http://motthegioi.vn/tieu-diem/ca-gac-buc-tuong-berlin-25-nam-truoc-119618.html



Ca gác 'bức tường Berlin' 25 năm trước


Đăng Bởi Một Thế Giới - 10:29 09-11-2014



Người lính mở tường Berlin



Đêm 9.11.1989, dòng người từ Đông Đức đã ào qua Tây Đức trong cơn giá lạnh, khởi đầu cho sự sụp đổ của bức tường Berlin, kết thúc biểu tượng của cuộc chiến tranh lạnh. Người quyết định dỡ rào chắn để dòng người tràn qua 25 năm trước là Harald Jaeger, trung tá chỉ huy đồn biên phòng.



25 năm sau, ở tuổi 71, Jaeger hồi tưởng cảm giác không thể tin nổi những từ ông nghe thấy từ đám đông đang gào la đêm ấy.


Mọi chuyện bắt đầu khi một quan chức buột miệng nói trên truyền hình, rằng người dân Đông Đức có thể xuất cảnh ra nước ngoài "ngay lập tức và không bị trì hoãn" .


Khi nghe lời tuyên bố đó, Jaeger bị sốc đến nỗi ông ho sặc lên cuộn bánh mì đang ăn dở. Ông hồi tưởng:


"Tôi không tin vào tai mình và tôi tự hỏi: Chuyện xuẩn ngốc nào vậy?"


Để tưởng nhớ ngày sụp đổ của Bức tường Berlin 25 năm trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người từng lớn lên ở Đông Đức, sẽ chủ trì lễ tưởng niệm những người xưa kia đã phải bỏ mạng khi tìm cách vượt tường Berlin trái phép.


Lễ tưởng niệm với khẩu hiệu “Dũng cảm vì tự do” sẽ diễn ra vào Chủ Nhật 9.11.2014. Sự sụp đổ của bức tường Berlin gây chấn động toàn cầu, dẫn đến việc ra đời nước Đức thống nhất vào ngày 3.10.1990.



Lúc ấy Jaeger đang đeo lon trung tá Stasi. Ông có 28 năm làm việc trong hàng ngũ biên phòng Đông Đức.


Jaeger còn giữ chức vụ phó đồn biên phòng tại cửa khẩu Đường Bornholmer ở phía bắc của Đông Berlin.


Tuy được vinh danh là người mở tường Berlin, Jaeger không bao giờ nhận công về mình.


"Tôi không phải là người lính mở tường Berlin. Những công dân Đông Đức tụ tập trước cửa khẩu mới là những người làm chuyện đó", Jaeger kể một cách khiêm tốn.


Ông vốn là một người lính trung thành với chủ nghĩa cộng sản.


Đêm 9.11.1989. Trong tâm trạng rối bời trước cảnh tưởng náo loạn, Jaeger quyết định chóng vánh. Ông ra lệnh mở cửa khẩu Đường Bornholmer mà không theo mệnh lệnh của cấp trên.


Ông già hưu trí Jaeger bây giờ bồi hồi nhớ lại.


Đêm đó, ông nghĩ là mình sẽ có một ca trực bình thường. Theo lệ, ông dẫn đầu 14 lính được bố trí canh gác tại cửa khẩu Đường Bornholmer Strasse từ 6 giờ chiều, giờ địa phương.


Khi Jaeger bước vào căn-tin ăn lót dạ, ông bất ngờ khi truyền hình phát một tuyên bố không được soạn sẵn. Tuyên bố này có nội dung bật đèn xanh cho dân Đông Đức nhập cảnh vào Tây Đức.


Ông lập tức chạy ngược trở lại đồn kể lại cho các đồng nghiệp. Ban đầu, thuộc cấp của ông bán tín bán nghi. Họ cho rằng có lẽ Jaeger nghe nhầm.


Jaeger gọi điện cho cấp trên của mình hòng có một câu trả lời rõ ràng.


Nhưng phía bên kia đường dây lại làm ông thất vọng:


"Anh gọi tôi chỉ để hỏi một chuyện ngu ngốc vậy sao?", sếp của Jaeger càu nhàu.


Jaeger nhận được chỉ thị là phải đuổi những người muốn vượt tường Berlin về nhà nếu họ không có giấy phép qua cửa khẩu.


Thế nhưng, đám đông những người dân Đông Đức tò mò tụ tập trước cửa văn phòng Jaeger mỗi lúc một nhiều hơn. Mọi người bắt đầu la ó "Hãy cho chúng tôi đi!"


Hoảng hốt, Jaeger gọi lại cho sếp. Ông sếp trả lời: "Tôi không có chỉ thị nào từ cấp trên. Tôi chẳng biết ra lệnh quái gì cho anh nữa".


Đám đông mỗi lúc một phình to ra. Khoảng 9 giờ tối, mọi con đường vào cửa khẩu bị nghẹt cứng người.


Lần này, Jaeger vớ lấy điện thoại và hét vào ống nói: "Chúng ta phải làm gì đó!"


Cấp trên ra lệnh cho Jaeger để những người hăng tiết nhất trong đám đông đòi qua biên giới hòng làm yên chuyện.


Tuy nhiên, quyết định này là có tác dụng ngược. Đám đông chỉ trở nên kích động hơn.


Jaeger bắt đầu lo sợ cảnh dòng người dẫm đạp lên nhau để vượt biên sẽ xảy ra.


Trước cảnh náo loạn đó, ông tự nhủ: "Đã đến lúc mình phải ra tay. Chuyện gì đến sẽ đến, chúng ta phải để dân Đông Đức qua biên giới".


Khoảng 11 giờ 30 tối, ông ra mệnh lệnh của định mệnh. "Hãy dỡ rào chắn".


Ban đầu, đám thuộc cấp của ông đứng im như trời trồng, họ sững sờ ra mặt. Jaeger phải lặp lại mệnh lệnh lần nữa.


Cho đến tận bây giờ, giây phút cây rào chắn sơn hai màu trắng đỏ được dỡ lên vẫn khiến ông xúc động. Jaeger ngồi trên ghế sofa trong căn hộ hai phòng ngủ nhỏ bé của mình để hoài niệm về quá khứ và kể lại:


"Tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm như thế. Không bao giờ trong cuộc đời mình tôi có lại cảm giác đó", ông mỉm cười khi hồi tưởng về cái đêm định mệnh ấy.


"Công trạng duy nhất của tôi là để mọi chuyện xảy ra mà không tốn một giọt máu".


Rạng sáng ngày 10.11, khi hết ca trực, Jaeger liền gọi cho người thân kể về những gì đã xảy ra.


Sáng ngày 10.11.1989, một cơn lũ người Đông Đức kéo nhau qua biên giới để vào Tây Đức xuất hiện ngay sau khi tin tức biên giới đã được mở cửa vào đêm trước lan xa.


Đến ngày 22.12.1989, toàn bộ cổng ngăn cách thuộc bức tường Berlin đã được mở, chấm dứt kỷ nguyên chiến tranh lạnh của thế kỷ 20.


Nguyễn Thị Quỳnh Như


(theo Business Insider, Stuff, News Republic)