Bún "chửi" Hà thành


03/08/2011 9:28



PN - “Nàng” chửi khách từ lúc mở hàng đến lúc đóng cửa. Giọng the thé đặc trưng của “nàng” không biết có phải là gia vị cho món bún lưỡi không, mà sao nam thanh nữ tú cứ kéo đến đông thế! Ăn mãi, nghe chửi mãi rồi cũng quen, chép miệng bảo nhau: “Nàng” chửi đứa bên cạnh, có chửi mình đâu. Kệ...”.



“Cho thêm bún đi cô ơi!”. “Ăn gì mà lắm thế. Hết bún rồi. Không ăn nữa thì phén” (lẽ ra phải dùng từ “phắn”)... “Cho cháu hai bát bún lưỡi chấm cô ơi”. “Ở đây bán đắt lắm đấy. Có tiền không mà đòi ăn”... “Để xe đâu cô ơi?”. “Để lên nóc nhà ý. Đi ăn mà lại còn đi hai xe”.Đấy là cực nhẹ nhàng nhé. Phải hôm nào trời nóng nực như cái đận tháng Sáu, tháng Bảy, “nàng” chủ quán bún lưỡi ở chợ Ngô Sĩ Liên cứ như ăn phải lá han. “Nàng” chửi khách từ lúc mở hàng đến lúc đóng cửa. Giọng the thé đặc trưng của “nàng” không biết có phải là gia vị cho món bún lưỡi không, mà sao nam thanh nữ tú cứ kéo đến đông thế. Ăn mãi, nghe chửi mãi rồi cũng quen, chép miệng bảo nhau: “Nàng” chửi đứa bên cạnh, có chửi mình đâu. Kệ...”.


Thương hiệu “bún chửi” không biết do ai đặt, nhưng đã trở thành tên gọi của quán bún lưỡi ở chợ Ngô Sĩ Liên, do một người đàn bà to béo, đen trũi, lúc nào tóc cũng vấn ngược lên, biệt danh T. “béo” làm chủ. Khách vào quán này, chưa biết sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon của món bún lưỡi đến đâu nhưng chắc chắn sẽ hứng trọn “đặc sản” chửi của bà chủ quán ngay từ vòng gửi xe.


11g trưa một ngày nắng nóng, cô bạn cũng làm báo rỉ tai: “Phải đến đúng ngày nóng đến nỗi “chó già thè lưỡi”, thì mới thấy độ khủng của bài ca “nàng” dành cho khách". Gọi thêm một bạn cũng thuộc hàng chua ngoa đanh đá, ba chúng tôi hăm hở phóng đến chợ Ngô Sĩ Liên. Khách tấp nập, trai thanh gái lịch ngồi sát cả ra mép cống, vừa xì xụp nước lèo vàng ươm vừa ngửi mùi nước cống thối hoắc nhưng mặt ai cũng hồng hào, hớn hở, tủm tỉm nghe “nàng” chửi. “Ba chị hoa hậu ăn gì ạ?” - chưa kịp cất mồm, “nàng” đã cất hộ. “Cho em ba bún lưỡi ạ” - một bạn hiền nhất trong nhóm thả giọng thỏ thẻ. “Vào đây không ăn bún lưỡi thì ăn gì?” - “nàng” vào đề một cách cũng nhẹ nhàng, hóm hỉnh không kém. “Cho em ba bún lưỡi chấm ạ” - một bạn nữa đỡ lời. “Vào nhanh tìm chỗ đi, ba chị hoa hậu mà cứ lượn phượn ở đây em bán hàng làm sao được”.


Bước nhanh vào căn phòng bé tí, méo mó, mốc xì, thấp lè tè, kê chật cứng bàn ăn, muốn đi phải lách như cá trê, tôi đánh bạo kêu: “Chị ơi, hết chỗ rồi”. “Thế thì lên nóc nhà ngồi đê” - giọng the thé của nàng cất lên. Và rồi, vừa bốc bún, mắt “nàng” vừa quắc lên: “Ăn thì ăn, không ăn thì phén cho rộng chỗ. Thiếu éo gì khách”. May quá. Hai cô cậu học trò cấp III còn mặc nguyên đồng phục vừa ăn xong, tủm tỉm cười, nhường ghế cho chúng tôi. Từ lúc ấy cho đến lúc ăn xong bát bún trong trạng thái căng thẳng, pha chút lo lắng, tôi đếm được “nàng” đã dùng từ “phén” để đuổi khách ít nhất 20 lần. Thế mà chả khách nào chịu về. Vẫn chúi đầu vào bát. Xì xụp. Có gì đó như là sự nhịn nhục, pha lẫn một cảm giác hớn hở thì phải.


Một chị chừng ngoài 40 tuổi, mặt mũi có vẻ ngáo ngơ, có lẽ đến từ đâu đó cách Hà Nội phải ít nhất là 50 cây số, đứng trước bàn lưỡi luộc tần ngần: “Ở đây bán bún gì hả chị?”. “Ở đây chả bán bún gì hết”. “Cho em một bát mang về”. “Em chả bán mang về chị ạ. Chị phén đi cho em bán hàng”. Chưa hết, “nàng” còn lầm bầm thêm vài câu chửi ngoa ngoắt nữa khiến chị kia chỉ còn biết lặng lẽ quay gót.


Ngồi nghe “nàng” chửi khách tôi cứ thắc mắc, chẳng hiểu được tại sao những hàng quán chửi khách như quán bún lưỡi ấy vẫn tồn tại được ở đất kinh kỳ có bề dày ngàn năm văn hiến, trong thế kỷ XXI, khi mà các ngành dịch vụ cạnh tranh nhau bằng hàng ngàn chiêu chăm sóc “thượng đế” của họ. Vì thói quen rất xấu của một số người khi cho rằng, việc của người khác không liên quan gì tới mình, từ mà báo chí hay dùng ngày nay là “vô cảm”. Vô cảm với những lời chửi mắng, vô cảm khi thấy người khác bị chửi, bị đánh và vô cảm với chính mình. Lòng tự trọng càng ngày càng bị thui chột đi rồi chăng? Người ta ăn trong tiếng chửi, bỏ tiền ra vẫn bị chửi, được phục vụ theo kiểu “củ chuối” vẫn cắm mặt ngồi ăn. Thế có hèn?


Người phục vụ lẫn người được phục vụ đều chìm ngập trong


tiếng chửi của "nàng" chủ quán


Lại có người lập luận kiểu AQ: “Nàng” chửi khách thì miệng liền tai, nghe riết rồi quen, lại thấy cũng... hay hay, làm nên một “thương hiệu” riêng cho nhà hàng. Rất ấn tượng, dù là ấn tượng xấu. Đáng sợ là không phải một quán bún chửi ở chợ Ngô Sĩ Liên, Hà Nội còn nhiều hàng quán tương tự. Nào là mì chửi ở sau sân vận động Hàng Đẫy, bà chủ quán vừa hút thuốc phì phèo vừa “tiễn khách” bằng màn chửi các nhân viên làm thuê. Được cái, “nàng” không bao giờ chửi khách, nhưng vừa đưa đũa mì lên miệng, chợt thấy đắng ngắt vì một tràng chửi nhân viên tục tĩu của “nàng”. Hàng cháo chửi ở phố Lý Quốc Sư cũng vậy. Các “nàng” đều có tuổi, không biết cuộc đời khắc nghiệt với các “nàng” cỡ nào mà bây giờ, khi đã vào tuổi xế chiều, các “nàng” lại dành cho cuộc đời những lời lẽ cay nghiệt đến vậy.


“Cơm quạ” - chẳng phải ở đó có món quạ kho hay quạ luộc mà chỉ là bà chủ có phong cách làu bàu và... xấu như quạ, luôn trong trạng thái giận dữ như muốn tống cổ khách ra, nhưng người ta cũng đồn nhau, đã ăn “cơm quạ” một lần rồi là như nghiện. Phở “xếp hàng” Bát Đàn nổi tiếng từ mấy chục năm nay, đến bây giờ người Hà Nội vẫn kiên nhẫn xếp hàng cả nửa tiếng để đợi được bưng tô phở, chịu sự ghẻ lạnh của nhân viên phục vụ trong cái quán cũng cũ như từ thời bao cấp, thậm chí phải vừa đứng vừa ăn vì hết chỗ. Miếng ăn xem ra khó nhọc thật!


Có câu chuyện giang hồ đồn thổi, thế này: Một nhóm thanh niên đi tập thể thao về, ghé qua hàng cháo chửi để nạp năng lượng. Vừa bưng bát lên chưa kịp hít hà, đã nghe một tràng dài quen thuộc. Khó chịu xóc lên tận óc, một chàng rút nguyên đôi giày bata bê bết đất, nhẹ nhàng mở vung nồi cháo to đùng thả vào. Bà chủ quán ú ớ không nói nên lời. Mấy cậu trông xe định xông vào can thiệp thì chợt nhũn ra trước nhóm bạn này, anh nào anh nấy là dân thể thao, tướng tá to đùng.


Nghe chuyện, nhiều người đã ước có một lần mình được như anh ấy. Hóa ra, ai cũng ghét cái xấu, ai cũng muốn tẩy chay thói vô văn hóa nhưng chưa đủ dũng cảm để đấu tranh. Nếu ai cũng tẩy chay thói phục vụ theo kiểu “tiễn khách” thì các “nàng” làm sao còn đất mà diễn nữa nhỉ?


CHI MAI


"Tôi công nhận là mình vô văn hóa”




“Nàng” là chủ quán bún lưỡi ở chợ Ngô Sĩ Liên gần 20 năm rồi. Cái quán này là nguồn sống của cả nhà “nàng”, quãng hơn chục người. Những người hàng xóm tỏ ra rất “thấu hiểu”: “Nàng” bất hạnh lắm đấy, mấy đứa con trai đều chơi bời cả, chồng thì nằm liệt giường nhiều năm rồi. Thỉnh thoảng bức xúc thì chửi đổng, miệng gần tai khắc nghe, hàng xóm hơi đâu mà để ý”. Một lần, sau một hồi nói chuyện với chúng tôi, nàng chùng giọng bảo: “Tính em nóng quá, không kiềm chế được đâu, cứ nói văng miểng thôi chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Nói xong là quên ngay, khách mà ghét thì họ đã không đến đông như thế này”. Lạ một điều, có nhiều bài báo đã phản ánh sự thiếu văn hóa của bà chủ quán, nhưng quán vẫn đông, vẫn chưa có ai gặp “nàng” để góp ý cả. “Nàng” phân bua: "Mà đừng nói tôi chửi nhé, đôi khi nóng tính, tôi hơi chanh chua một tí thôi nhé! Nói tôi chửi, người ta đánh chết đấy! Tôi bán hàng cho những ai tôi thích bán, ai làm tôi ngứa mắt thì tôi đuổi thẳng, thế thôi. Tôi công nhận là đôi lúc mình nói năng vô văn hóa thật, nhưng sinh ra nó đã thế rồi, cố sửa cũng được đấy, nhưng khó khăn lắm cô ạ!”.


http://www.phunuonline.com.vn/2011/Pages/bun-chui-ha-thanh.aspx