Hai ngày sau cuộc họp của Hà Nội, Bộ Giao thông đã trình Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm. Công chức cơ quan trung ương sẽ làm việc từ 9h đến 18h; công chức của Hà Nội sẽ làm từ 8h30 đến 17h30.


> Hà Nội chưa thống nhất phương án đổi giờ làm/ Độc giả nhờ Bộ trưởng Giao thông giải bài toán 'đón con'



Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà



Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, so với đề xuất trước đó, phương án đổi giờ làm việc vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, công chức cơ quan trung ương sẽ làm giờ ca sáng từ 9h đến 12h; ca chiều từ 13h đến 18h. Công chức Hà Nội sẽ làm giờ ca sáng từ 8h30 đến 12h; ca chiều từ 13h đến 17h30. So với dự thảo, phương án đổi giờ học đã được điều chỉnh, tiếp thu góp ý của các ban ngành và thành phố Hà Nội.


Trao đổi với VnExpress chiều 27/10, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện Chính phủ chưa thảo luận về phương án đổi giờ học, giờ làm của Bộ Giao thông Vận tải. Sau khi đã bản thảo, quyết định phương án tối ưu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện lưu thông an toàn cho số đông.


Trong cuộc họp sáng 25/10, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần nghiên cứu, tính toán thêm trước khi quyết định. Hà Nội sẽ nghiên cứu, áp dụng ở phạm vị hẹp với nhóm người ít bị ảnh hưởng nếu điều chỉnh giờ như khối sinh viên, khối trung tâm thương mại. Các trung tâm kinh doanh, thương mại sẽ mở cửa từ 9h30 đến 23h30.


Trước đó, trả lời VnExpress, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, cần phải nghe thêm thông tin phản biện của xã hội, thậm chí điều tra xã hội học, không vội vàng. "Chính phủ yêu cầu quý I năm 2012 mới trình đề án. Nếu trình được sớm thì càng tốt nhưng nếu thấy chưa vững chắc thì nên có nghiên cứu thêm", ông Nghị nói.


Biểu quyết của độc giả trên VnExpress từ chiều 25/10 đến chiều 27/10.



Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và TP HCM đã gây bức xúc cho người dân và trở thành đề tài nóng bỏng cả trên nghị trường Quốc hội lẫn ngoài xã hội. Hà Nội từng đề xuất nhiều giải pháp để giảm tình trạng này, như đi xe biển chẵn lẻ theo ngày chẵn lẻ, điều chỉnh giờ làm việc, nhưng chưa thực hiện được.


Năm 2009, Hà Nội áp dụng giải pháp bịt một số ngã tư, tuy nhiên sau đó bị dư luận phản đối. Hiện thành phố triển khai việc phân làn trên một số tuyến và dự kiến trong tương lai giải pháp này sẽ được áp dụng trên tất cả tuyến đường.


Việt Anh



http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/10/bo-giao-thong-chot-phuong-an-doi-gio-lam/