Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, đột nhiên cô dâu mới giơ tay: “Con xin lỗi. Con đã biết nhà mình có truyền thống “họp”. Nhưng cha có thể nói nhanh hơn một chút được không ạ?".



Ảnh minh họa.



Hồi cậu em út cưới vợ, cô dâu thuộc thế hệ 8X, nhìn trẻ và hiện đại lắm. Với cả gia đình, cô ấy chỉ xứng được coi là “Nít ranh”. Nhưng rồi mọi chuyện đã diễn ra ngược lại, gay cấn ngay từ ngày đầu tiên...


Buổi tối, vừa xong đám cưới, cha tôi tổ chức họp gia đình để rút kinh nghiệm. Theo lệ, từ trước đến nay, khi họp, cha luôn là người triển khai mọi việc. Cha hỏi đến mới được phép trả lời, cấm nói leo, cấm ngủ gật.


Lần này, cha vẫn trình tự cũ mà làm. Cha nói chậm, có đầu có đuôi, vừa nói vừa bình luận... Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, đột nhiên cô dâu mới giơ tay: “Con xin lỗi. Con đã biết nhà mình có truyền thống “họp”. Nhưng cha có thể nói nhanh hơn một chút được không ạ? Nhà mình vừa xong việc, chắc cha và mọi người, ai cũng cần nghỉ ngơi, phải không ạ?”... Mọi người thấy rất chí lí nhưng vẫn kinh hoàng, cha tôi thì giận dữ, bỏ đi...


Gia đình tôi có sạp hàng tạp hoá. Trước, cha bán là chính. Từ ngày em dâu về, tối, cha giao cho hai vợ chồng nó luân phiên.


Lần kia, cha trách hai đứa không cẩn thận để khách mua bia, không trả vỏ, giờ phải bỏ tiền ra đền. Em dâu bảo, vào phiên em, em luôn ghi lại tên, có lấy tiền đặt cọc đàng hoàng. Anh chồng không dám đổ lỗi cho bố, không nhớ lỗi có phải do mình hay không, phủ đầu ngay: “Chắc chỉ có em thôi chứ còn ai nữa”.


Lời qua tiếng lại, em dâu cáu nhặng lên: “Không bia bọt gì nữa”. Đúng lúc ấy có khách vào mua bia, em dâu trả lại ngay tiền cho khách, đòi bia về. “Không bán chác gì nữa”. Khách bực mình. Trước khi bỏ đi còn nhìn em trai tôi, bình luận một câu rất khó nghe.



Cưới vợ được nửa năm, bỗng một sáng, em tôi thức giấc với gương mặt sưng vù, thâm tím. Ai hỏi, cậu ấy bảo ngã trong bồn tắm. Với phụ nữ, nghe câu ấy người ngoài nghĩ ngay đến chuyện bị chồng tẩn. Với em tôi, ở cơ quan, mọi người chưa rõ về vợ nó nên cũng tin nó ngã. Song, với gia đình, không ai tin nổi.


Cha tôi kéo con trai ra, vặn vẹo hỏi xa gần một hồi, sự thật cũng được phơi bày. Hôm qua, vợ đau đầu. Buổi tối, gọi điện, nhắn tin cho chồng mua thuốc. Chồng gật, ừ... rồi mải mê bạn bè nửa đêm mới về, quên không mua. Vừa bước chân từ ngoài vào phòng đã thấy mặt mũi tối tăm vì... nhận được rất nhiều giận dữ, tủi hờn...


Ngày em dâu tôi có bầu, rồi sinh em bé. Nó vui lắm, tính tình trở nên mềm mại. Gia đình ít hẳn những “cú sốc” do em gây ra. Cha bảo đúng là may mắn! Đúng là nhờ tình mẫu tử!


Nhưng vào ngày bé con vừa đầy tháng đã thấy em dâu hét đùng đùng, bảo thất vọng về chồng, bảo sẽ bế con về nhà ngoại... Em trai tôi rối rít xin lỗi, bảo anh lỡ lời, anh không tệ như thế...


Cha tôi không cần hiểu sự tình, bế nghiến cô cháu nội, kéo con dâu ra phòng khách. Một tay cha bế cháu, một tay rót nước đưa tận tay con dâu rồi bảo: “Hạ hoả, hạ hoả!...”.


Dăm phút sau, em dâu hạ hoả thật, trút ra sự tình: Khi mang thai, biết là sẽ sinh con gái, cứ tưởng chồng là trí thức, sống ở xã hội hiện đại thì biết là không nên trọng nam khinh nữ. Vậy mà khi hai vợ chồng vừa ngồi cùng ghi vào mẫu nhật kí cho con, có câu hỏi: Hồi mẹ mang bầu, cha nghĩ và mình sẽ thích con gì. Vậy mà chồng, do ma xui quỷ khiến thế nào lại bảo “Anh nghĩ là bé trai”. Chồng chưa dứt câu thì bão tố đã ập đến... Cha chẹp lưỡi bảo con trai: “Đáng đời, đáng đời”...


Những sự cố do em dâu 8X diễn ra trong gia đình tôi như vậy thường được cả nhà gọi là “cơn cục” làm nên “cơn cực bĩ”. Nghe qua, rất nhiều người trách em dâu, bảo cô ấy kém, không biết cư xử, thậm chí là hỗn láo...


Nhiều người biết chuyện cũng ngạc nhiên tại sao gia đình tôi không có hình thức “xử lý” gì. Trong thực tế, em ấy còn được “yên ổn” là bởi ngoại trừ thỉnh thoảng vì ấm ức mà lên “cơn cực bĩ”, nhưng qua đi rất nhanh, còn lại, cô ấy có lối suy nghĩ khá già dặn, sống tình cảm, biết chăm lo gia đình.


Về bức tranh chung của gia đình tôi, cũng khác trước nhiều! Cha tôi, từ một người khắt khe, gia trưởng sau những vụ “va chạm” ấy đã bảo “trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Vì thế, để hạn chế tối đa những “cơn cực bĩ” của con dâu, cha đành phải thay đổi thái độ trong nhiều chuyện. Bởi vậy, cha tôi trở nên cởi mở hơn.


Đặc biệt, các vụ triệu tập “họp lê thê” mất hẳn, thay vào đó là đúng nghĩa của từ “sum họp” gia đình. Với cậu út, từ một công tử lười biếng, được chiều chuộng từ bé. Nay, cậu ấy cũng dần khôn ngoan hơn, cậu ấy tìm cách để tránh không làm những việc như là “trêu ngươi” vợ, không chạm vào “cơn cục” của vợ. Có lẽ cũng vì thế mà giờ ai cũng nhận thấy là cậu ấy chững chạc, sống có trách nhiệm hơn rất nhiều.


Đôi khi nghĩ lại về chuyện gia đình, anh chị em chúng tôi cứ tự trêu nhau: Khi nào các thành viên gia đình mình “hoàn thiện” hơn thì sẽ đến lúc góp ý cho em dâu để cô ấy bỏ dần “cơn cực bĩ”.


Theo TGPN


http://giadinh.net.vn/20100827101856933p0c1001/ca-nha-chong-deu-so-nang-dau.htm