bẻ khớp như một liệu pháp để thư giãn.

Các chuyên gia cho biết, phương pháp này được gọi là trị liệu thần kinh cột sống - một chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tại mỹ. Tuy nhiên, nếu tự ý áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến dây chằng bao khớp xung quanh bị yếu, có thể dẫn đến hư khớp. 

hình ảnh

Người bệnh được chụp X-quang để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh đau cổ vai gáy nhằm tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Việc tự ý bẻ xương khớp như: khớp ngón tay, cột sống, khớp cổ… là một trong những thói quen xấu làm giảm tuổi thọ của xương khớp. Điều này khiến cho các khớp ngày càng to lên, đồng thời có thể gây ra những tổn thương như: bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.