Trò chuyện với ca sĩ Tuấn Ngọc - một người có tuổi, và tất nhiên là có tên, danh tiếng như cồn mà đời tư lại hiền lành quá đâm ra cũng là cách tự làm khó mình.



Người trẻ thích đánh đố và thường đi tìm lời giải to tát. Trong khi đó, cả câu chuyện của người lớn (nếu theo chuẩn mực của nhạc sĩ Y Vân là đã sống lố một vòng đời 60 năm) chỉ xoay quanh hai thứ: Biết và đủ.


Tôi thấy những ngọn núi cao


* Xin thứ lỗi, một năm trôi qua với hai mất mát lớn lao (nhạc sĩ Lữ Liên, thân phụ của ca sĩ Tuấn Ngọc và nhạc sĩ Phạm Duy, bố vợ anh), anh nhìn thấy gì sau mỗi cuộc ra đi của người thân mình?







Ảnh: Đại Ngô


Chẳng thấy gì cả. Đấy đâu phải là hai cuộc mất mát đầu tiên trên thế giới này. Có câu “dám chơi dám chịu”, đã dám sinh ra đời rồi thì phải dám khổ. Đã dám sướng thì phải dám đau. Còn về mặt cảm xúc, buồn chứ sao không buồn. Một ngày nào tôi cũng đi vậy.


Cuộc đời rồi sẽ quên chúng ta. Tôi hiểu, càng sống lâu thì càng phải chấp nhận. Trong cái vui đã có mầm mống của đau khổ. Cuộc đời đâu giản dị là niềm vui.

























Với tôi, âm nhạc là hạnh phúc vô bờ bến. Tôi cố gắng trau dồi hằng ngày. Từ giờ trở đi nếu còn hát được, tôi tự coi đó là bonus (phần thưởng thêm). Và giả sử ngày mai bị ngưng hát, tôi cũng chẳng có gì để lấy làm hối tiếc



* Sắp tới, anh và vợ (ca sĩ Thái Thảo) có tính trở về Việt Nam định cư không?


Tôi chưa tính gì cả. Lý do chính vẫn là con cái. Nếu không vướng con cái, chỉ có hai vợ chồng thì dễ quyết định hơn rồi. Hứng lên về ở thử vài năm xem thế nào. Còn vướng con cái, mới đi mấy tháng đã thấy lo. Bởi vậy, tôi luôn nói với một vài người quen rằng đừng sinh con. Cái gì cũng có giá của nó. Trong suy nghĩ của tôi, con người sinh ra là chịu khổ. Có con thì thương con nhất trên đời, thương lắm, nhưng đồng thời mình cũng phải bỏ thời gian ra theo dõi, chăm sóc, nhất là luôn luôn lo lắng cho con.


* Hỏi vui một câu, nếu được quay ngược thời gian lại, anh vẫn quyết định sinh con chứ?


Hiện tại ba đứa con nó ở đây rồi, làm cách nào để nhét vô lại được? (cười). Đây, để tôi mở hình con tôi cho xem. Đức Huy khoe con được, tôi cũng khoe con được. Tôi đâu thua Đức Huy. Con tôi hồi bốn tuổi, dễ thương không? Giờ con lớn rồi, tôi vẫn thấy con dễ thương như vậy.


* Song song niềm vui, với anh, gia đình có phải là gánh nặng?


Dĩ nhiên. Ngay cả nếu mình có một chiếc xe hơi đẹp, mình phải lo nó mất, lo nó hư... Thành ra ít có bao nhiêu là sướng bấy nhiêu. Huống chi mình đã dám có gia đình, dám có con cái... Không có gia đình thì bất cần buông thả kiểu gì cũng tùy, nhưng có gia đình rồi phải khác.


* Nghe kể mỗi lần di chuyển tới lui là anh bị viêm họng, ăn uống khó khăn... Về Việt Nam ở luôn chẳng phải vừa ổn định thời gian chăm sóc sức khỏe, vừa gần gũi với khán giả trong nước hơn?


Tôi từng nhận được câu hỏi: “Khán giả của anh ở đâu dễ thương nhất?”. Thật ra, ở đâu có khán giả, mình đến hát cũng thấy hạnh phúc. Cuộc đời tôi chưa bao giờ có kế hoạch. Cái gì tới sẽ tự tới. Người ta vẫn bảo, con người không có kế hoạch sống giống như “con thuyền không bến”, nhưng đối với tôi đó lại là may mắn. Đầu óc tôi lúc nào cũng dành nghĩ đến âm nhạc và gia đình. May mắn là, cuộc sống tôi ngày càng dễ thở. Tôi thích quan điểm này: Thành công trên đời cần ba yếu tố, thứ nhất là biết xác định công việc cần làm, thứ hai là hiểu công việc mình làm, thứ ba là may mắn. Tôi tin. Nhất là ở tuổi này, tôi tuyệt đối tin vào may mắn và không dám tự phụ chút nào.


* Nói như thế nghĩa là thời trai trẻ, anh đã rất tự phụ?


Tự phụ chứ! Tuổi trẻ mà. Người trẻ bao giờ cũng có sự chủ quan hơn, cộng thêm việc hồi trẻ mình đâu thể hiểu chính mình bằng khi mình già. Cho tới giờ phút này, tôi không chắc mình đã hoàn toàn hiểu bản thân mình chưa.


* Chạm tới đỉnh vinh quang, người ta hoặc rất tự mãn, hoặc rất thờ ơ. Anh thuộc trường hợp thứ hai?


Không phải. Sở dĩ tôi không còn tự phụ nữa là do tôi đã thấy nhiều. Hồi nhỏ không đi đâu nên chẳng thấy gì. Bây giờ già rồi, được đi khắp nơi, nhìn thấy những ngọn núi cao hơn nên tôi tự biết mình đang đứng ở chỗ nào. Song bù lại, tôi tự tin hơn hồi trẻ. Tôi là một ca sĩ trung bình, nhưng để đến được chỗ trung bình của tôi thì cần phải luyện tập nhiều. Còn hồi trẻ, tôi thấy mình thật đặc biệt, nhưng để đến chỗ đặc biệt đó thì hình như... cũng dễ. Ông Tôn Tử có nói đấy: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.


* Trong cái biết đó, anh có nhận thấy thời của những ca sĩ cùng tuổi anh đang dần qua?


Chuyện dĩ nhiên, tre già măng mọc. Đó là quy luật đào thải.


Tôi đi hát, khán giả đến xem không riêng gì cùng thời mà còn có người trẻ tuổi nữa. Trăm người bán vạn người mua, trừ khi mình làm không tới nơi tới chốn nên không bán được. Tôi chỉ cần số người mua vừa để tôi sống và hát hoài. Với tôi, âm nhạc là hạnh phúc vô bờ bến. Tôi cố gắng trau dồi hằng ngày. Từ giờ trở đi nếu còn hát được, tôi tự coi đó là bonus (phần thưởng thêm). Và giả sử ngày mai bị ngưng hát, tôi cũng chẳng có gì để lấy làm hối tiếc. Tôi, có thể nói, mãn nguyện với cuộc đời âm nhạc của mình.







Tuấn Ngọc và vợ - ca sĩ Thái Thảo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Nếu ăn là để sống...


Ca sĩ Tuấn Ngọc luôn khiến người ta nghĩ cuộc sống của anh phẳng lì và gọn gàng như bộ âu phục anh mặc lên sân khấu. Không giao du bạn bè nhiều cũng là một đặc điểm để nhận dạng anh. Thậm chí có lần, anh thổ lộ: “Tôi không có bất kỳ một người bạn thân nào cả”. Và quả thực là, anh chỉ thường xuất hiện cùng vợ.


* Chuẩn mực từ sân khấu đến đời thường thế này, cám dỗ và anh đã bao giờ đối mặt nhau ở cự ly gần?


Không có người nào không bị cám dỗ. Người đàn ông đủ tốt là người biết đường tránh xa cám dỗ. “Đi tu phòng đủ sáu căn”, không thấy không nghe không ngửi không nếm... Đi tu còn vậy, huống hồ chi mình chỉ là người thường.


* Người luôn phòng ngừa kỹ càng là do tu chưa tới?


Đừng ai nói hay, bởi đàn bà cũng như đàn ông, gặp đúng thứ cám dỗ rồi đều có khả năng sa ngã. Đặc biệt là người nghệ sĩ, bản chất họ thích đẹp, cho tới chết vẫn thích đẹp và bất cứ cái gì đẹp họ cũng thích. Tôi không tin trên đời có người giác ngộ mà dửng dưng trước mọi cám dỗ. Đạo và đời chẳng thể đi vào nhau. Còn biết yêu, biết thích là chưa giác ngộ được. Vì vậy lúc nào cũng phải phòng.


























Tôi là một ca sĩ trung bình, nhưng để đến được chỗ trung bình của tôi thì cần phải luyện tập nhiều



* Phương pháp phòng ngừa cám dỗ hữu hiệu nhất của anh là gì?
Sau biết là đủ. Cái cảm giác không đủ nó sẽ sinh ra bất mãn tranh chấp với cuộc đời.


* Đàn ông, khoảng bao lâu họ mới thấy biết và đủ?


Không ai giống ai. Có những người họ nhận ra ngay khi còn trẻ. Có những người trên đường đến suối vàng vẫn chưa thấy đủ đầy. Cuộc đời này, nếu ai cũng thấy đủ thì đã không phát sinh nhiều vấn đề.


* Đối với riêng anh thì sao?


Khoảng mười năm trở lại đây. Tôi nhớ lời bài hát What the wonderful world, hạnh phúc dễ lắm, sao cứ đòi hỏi hoài. Tuổi tôi bây giờ đã qua hết rồi. Có hay hơn cũng chẳng sướng bao nhiêu, có dở hơn cũng chẳng khổ bao nhiêu. Qua hết rồi. Tôi đủ. Vì tôi đã biết, nếu cuộc đời mình thấy đủ là nó đủ, thấy thiếu là nó thiếu.


* Nhưng con người mà thấy đủ đầy rồi thì còn gì mục tiêu phấn đấu nữa?


Tôi thấy đủ từ lâu, nhưng vẫn trau dồi và cố gắng hoàn thiện bản thân. Đó là tự trọng và bổn phận. Tôi rất nể người có trách nhiệm. Đi gần hết cuộc đời, nghe khen tất nhiên là phải thích, nhưng tôi nhận ra rằng mình không là gì hết. Bởi người có tài nhiều lắm. Siêng năng tập luyện hoài thì cũng sẽ có tài. Chỉ nhân cách tốt, đức tính tốt là khó kiếm. Quay lại chuyện đủ, tôi chưa bao giờ cảm giác sướng cho bằng một khi mình thấy đủ và không thèm muốn gì.


* Sống mà không thèm muốn thì có nhạt nhẽo vô vị quá chăng?


Không thèm muốn đâu có nghĩa là chán sống. Tôi nghĩ, mình có bữa ăn ngon thì mình biết ơn, không ăn ngon được thì bữa ăn bình thường cũng là hạnh phúc.


* Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện. Chúc anh thật nhiều sức khỏe!