GDP quý 1-2020 tăng rất thấp (3,82%), chỉ nhỉnh hơn so với quý thấp nhất ở giai đoạn khủng hoảng tài chính thế giới là quý 1-2009 (tăng 3,1%). Dự báo tăng trưởng theo xu hướng có thể còn thấp hơn nữa trong quý 2-2020.

Khó khăn thực tế rất lớn

Dù Chính phủ đã có chủ trương và hàng loạt chỉ đạo cùng với chính sách hỗ trợ trên tinh thần kịp thời nhưng vẫn còn nhiều khó khăn của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ. Gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là cần thiết, nhưng miễn thuế sẽ thiết thực hơn.

Nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, sự hỗ trợ này mới nghe qua có thể cho là tín hiệu vui nhưng xem ra còn thấp so với thực tế, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối diện. 

Nếu được chậm nộp thuế thì doanh nghiệp sẽ có thêm khoảng thời gian 5 tháng. Nhưng thực tế phần lớn doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, sản xuất đình trệ, có nguy cơ ngừng hoạt động. Lúc này dù có gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cũng không có ý nghĩa gì nhiều.

Gói tín dụng 285.000 tỉ đồng cần thiết nhưng hấp thụ được lượng vốn khủng này là không dễ dàng. Thực tế ngân hàng nào cho vay cũng lo rủi ro, nợ xấu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp dù cần tiền nhưng ngại đi vay vì đang gặp khó khăn nguyên liệu đầu vào, khó cả đầu ra khi không xuất khẩu được.

Những số liệu thống kê có thể chưa nói hết thực trạng khó khăn, tác động đầy đủ mà các doanh nghiệp phải chịu do dịch COVID-19. Khi thiệt hại nặng nề, khôi phục là không dễ, nhất là xu hướng dịch bệnh thế giới vẫn đang lây lan nhanh. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần những chính sách đặc biệt và cấp thiết.

Cần cơ quan điều phối mạnh

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hay các cơ quan thuế..., nơi nào cũng có những nhiệm vụ riêng. Ý kiến cơ quan này không nhận được sự đồng thuận chung thì khó có tháo gỡ đồng bộ, kịp thời. 

Vì vậy, nên có một cơ quan liên ngành nhà nước đứng ra làm đầu mối phối hợp, xem xét toàn diện, triển khai các biện pháp hỗ trợ không chỉ giảm và miễn thuế mà còn thúc đẩy tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tài chính theo hướng đồng bộ, kịp thời sẽ thiết thực hơn và ít ra tránh được tình trạng "chỗ nóng chỗ lạnh", mỗi nơi làm mỗi kiểu như đã từng xảy ra hay "trống đánh xuôi nhưng kèn thổi ngược", đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối.

Chúng ta đã có ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 hoạt động hiệu quả. Chúng ta nên nghĩ tới mô hình này. Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một ban chỉ đạo phục hồi kinh tế hậu COVID-19 hoạt động hiệu quả và tích cực tương tự, huy động được các nguồn lực, đưa ra quyết định kịp thời và táo bạo, giúp Việt Nam không chỉ được đánh giá đứng hàng đầu thế giới về phòng chống COVID-19 mà còn đứng đầu thế giới về hiệu quả phục hồi kinh tế. Như thế người dân sẽ được hưởng lợi và chiến thắng của chúng ta trước dịch bệnh sẽ thực sự trọn vẹn.

hình ảnh

Một cơ sở kinh doanh vắng khách do COVID-19 tại trung tâm quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH