(VnMedia) - Cấm xe máy thì hay nhưng nếu vậy người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì? Đây là sáng kiến của người đi ô tô, không thực tiễn, mơ mộng, viển vông… đó là những băn khoăn, tranh cãi quanh đề án cấm xe máy trong nội thành vào giờ cao điểm.



>Đề xuất cấm xe máy nội thành giờ cao điểm


>>Hà Nội quyết tìm cách kiểm soát xe cá nhân



Sau khi VnMedia đăng bài, Đề xuất cấm xe máy nội thành giờ cao điểm, tòa soạn đã nhận được hơn trăm ý kiến của bạn đọc bày tỏ đồng tình và không đồng tình về đề án này. Phản hồi về đề án cấm xe máy trong nội thành vào giờ cao điểm của ông Vũ Tuyên, bạn Nguyễn Minh Quang, Hà Nội cho rằng, cấm xe máy trong nội thanh là việc làm hay và hoàn toàn ủng hộ, nhưng cấm rồi người dân đi lại bằng gì?. Chưa cấm xe máy, xe bus chủ yếu dùng cho học sinh, sinh viên mà còn đông đúc, chật trội, chậm giờ, bỏ bến huống hồ cấm xe máy.



“Các bác có giỏi thì đi xe bus 1 tháng xem có chịu nổi không? Còn nếu các bác làm giao thông công cộng tốt, thì nói thật đi xe máy chỉ là bất đắc dĩ, đi xe bus cho sướng, vừa mát vừa sạch lại không tốn tiền”, bạn Minh Quang nói.



Sau khi đọc sáng kiến trên, anh Trần Hùng, Hà Nội cho rằng, bác Tuyên là người rất có tâm huyết, nhất là trong việc xây dựng ý thức văn hóa giao thông cho người Hà Nội. Tuy nhiên với đặc điểm quy hoạch của Hà Nội như hiện nay, việc đi làm bằng xe máy là tương đối phù hợp bởi nhiều cơ quan, công ty... nằm sâu trong các ngõ hẻm nếu người dân dùng xe bus thì không tiện lợi.


Hơn nữa nhiều người phải di chuyển liên tục, không sử dụng xe máy mà chờ xe bus thì mất thời giờ và không được việc. Một điều đáng lưu ý là xe bus ở Hà Nội vẫn phản cảm với người dân, đặc biệt là trong thái độ và cách cư xử của nhiều lái xe, phụ xe và vấn đề an ninh trên xe chưa đảm bảo, chưa văn minh nên người sử dụng vẫn quay lưng lại với phương tiện này.


Cảnh thường thấy trên vỉa hè mỗi khi lòng đường ùn tắc.



Theo bạn Nhàn, TPHCM, ý tưởng này khá hay, tuy nhiên khó áp dụng. Nếu cấm xe máy trong nội ô vào giờ cao điểm (6h-8h và 17h-19h) thì mọi người sẽ đi trước 6h và 17h, hoặc là đi sau 8h hay 19h, lúc này giờ cao điểm sẽ chuyển sang thời gian khác, ko còn là 6h-8h hay 17-19h...



Đào Mai Quyên, Hà Nội: Xe máy là phương tiện chính của người dân, và theo như tôi biết thì không có nước nào cấm loại phương tiện chính và nhiều nhất lưu thông trên đường cả. Nếu cứ đánh thẳng vào người dân thì dân luôn là người trực tiếp chịu hậu quả còn gốc gác vẫn không giải quyết được.



“Chúng tôi không có tiền mua ô tô như những người soạn ra quy định này và đặc thù công việc của nhiều nghề không phù hợp để di chuyển bằng xe đạp hoặc phương tiện công cộng (ví dụ như nghề phóng viên). Tôi thấy đây không phải là một quy định phù hợp”, bạn Quyên nêu ý kiến.



Đồng quan điểm, bạn Hà Thanh Giang, Lý Thường Kiệt, Hà Nội cho rằng, tác giả sáng kiến trên chắc là không biết đi xe máy nên mới đưa ra cái sáng kiến kỳ quái này. Phải công nhận là xe máy quá đông trên đường Hà Nội, nhưng đường đâu tắc vì xe máy!. Khi nào Hà Nội phát triển đủ và tốt các loại giao thông công cộng rồi hãy nói đến việc cấm đi xe máy vào giờ cao điểm.



“Cấm như thế rồi mọi người giữa trưa mới tới được chỗ làm và nửa đêm mới về được đến nhà. Trẻ con học mẫu giáo, học sinh cấp 1, 2 vẫn còn phải bố mẹ đưa đón thì đi học thế nào đây? Có phải nhà nào cũng đủ giầu có để mua xe ô tô con đưa trẻ đến trường đâu! Ý tưởng của ông Vũ Tuyên là hoang tưởng!”, bạn Giang viết.



Độc giả Trung Hiếu, Tam Trinh, Hà Nội thì cho rằng, cần cần nhắc lợi ích " giờ không xe máy" cũng lên có "giờ không xe con". Xã hội phải công bằng, không thể vì nhu cầu của số ít mà hy sinh số nhiều được ( người lao động ko có xe con ).Theo bạn Hiếu, tác giả Vũ Tuyên có xe con, hoặc cũng đã nghỉ hưu lên nhu cầu đi lại của ông khác người đi làm như chúng tôi nhiều.


Cảnh thường thấy trên một số tuyến phố của Hà Nội.



Theo bạn Lê Phù Sa, Cà Mau, cấm xe máy như ông Tuyên đề xuất là… không tưởng, bởi lẽ: không ai có thể hy sinh đi làm muộn (rồi dẫn tới thất nghiệp) cả năm trời để chờ mong cảnh xe bus hoàn hảo như ông Tuyên mơ ước.



Giải pháp cấm ô tô cá nhân may ra còn khả thi, cũng bởi thực tế cho thấy lực lượng này chiếm dụng tỷ lệ lòng đường nhiều hơn và gây tắc nghẽn giao thông, nhất là thói dàn hàng ngang và lấn tuyến hầu hết các con đường nội thành.



“Tôi nghĩ tốt nhất, công an hãy làm thật nghiêm việc buộc các xe đi đúng làn đường, ô tô không được đi sang làn đường xe máy và thô sơ (cũng như không đi sang làn đường của loại ô tô khác). Có thể xử phạt nguội các xe ô tô vi phạm”, bạn Phù Sa cho biết.



Theo bạn Phù Sa, TPHCM làm rất tốt việc phạt ô tô đi sai làn nên lưu thoát nhanh, không có cảnh tắc nghẽn nhìn đám đông đan vào nhau đứng im không nhúc nhích như ở Hà Nội.



Bạn Âu Lạc, Hà Nội cho rằng, sáng kiến cấm xe máy trong nội thành là không chấp nhận được. “Thử nhìn nên bức hình thứ 2 của bài báo này xem phương tiện nào là thủ phạm gây tắc đường? Chính là những chiếc ô tô. Nếu thay vì cấm xe máy mà cấm ô tô (trừ xe bus) thì đảm bảo sẽ không có chuyện tắc đường xảy ra. Xe ô tô quá nhiều, đi lấn hết đường của xe máy, tắc đường là đúng. Chiếc ô tô 4 chỗ mà có đủ 4 người ngồi lên cũng chiếm nhiều diện đích đường đi hơn nhiều so với 4 cái xe máy. Thật lực cười khi đưa ra phương án cấm xe máy như thế này”, bạn Âu Lạc phân tích.



Bạn Nguyễn Thanh Hưng, TPHCM cho rằng, giờ bắt đầu làm việc của các công ty hiện nay là 7h-8h, do đó giờ cao điểm giao thông là 6h-8h. Nếu cấm xe máy trong giờ này mọi người phải đi xe buýt thì những người giàu có điều kiện đi xe hơi hoặc taxi sẽ rất sướng vì đường thênh thang cho xe chạy. Còn những người khác thì sao? Họ phải rời nhà thật sớm để đón xe đi làm (vì số người cần xe thì quá lớn, số xe buýt lại nhỏ, số chuyến, số tuyến, số chỗ ngồi cũng nhỏ, và đa số người dân sẽ phải đi 2-3 chặng xe buýt mới tới được chỗ làm).



Do đó sẽ có một số đến cơ quan từ rất sớm, và một số lớn sẽ trễ giờ làm. Những người đến sớm phải vật vờ ngồi chờ công ty mở cửa, hoặc tốn thêm tiền ngồi café, ăn sáng chờ đến giờ. Những người trễ giờ thì bị kiểm điểm, trừ lương,… tất yếu là các công ty chịu thiệt hại vì không có người làm. Từ đó sẽ phát sinh ra chuyện chuyển giờ làm để né giờ cấm xe máy và rồi lại phát sinh giờ cao điểm. Vì thế, theo tôi cấm xe máy là biểu hiện của sự bế tắc trong suy nghĩ hướng giải quyết vấn đề, vì đơn giản nó vẫn không thể giải quyết vấn đề.



“Thật vô lý! Cấm xe máy nhưng không cấm ôtô con như thế là cấm dân nghèo. Đã cấm thì phải cấm tất các phương tiện cá nhân. Hơn nữa, nếu cấm, lúc đó, phương tiện giao thông công cộng có đảm bảo được không?”, một bạn đọc ở Hà Nội viết.


Xuân Tùng



http://vnmedia.vn/VN/cam_xe_may_trong_noi_thanh_tranh_cai_nay_lua_426_240802.html